Hủy
Thế giới

Sóng PE hạ nhiệt

Văn Quốc Thứ Bảy | 10/09/2022 07:30

Hiện có khoảng 3.300 tỉ USD được quản lý bởi các quỹ PE đang được đầu tư vào các công ty tư nhân. Ảnh: Getty Images.

Các thương vụ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) đang trở nên uể oải sau một năm bùng nổ.
 

Điều mà nhà đầu tư vào các thị trường nợ và cổ phiếu nhớ nhất trong nửa đầu năm 2022 là các đợt bán tháo liên tục. Những biến động trên các thị trường đại chúng đã ít nhiều lan sang các thị trường tư nhân. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm nay, những thương vụ mua lại do các công ty PE hậu thuẫn chỉ đạt 486 tỉ USD, giảm 18% sau một năm 2021 kỷ lục với 1.200 tỉ USD giá trị thương vụ PE được công bố, theo Pete Witte, chuyên gia phân tích trưởng mảng PE toàn cầu tại EY. Số thương vụ cũng giảm từ mức cao của năm ngoái. Nếu như năm 2021, trung bình mỗi tháng có 70 thương vụ trị giá từ 100 triệu USD trở lên thì mức trung bình của 6 tháng đầu năm nay là 53. Trong đó, công nghệ, chăm sóc sức khỏe và bất động sản vẫn là các lĩnh vực chiếm gần phân nửa tổng giá trị các giao dịch PE. 

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đang sa sút trước nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ cùng bất ổn địa chính trị leo thang được dự báo sẽ có tác động lâu dài và sâu rộng đến môi trường PE trong 6 tháng cuối năm 2022 và các năm kế tiếp nếu các điều kiện vĩ mô bất lợi kéo dài. 

Nếu vậy, sẽ là cú sốc lớn cho một ngành có quy mô đã phình to lên mức 4.600 tỉ USD hiện nay từ mức 1.300 tỉ USD của năm 2009. Sự bùng nổ của ngành này là kết quả của cuộc săn tìm mức sinh lời cao hơn thị trường chung của các quỹ lương hưu, các công ty bảo hiểm, quỹ hiến tặng và các tổ chức khác trong suốt 1 thập kỷ lãi suất thấp kỷ lục thời hậu khủng hoảng tài chính 2007-2009. Nhiều tổ chức thậm chí đã tăng hơn gấp đôi số vốn đổ vào ngành PE. 

Đáng chú ý, hiện có khoảng 3.300 tỉ USD được quản lý bởi các quỹ PE đang được đầu tư vào các công ty tư nhân. Và mức định giá của những công ty trong danh mục đầu tư đã ở mức rất cao khi các quỹ PE chạy đua thâu tóm những mục tiêu tiềm năng nhờ vốn rẻ. Theo Bain & Company, chỉ riêng tại Mỹ, mức định giá trung bình của các thương vụ PE đã gấp tới 19,3 lần EBITDA (lợi nhuận trước thuế lãi vay và khấu hao) trong năm 2021 so với 12,6 lần của năm 2007. Điều đó có nghĩa là với lãi suất gia tăng, lạm phát cao hiện nay, việc định giá lại các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư sẽ là một nỗi đau đối với những quỹ  đã lỡ mua với giá cao trước đó. 

Diễn biến trên thị trường đại chúng có thể cho thấy triển vọng lợi nhuận của ngành PE và chắc chắn không phải là một bức tranh lạc quan. Một chỉ số đối chiếu danh mục đầu tư PE với danh mục tương tự trên thị trường chứng khoán đại chúng đã giảm 37% từ đầu năm đến nay. Một minh chứng khác là diễn biến giá của các quỹ ủy thác đầu tư, một công cụ đầu tư vào PE. Thông thường những quỹ ủy thác đầu tư này được giao dịch khá gần với các quỹ PE, nhưng nay biên độ giá đã nới rộng. HgCapital Trust, một nhà đầu tư PE chuyên về công nghệ, đang được giao dịch thấp hơn 25% so với giá trị tài sản ròng gần nhất của mình và các khoản đầu tư lớn nhất của tổ chức này gấp tới 27 lần EBITDA. 

Các quỹ PE đang nắm giữ hơn 1.400 tỉ USD sẵn sàng giải ngân nhưng cũng không dễ dàng ra quyết định rót vốn trong bối cảnh định giá liên tục biến động như hiện nay. Chênh lệch ngày càng cao về kỳ vọng giá giữa người mua và người bán cũng là một yếu tố chính cản trở sự thành công của các thương vụ sắp tới. Cuối tháng 6 vừa qua, Walgreens Boots Alliance, công ty mẹ của Boots, đã từ bỏ kế hoạch bán chuỗi dược phẩm Anh sau khi đàm phán thất bại với các nhà đầu tư PE tiềm năng. 

Lãi suất cao chắc chắn sẽ là một thách thức dài hạn đối với cuộc chơi PE trong thời gian tới. Với chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và sự nối gót của nhiều ngân hàng trung ương khác, triển vọng của các thương vụ PE, đặc biệt những thương vụ dùng đòn bẩy cao là rất mỏng manh. Môi trường lãi suất cao này sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều. “Đối mặt với thua lỗ trong các khoản cho vay được tiến hành trước khi đà suy thoái diễn ra, các ngân hàng đang đặt nhiều câu hỏi hơn về khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng, khiến cho việc chốt giao dịch càng trở nên khó khăn”, báo cáo mới đây của Bain nhận định. 

 Sean Lightbown và Blazej Kupec, thuộc Moonfare, một nền tảng số trong ngành đầu tư PE, cho biết: “Tâm lý của nhà đầu tư đang là “chờ xem” và đây không phải là một tín hiệu tốt lành cho việc gọi vốn PE trong nửa cuối năm nay”. Hoạt động gọi vốn PE có dấu hiệu sa sút trong nửa đầu năm 2022 với số vốn gọi được giảm 15% so với cùng kỳ, chỉ còn 257 tỉ USD. 

Một số chuyên gia vẫn cho rằng lượng tiền có sẵn trong tay sẽ cho phép các quỹ PE không chỉ hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư hiện tại mà còn theo đuổi những cơ hội đầu tư mới. “Mặc dù thị trường biến động và sức ép lạm phát, với số tiền hơn 1.400 tỉ USD sẵn sàng giải ngân, các quỹ PE vẫn sẽ tích cực tìm kiếm và rót vốn vào những thương vụ mới”, ông Pete Witte thuộc EY, nhận xét.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới