Trung Quốc đang có thâm hụt thương mại với những nước nào?
Fortune
Với mức thặng dư thương mại 72,2 tỷ USD với Trung Quốc, Hàn Quốc là nước đứng đầu danh sách hơn 40 quốc gia đang có thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Tại Châu Á, Hàn Quốc và Malaysia nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, trong khi Nhật Bản và Việt Nam nhìn chung có vẻ sẽ miễn nhiễm, theo ước tính của Bloomberg Intelligence. Đánh giá này dựa trên thặng dư thương mại của từng quốc gia với Trung Quốc và tỷ trọng của mức thặng dư trên GDP.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2015, một trong các mặt hàng mà Trung Quốc thèm khát nhập khẩu nhiều nhất là máy móc và thiết bị điện tử từ Hàn Quốc, Malaysia và Đức. Theo đó, các thiết bị bán dẫn từ Hàn Quốc và Malaysia sẽ được nhập vào Trung Quốc, và sau đó được lắp đặt vào các sản phẩm điện tử tại những nhà máy ở nước này.
iPhone chính là minh chứng cho quy trình hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các dây chuyền lắp ráp của Trung Quốc sẽ kết hợp các linh kiện đắt tiền được nhập khẩu từ Đức, Nhật, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Đài Loan, để từ đó cho xuất xưởng những chiếc điện thoại của Apple.
Những mối quan hệ thương mại phức tạp và quan trọng này tạo cho Hàn Quốc một lợi thế trong việc giảm tác động tiêu cực từ sự trả đũa của Trung Quốc, vốn là điều mà Hàn Quốc từng phải đối mặt năm ngoái sau khi đồng ý cho Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình.
Các nước có thặng dư thương mại với Trung Quốc (tỷ USD). Ảnh: Bloomberg |
"80% xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc là các hàng hóa trung gian, và thông thường mọi người không thể nhìn thấy chúng từ bên ngoài hay cảm thấy chúng", Yang Pyeongseob, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Hàn Quốc về Chính sách Kinh tế Quốc tế (KIEP) tại Bắc Kinh, cho biết.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng sử dụng dầu mỏ, kim loại và vật liệu từ các nhà xuất khẩu hàng hóa trên khắp thế giới. Do đó, khi quốc gia khổng lồ này hắt hơi thì đồng Đôla Úc hay GDP của Mông Cổ sẽ biến động mạnh. Hai quốc gia này đang đóng vai trò cung cấp chính về quặng sắt, kim loại quý và than đá cho Trung Quốc.
Trong khi đó, dầu từ Angola, Oman, Iran, và Venezuela là nguồn nhiên liệu cho hàng triệu xe ôtô và xe tải của Trung Quốc, và Turkmenistan thì cung cấp khí đốt để sưởi ấm những ngôi nhà Trung Quốc.
Quốc gia có mức thặng dư thương mại cao thứ nhì với Trung Quốc là Thụy Sĩ thì lại chuyên xuất khẩu dược phẩm, hóa chất, thiết bị chính xác và đồng hồ sang Trung Quốc.
Nam Phi thì xuất khẩu kim cương, vàng và rượu sang Trung quốc. Brazil thì là nguồn cung cấp đậu nành, dầu đậu nành và đường hàng đầu cho Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất hành tinh đã nhập khẩu 38 triệu tấn đậu nành từ Brazil vào năm ngoái.
Ngoài ra, Trung Quốc nhập khẩu nhiều thịt cừu từ New Zealand hơn bất cứ nơi nào khác, bên cạnh việc nhập lúa mì nhiều nhất từ Australia, cũng như nhập trái cây và hạt nhiều nhất từ Chile.
Mạnh Đức
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn