Hủy
Thế giới

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều sau báo cáo dữ liệu lạm phát thấp hơn dự kiến

Bạch Hiền Thứ Năm | 11/05/2023 11:29

Chỉ số CPI cho thấy áp lực lạm phát đã hạ nhiệt. Ảnh: Business Insider.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố làm dấy lên hy vọng rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed đã đạt đỉnh và sẽ kết thúc.
 

Các chỉ số chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ 4 (10/5) sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố thấp hơn dự đoán của thị trường.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 0,09%, tương đương 30,48 điểm xuống 33.531,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,45% lên 4.137,64 điểm trong khi chỉ số Nasdaq tăng 1,04% chốt ở 12.306,44 điểm.

Theo báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 5% mà các chuyên gia kinh tế đã dự báo trước đó. CPI trong tháng 4 tăng 0,4% sau khi tăng 0,1% trong tháng 3.

Chỉ số Nasdaq tăng mạnh trong phiên giao dịch nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ hồi phục. Ảnh: CNBC.
Chỉ số Nasdaq tăng mạnh trong phiên giao dịch nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ hồi phục. Ảnh: CNBC.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo ngược sau khi báo cáo được công bố, hỗ trợ thêm cho thị trường chứng khoán vốn đang bị nỗi lo lắng về lãi suất cao hơn sẽ cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm giảm khoảng 11 điểm cơ bản xuống 3,91%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 8 điểm cơ bản xuống 3,44%.

“Thị trường đặt niềm tin rằng lạm phát đang có xu hướng giảm đi vì báo cáo cho thấy giá nhà ở vẫn tăng cao, điều này có nghĩa là giá thuê sẽ bắt đầu giảm mạnh trong thời gian tới. Do đó, lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới, nhưng giảm về mức 2% là một câu chuyện khó khăn hơn rất nhiều bởi thị trường lao động vẫn đang tăng trưởng mạnh”, ông Edward Moy, nhà phân tích cấp cao của Oanda nhận định.

Trong phiên giao dịch này, mức tăng chung của toàn thị trường được kiểm soát bởi nhóm các cổ phiếu công nghệ. Mặt khác, các cổ phiếu vốn có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế như Nike và Caterpillar lại bị bán tháo mạnh do tâm lý lo ngại nguy cơ suy thoái xảy ra hoặc đang xảy ra đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư.

Cổ phiếu Airbnb “bốc hơi” 10,92% khi kết thúc phiên do công ty đặt phòng ước tính có ít lượt đặt trước hơn và giá trung bình hằng ngày thấp hơn trong quý II. Trái lại, cổ phiếu Rivian Automotive tăng 1,8% sau khi nhà sản xuất xe điện công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 vượt ngoài kỳ vọng và đề cập lại dự báo sản lượng hằng năm.

Hiện tại, Phố Wall trở nên thận trọng hơn trong các giao dịch và chuẩn bị cho một đợt hồi phục của thị trường giữa bối cảnh lạm phát lõi giảm chậm. CPI lõi tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng trước. Đây đều là những con số nằm trong tầm dự đoán của giới phân tích.

“Mỗi tháng trôi qua mà lạm phát lõi lại đang trên đà giảm chậm, cơ hội giảm đạt được mục tiêu giảm lạm phát trong năm nay lại ngày càng xa hơn. Vì vậy, theo tôi, tất cả những điều này không cho thấy tín hiệu rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ hay cắt giảm lãi suất”, ông Stephen Stanley, chuyên gia kinh tế trưởng của Amherst Pierpont nói.

Ngoài ra, toàn thị trường cũng theo dõi những cập nhật mới nhất về cuộc đàm phán trần nợ diễn ra ở Nhà Trắng của Mỹ. Trước đó, Bộ Tài chính cho biết Mỹ có thể vỡ nợ nếu không thể đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công trước ngày 1/6. Tổng thống Joe Biden đã có buổi gặp gỡ với các lãnh đạo của Quốc hội nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy triển vọng từ cuộc gặp gỡ này. Các bên dự kiến gặp lại vào ngày thứ 6 tuần này.

Có thể bạn quan tâm:

Chứng khoán Mỹ chịu áp lực từ trần nợ công và nỗi lo lạm phát


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới