Hủy
Tài Chính

Tỉ giá giữ chân FDI và FII

Minh Đức Thứ Hai | 07/11/2022 07:30

Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) mang tính đầu cơ cao bị ảnh hưởng nếu các quỹ đầu tư nước ngoài ghi nhận lợi nhuận theo USD. (Ảnh: Quý Hòa)

Chính sách điều hành tiền tệ ổn định là một trong những nền tảng quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
 

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh biên độ tỉ giá VND/USD từ +/- 3 lên +/- 5. Động thái này làm dấy lên mối lo ngại biến động tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến việc Việt Nam thu hút các dòng vốn ngoại. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) mang tính đầu cơ cao bị ảnh hưởng nếu các quỹ đầu tư nước ngoài ghi nhận lợi nhuận theo USD. Xu hướng này được chú ý nhiều khi trong tháng 9 vừa qua, các quỹ ETF rút ròng trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước lao dốc... 

Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, nhà đầu tư khắp thế giới đều lo ngại, khi đồng USD đi lên, đồng nội tệ sẽ đi xuống. Nếu USD tiếp tục mạnh lên, lãi suất gia tăng thì xu hướng dòng tiền vẫn là đổ về Mỹ. Lãnh đạo VinaCapital nhìn nhận, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tăng, nhưng dòng vốn FII không dễ mua ròng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. 

Theo phân tích của ông Brook Taylor, CEO Quỹ VinaCapital Asset Management, giá trị USD tăng vọt không có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tại các thị trường mới nổi vì 2 lý do. Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài chịu khoản lỗ khi quy đổi ngoại tệ đối với giá trị các khoản đầu tư của họ nếu USD tăng giá, đơn giản vì họ thường quan tâm chủ yếu đến giá trị USD của các khoản đầu tư đó. Điều này giúp giải thích tại sao chỉ số MSCI-EM hoạt động kém hơn S&P 500 trong năm nay.

 

Thứ 2, các quốc gia có nguy cơ mất giá tiền tệ lớn (như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh) gặp khó khăn trong thu hút vốn dài hạn, bao gồm cả các khoản đầu tư quỹ đầu tư tư nhân (PE) và mạo hiểm (VC).

Thực tế, Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 10 tháng năm 2022 đạt hơn 22,46 tỉ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021 song tăng 9,9 điểm phần trăm so với 9 tháng...

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, lý giải cho sự sụt giảm của vốn đăng ký mới. Thứ nhất, các chính sách kiểm soát dịch COVID-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư, cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong những tháng cuối năm 2021, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.

Thứ 2, thị trường toàn cầu đang đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và do đó, đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi vấn đề tỉ giá vì Việt Nam đã duy trì tỉ giá VND/USD ổn định trong 10 năm qua. “Tôi không nghĩ rằng, bất ổn trên thị trường ngoại hối toàn cầu sẽ tác động đến các quỹ PE hoặc VC tới Việt Nam”, ông Brook Taylor đánh giá. Nhận định này dựa trên lũy kế từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về thu hút vốn ETF, với giá trị vào ròng gần 390 triệu USD.

Trong xu hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư vẫn coi trọng các yếu tố dài hạn bao gồm, ví dụ, ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, giá nhân công, trình độ nhân lực, cơ sở hạ tầng, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, triển vọng tăng trưởng kinh tế, vị trí địa chính trị...

Xét về tỉ giá và chính sách tiền tệ, còn nhiều yếu tố giúp đồng tiền Việt Nam ổn định trong dài hạn như tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ổn định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tài chính công đang ở mức rất tốt...

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi vấn đề tỉ giá vì Việt Nam đã duy trì tỉ giá VND/USD ổn định trong 10 năm qua. (Ảnh: TL)
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều bởi vấn đề tỉ giá vì Việt Nam đã duy trì tỉ giá VND/USD ổn định trong 10 năm qua. (Ảnh: TL)

“Việt Nam không nên nhìn vào con số thu hút đầu tư mới, mà nên nhìn vào con số giải ngân đang ở mức cao và có lẽ năm nay sẽ đạt mức kỷ lục”, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận định.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, tiềm năng của Việt Nam lại hạn chế, Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này để hoàn thiện các vấn đề thể chế để cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích chuyển giao công nghệ và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài...”, Giáo sư - Tiến sĩ  Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận định. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới