Hủy
Thế giới

Thị trường sẽ đón nhận gì từ Trung Quốc, ECB và Hy Lạp?

Thứ Hai | 19/01/2015 08:56

Tuần này, thị trường toàn cầu có thể sẽ biến động mạnh hơn khi đón nhận tin tức về GDP Trung Quốc, quyết sách của ECB và bầu cử Hy Lạp.
 

Đầu tiên ngày 20/1, chính phủ Trung Quốc sẽ công bố số liệu GDP quý IV/2014 chính thức và một loạt báo cáo khác như doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định và sản lượng công nghiệp tháng 12.

Tuy nhiên, thị trường sẽ chỉ tập trung đánh giá tình hình sức khỏe của Trung Quốc thông qua báo cáo GDP quý IV/2014. Trước đó theo kết quả khảo sát của Reuters, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng chậm lại ở 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý IV/2014, ghi nhận tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2014 của Trung Quốc sẽ đạt 7,3%.

Moody's nhận định, kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm trong quý IV/2014 chủ yếu do thị trường bất động sản vẫn đang khủng hoảng.

Một yếu tố khác cũng khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trì trệ là lĩnh vực sản xuất suy yếu. Tháng 12, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đã xuống thấp nhất 5 tháng và cũng là lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng suy giảm - tăng trưởng 50 điểm kể từ tháng 5/2014. Ngày 23/1, HSBC sẽ công bố số liệu PMI sản xuất sơ bộ của nước này.

Một sự kiện lớn khác của thị trường trong tuần này là cuộc họp chính sách tháng 1 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Quyết sách tháng 1 của ECB dự báo sẽ tạo làn sóng biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu. Trên thực tế vài tuần nay, những đồn đoán xung quanh quyết sách của ECB cũng đã khuấy động tâm lý của giới đầu tư chứng khoán và tiền tệ.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu sẽ họp vào ngày 22/1 với nhiều dự đoán cho rằng, ECB sẽ công bố kế hoạch mua trái phiếu chính phủ hay gói nới lỏng định lượng (QE) để kích thích kinh tế tăng trưởng nhanh hơn.

Cuộc họp của ECB diễn ra sau khi ngân hàng trung ương Thụy Sĩ quyết định thả nổi tỷ giá của đồng franc so với euro trong tuần trước và gây chấn động mạnh trên các thị trường tài chính lớn. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia phân tích, động thái của Thụy Sĩ sẽ không ảnh hưởng đến quyết định của chủ tịch Mario Draghi bởi ECB đang tập trung cải thiện tình hình lạm phát và thúc đẩy lĩnh vực tư nhân phát triển.

Một diễn biến nữa trên trường chính trị - bầu cử Hy Lạp ngày 25/1, dự kiến cũng sẽ gây chấn động đối với thị trường toàn cầu, đặc biệt là khối liên minh đồng euro. Theo kết quả của một số cuộc thăm dò dư luận, đảng phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng Syriza có thể sẽ thắng cử.

Mặc dù có nhiều cảnh báo nhưng thị trường vẫn hy vọng rằng, chiến thắng của Syriza sẽ không dẫn tới việc chính phủ Hy Lạp vỡ nợ hay rời khởi Eurozone. Bầu cử Hy Lạp càng chịu sức ép hơn khi các quan chức chính phủ Đức cho biết sẽ "mở rộng cánh cửa" để đàm phán giãn nợ cho Hy Lạp nếu đảng Syriza không thắng cử.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng sẽ bắt đầu họp chính sách trong 2 ngày 20 và 21/1. Phần lớn giới chuyên gia đều cho rằng, BOJ sẽ vẫn duy trì chính sách kích thích tiền tệ khổng lồ trong tháng 1 bất chấp việc kinh tế rơi vào suy thoái trong quý III/2014. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, BOJ nên mở rộng quy mô chương trình cho vay.

Nguồn DVO/ CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới