Hủy
Thế giới

Thế lực nào thách thức quyền lực của OPEC?

Mạnh Đức Thứ Tư | 04/07/2018 14:26

 
 
Việc OPEC thao túng giá dầu đã khiến những nước nhập khẩu dầu chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi và họ muốn thành lập một liên minh để đối phó.

Quyền năng của OPEC

Tháng trước, Trung Quốc và Ấn Độ thông báo cân nhắc việc thành lập một “Câu lạc bộ người mua dầu” để chống lại sức mạnh thị trường của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Giải pháp thay thế này có thể là tin tốt cho nền kinh tế của các nước nhập khẩu dầu và môi trường.

Giống như bất kỳ cartel nào, OPEC tồn tại để tăng giá dầu bằng cách giảm cạnh tranh. Rủi ro lớn nhất là nếu nâng chi phí quá cao, các đối thủ cạnh tranh (như các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ) sẽ bơm nhiều dầu thô, hoặc khách hàng sẽ tìm đến những sản phẩm thay thế dầu.

OPEC có thể né tránh được rủi ro này vì họ kiểm soát lượng dầu rẻ nhất. Khi nhu cầu tăng, cartel sẽ hạn chế sản xuất và tăng giá. Các nhà sản xuất độc lập có thể xây dựng các mỏ dầu mới để đưa dầu ra thị trường, nhưng điều này có thể mất cả thập niên. Khi sự cạnh tranh tăng cao, OPEC sẽ lại tăng cung dầu và đẩy giá xuống. Các đối thủ cạnh tranh sau đó sẽ bị loại bỏ, như đã xảy ra gần đây nhất trong năm 2014. Việc duy trì giá dầu thấp định kỳ cũng ngăn chặn các loại nhiên liệu thay thế chiếm lĩnh vị thế của dầu.

Bằng cách loại bỏ cả cạnh tranh và nguồn năng lượng  thay thế, chiến lược của OPEC đã duy trì sự độc quyền dầu mỏ trong nhiều thập niên. Ngay cả khi chi phí nhiên liệu tăng vọt, như họ đã làm trong năm 2003-2014, du lịch toàn cầu tiếp tục phát triển với nền kinh tế thế giới.

Nhưng khi những lo ngại về biến đổi khí hậu kết hợp với nỗi đau kinh tế khi giá dầu lên  100 USD/thùng, các quốc gia nhập khẩu năng lượng bắt đầu tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc của họ vào một loại nhiên liệu ô nhiễm và đắt đỏ. Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đã đề xuất một cuộc "phản công" vào năm 2012, nhưng các nhà nhập khẩu khác, bao gồm cả châu  Âu và Mỹ, dường như không quan tâm.

Bây giờ việc thương mại hóa nhanh chóng các loại xe điện (điện khí hóa) đã làm cho sự độc quyền về dầu và ảnh hưởng của OPEC đối với nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên lỗi thời. Vì vậy, lần này là rất khác. Giá dầu chạm mức 80USD/thùng một tháng trước và đã giảm bớt.

The luc nao thach thuc quyen luc cua OPEC?
 

Nhưng trước thời điểm đó, các nhà kinh tế đã cảnh báo các nhà nhập khẩu dầu mỏ như Ấn Độ và Trung Quốc rằng nếu giá dầu tiếp tục tiến tới mục tiêu của OPEC, tăng trưởng kinh tế của hai nước có thể bị ảnh hưởng. Tại Mỹ, các nhà kinh tế kết luận rằng giá dầu cao hơn trong năm 2017 đã giảm thu nhập thực tế cho các phân khúc lao động, bao gồm 80% lực lượng lao động Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã đăng những dòng tweet thể hiện sự phẫn nộ của mình với hành vi của OPEC.

Thông báo của Trung Quốc và Ấn Độ rằng họ đang tham gia lực lượng để thách thức chiến lược giá cao của OPEC có khả năng thu hút sự hỗ trợ từ Nhật Bản và châu  Âu.

Giá dầu cao đã giúp chuyển giao một lượng lớn tài sản cho các nhà sản xuất như Ảrập Saudi, Iran và Nga, và làm tổn thương phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu. Câu lạc bộ người mua dầu cũng là những tin tức rất tốt cho môi trường. Giao thông vận tải tiêu thụ 70% lượng dầu của thế giới, hiện là nguồn ô nhiễm khí hậu lớn nhất. Điều đó làm cho xe điện là yếu tố quan trong nhất để kết thúc "cơn nghiện dầu". Ngay cả phân tích mới nhất của Royal Dutch Shell cũng thừa nhận rằng điện khí hóa là điều cần thiết để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Paris.

Hành động của người mua

Cả Ấn Độ và Trung Quốc trong năm qua đã đẩy nhanh  tốc độ cách mạng xe điện. EU, khu vực vốn sản xuất xe và nhập khẩu dầu, sẽ là một đối tác điện khí hóa rõ ràng. Nhật Bản, với sự tiên phong trong thị trường pin tiên tiến, có mọi động lực để tham gia. Kết hợp với nhau, Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu và Nhật Bản có khả năng sản xuất (chiếm 65% lượng xe trên thế giới) và sức mua (họ tiêu thụ 35% lượng dầu trên thế giới) để nhanh chóng thay thế động cơ đốt trong, ô nhiễm bằng các phương tiện chạy bằng điện.

Mỹ  khó có thể tham gia với Trung Quốc và Ấn Độ, mặc dù điều đó là cần thiết. Ông Trump tuyên bố Mỹ là nước sản xuất dầu thô, không phải là người tiêu dùng, mặc dù nước này vẫn thâm hụt thương mại dầu khoảng 200 tỷ USD, lớn bằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Canada, Đức và Nhật Bản.

Tuy nhiên, một nhóm gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu và Nhật Bản có thể nắm giữ một sức mạnh thương lượng tương đối. OPEC có thể thấy rõ rằng giao thông đang trải qua quá trình chuyển đổi từ dầu sang điện và sự thay đổi có thể xảy ra từ từ nếu tất cả các bên có thể đồng ý về mức giá vừa phải, từ 30 đến 50 USD/thùng. Nhưng nếu OPEC sẽ tiếp tục tăng giá dầu thô lên tới 60 USD, 80 USD và 100 USD một thùng, các quốc gia chịu bất lợi có thể đoàn kết sau việc điện khí hóa nhanh chóng và sẽ dùng ít dầu hơn.

Nếu một trong 2 điều trên xảy ra sẽ cắt giảm nhu cầu dầu từ 50% trở lên vào giữa thế kỷ, theo như Hiệp định Paris yêu cầu, và sẽ báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên dầu mỏ.

The luc nao thach thuc quyen luc cua OPEC?
 

OPEC sẽ phản công. Về lý thuyết, tổ chức này có thể tăng hoặc giảm sản lượng dầu và giá rất nhanh - nhanh hơn nhiều so với các nhà nhập khẩu có thể điện khí hóa ngành vận tải. Đồng thời, các thành viên OPEC có động lực mạnh mẽ để bơm nhiều dầu hơn hạn ngạch của họ khi giá cao. Vì vậy, nhóm này sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì những nguyên tắc của mình và làm hài hòa các thành viên. Ngược lại, các thành viên của Câu lạc bộ người mua dầu sẽ có động lực để cải thiện các cam kết về điện khí hóa để cố gắng chiếm ưu thế trong thị trường xe điện tương lai.

Điều đó có nghĩa là OPEC sẽ trả giá nếu họ cứ lạm dụng quyền lực của mình. Một khi các đối thủ quyết định mở rộng thị trường xe điện với các ưu đãi chính sách, OPEC có thể mất dần vị thế ngay cả khi nhóm này sau đó đồng ý giảm giá dầu dài hạn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới