Gia Tộc Kinh Doanh

B ất chấp bối cảnh dịch COVID-19, 2021 là năm xác lập kỷ lục đối với giới người giàu nhất thế giới, với khối tài sản tăng 5.000 tỉ USD và số lượng tỉ phú mới cao chưa từng thấy. Số tỉ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới vừa được Tạp chí Forbes công bố đã tăng lên con số cao nhất từ trước đến nay: 2.755 tỉ phú, nhiều hơn năm ngoái 660 người, với tổng khối tài sản có giá trị lên đến 13.100 tỉ USD, tăng mạnh so với con số 8.000 tỉ USD trong danh sách năm 2020.

NGƯỜI GIÀU CÀNG GIÀU HƠN

Số người lần đầu góp mặt trong danh sách này cũng ở mức kỷ lục, với 493 người, tức là cứ 17 giờ đồng hồ lại xuất hiện 1 tỉ phú mới. 86% các tỉ phú đã trở nên giàu có hơn thời điểm một năm trước. Thống kê cho thấy, thời gian bình quân để các tỉ phú tích lũy được 1 tỉ USD đầu tiên là 21 năm.

Dù vậy, vẫn có những cá nhân trở thành tỉ phú trong chưa đầy 5 năm, như Mark Zuckerberg, ông chủ của Meta. Trong khi đó, huyền thoại đầu tư Warren Buffett, dù thường được ca ngợi bởi sự nhạy bén cùng chiến lược đầu tư khôn ngoan của ông, phải mất đến 23 năm mới có thể trở thành tỉ phú.

Các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ có xu hướng trở thành tỉ phú sớm hơn người hoạt động trong lĩnh vực khác, nếu so sánh với mức bình quân 21 năm nói trên. Trong số 10 người giàu nhất thế giới hiện nay, có đến 5 cá nhân trở thành tỉ phú công nghệ trong chưa tới 10 năm và 2 người ở mức 12 năm.

Đáng chú ý, trong danh sách các tỉ phú thế giới luôn có ưu thế của những gia tộc kinh doanh theo mô hình gia đình truyền đời. Doanh nghiệp gia đình có thể tồn tại bao thế hệ? Sở Thuế vụ Mỹ đã rút ra quy luật “không giàu quá ba đời” qua theo dõi và nghiên cứu 400 người nộp thuế cao nhất từ năm 1992-2000, chỉ 13% có mặt trong danh sách này nhiều hơn 2 năm. Nhà kinh tế học người Mỹ Gregory Clark, Đại học California, tin rằng một nửa số con cái của các gia đình thuộc tầng lớp trên, cuối cùng sẽ bước xuống tầng lớp xã hội thấp hơn.

NHỮNG GIA TỘC KINH DOANH

Tuy nhiên, trong lịch sử, nhờ những bí quyết kinh doanh hay công thức “gia truyền”, vẫn còn những gia tộc có thể duy trì gia sản qua nhiều thế hệ. Theo báo cáo của Bloomberg, trong vòng 1 năm tính đến tháng 8/2021, tài sản của 25 gia tộc giàu nhất thế giới năm 2020 đã tăng hơn 22%, tương đương với 312 tỉ USD, tổng tài sản chạm tới con số khổng lồ 17.000 tỉ USD. Nhờ có thanh khoản dồi dào, thị trường chứng khoán diễn biến có lợi và việc điều chỉnh các chính sách thuế, những gia tộc này đã giàu nay càng giàu hơn.

Chỉ số Family Business Index 2021 của EY và Đại học St. Gallen cho thấy, doanh nghiệp gia đình lớn nhất thế giới ngày càng quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Họ tạo ra tới 7.280 tỉ USD và tuyển dụng 24,1 triệu lao động.

McKinsey dự báo đến năm 2025, sẽ có hơn 15.000 công ty trên toàn thế giới với doanh thu hằng năm ít nhất 1 tỉ USD, trong đó 37% sẽ là các công ty gia đình ở thị trường mới nổi. Năm 2010, chỉ có 8.000 công ty trên toàn thế giới có quy mô này và chỉ 16% trong số đó là do gia đình kiểm soát và đến từ các thị trường mới nổi.

Khoảng 85% trong số doanh nghiệp tỉ USD tại Đông Nam Á là do gia đình tự quản. Con số này là khoảng 75% ở Mỹ Latinh, 67% ở Ấn Độ và 65% ở Trung Đông. Trung Quốc (khoảng 40%) và châu Phi cận Sahara (35%) nổi bật với tỉ lệ doanh nghiệp gia đình tương đối thấp, bởi vì nhiều doanh nghiệp lớn đều thuộc sở hữu Nhà nước.

Theo Deloitte, doanh nghiệp gia đình sở hữu những điểm đặc biệt giúp họ khẳng định vị thế và vươn lên mạnh mẽ trở lại, từ đó góp phần to lớn trong việc phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch. Ngoài nguồn lực tài chính sẵn có, những bí quyết trong sản phẩm, bí quyết kinh doanh và kinh nghiệm hàng trăm năm, giúp các doanh nghiệp gia đình không chỉ đứng vững trong khó khăn, mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới trong kinh doanh.

Các nước châu Á thường hướng tới gia đình nhiều hơn là những nước phương Tây. Hơn phân nửa các tập đoàn lớn nhất của Đông Nam Á và Ấn Độ được điều hành bởi các gia tộc. Những công ty này sẽ tiếp tục dựa vào các lợi thế như danh tiếng, sự gắn kết trong gia đình và củng cố vị thế thông qua những cuộc hôn nhân chính trị. Ngoài ra, họ cũng có thể tận dụng những lợi thế mới như phương pháp quản trị hiện đại và mối quan hệ với các nước phương Tây. Hầu hết thế hệ kế nghiệp được học ở những trường kinh doanh có tiếng của phương Tây và sau đó thực tập tại các công ty lớn như McKinsey, JPMorgan…

Khi nguy cơ từ việc gián đoạn kinh doanh trên diện rộng khiến mọi người lưu tâm hơn đến câu chuyện kế tục kinh doanh, thì đây cũng có thể là cơ hội vàng để các doanh nghiệp gia đình kết nối với thế hệ kế nhiệm. Phần lớn thế hệ trẻ ngày nay đã rất quen thuộc với công nghệ nên họ càng phát huy khả năng và đóng góp nhiều hơn khi doanh nghiệp vận hành dựa trên nền tảng số.

Theo PwC, hình mẫu doanh nghiệp gia đình trị có khá nhiều thuận lợi, đặc biệt ở châu Á và có đóng góp lớn vào nền kinh tế quốc gia. Tất nhiên, kiểu quản trị này theo thời gian sẽ kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp, có thể dẫn đến rủi ro. Sợi dây níu giữ các giá trị của doanh nghiệp gia đình cũng như củng cố những cam kết về tính trường tồn chính là di sản của hệ giá trị gia đình.

Đối với một số doanh nghiệp, di sản bao gồm những giá trị tích lũy lâu dài được kết tinh từ quá trình xây dựng công ty, từ nguồn nhân lực mà doanh nghiệp tuyển dụng, và từ chính những ảnh hưởng mà họ tạo ra cho cộng đồng. Ở một số doanh nghiệp khác, những đóng góp cho mục đích nhân văn cũng là một thước đo cho di sản, cho dù đó là việc từ thiện đơn thuần hay đầu tư chiến lược.

Bài viết: Lam Hồng
Ảnh: shutterstock.com