Bất động sản: "Băng mỏng đã tan"
Báo cáo mới phát hành của Cushman & Wakefield cho rằng khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại. Ảnh: Quý Hoà.
Nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản vẫn rơi vào tình trạng đóng băng hoàn toàn, cả về thanh khoản cũng như các dự án mở bán mới. Báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường bất động sản nửa đầu năm cho thấy, cả nước chỉ có 25 dự án nhà ở thương mại được hoàn thành, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước; 30 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, giảm hơn 60%.
Nguồn cung chuyển biến
Tuy nhiên, từ cuối tháng 6, nguồn cung bất động sản, trong đó phần lớn là chung cư đã có chuyển biến rõ nét hơn. Nổi bật trên thị trường là phân khu The Glory Heights thuộc Vinhomes Grand Park (TP.HCM) trong 2 ngày đã có 2.000 căn hộ trên tổng số 3.168 căn chào bán được khách hàng đặt cọc. Ngoài dự án này, TP.HCM còn có thêm các dự án mới mở bán hoặc bung hàng giai đoạn tiếp theo như Akari City, Mizuki Park, Connic Boulevard, Urban Green, Masteri Centre Point, The Global City, MT Eastmark City, Starlight Residence... Các chủ đầu tư đồng loạt đưa ra nhiều chương trình bán hàng hấp dẫn như thanh toán linh hoạt, giảm hoặc miễn lãi suất vay... với mong muốn tạo ra lực cầu mạnh đủ để thị trường tan băng vào 2 quý còn lại của năm. Chẳng hạn, dự án Akari City giai đoạn 2 (quận Bình Tân) của Tập đoàn Nam Long có chính sách hỗ trợ người mua chỉ cần trả khoảng 3,8 triệu đồng/tháng sau khi nhận nhà trong vòng 18 tháng tiếp theo.
Savills Việt Nam dự báo có 8.450 căn hộ sẽ được tung ra thị trường trong nửa cuối năm 2023. Trong số này, căn hộ hạng B (trung cấp) chiếm 54%, hạng C (bình dân) chiếm 39% và hạng A (cao cấp) chiếm 7% thị phần.
Có thể thấy tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản đến vào thời điểm các chính sách điều hành, tài chính tiền tệ đều đã “bật đèn xanh” để tháo gỡ 2 nút thắt lớn nhất hiện tại là pháp lý và nguồn vốn. Trong đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt thúc đẩy thị trường bất động sản như đã ban hành Nghị quyết 33, Nghị định 08/2023... Trên cơ sở này, từ 189 kiến nghị của 148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổng hợp, đến nay các sở, ngành tại TP.HCM đã giải quyết đối với 43 kiến nghị của 39 dự án.
Nút thắt trái phiếu cũng đang có nhiều dấu hiệu tích cực sau thời gian dài tê liệt. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lũy kế đến ngày 11/8, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 97.488 tỉ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỉ đồng và 76 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 81.012 tỉ đồng...
Là một trong những doanh nghiệp chịu áp lực lớn khi thị trường trái phiếu rơi vào khủng hoảng, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Novaland, cho biết từ đầu quý II/2023, sau khi được gỡ vướng pháp lý, một loạt dự án tại nhiều địa phương của doanh nghiệp này như The Grand Manhattan và Victoria Village (TP.HCM), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), NovaWord Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu), Aqua City (Đồng Nai)... đã được triển khai trở lại. “Nghị quyết 33 của Chính phủ như một nguồn oxy quý báu đúng thời điểm, giúp cộng đồng doanh nghiệp không rơi vào bất ổn”, ông Nhơn nói.
Chờ thẩm thấu chính sách
Cũng như Novaland, nhiều chủ đầu tư nhanh chóng quay trở lại thị trường bằng nhiều dự án mới để tận dụng cơ hội chuyển biến đến từ chính sách hạ lãi suất điều hành, gỡ khó pháp lý, Chính phủ quyết liệt giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thêm thời gian để “thẩm thấu” tất cả các yếu tố thuận lợi trước khi phục hồi để bắt kịp nhu cầu nhà ở thực vẫn rất lớn.
“Sự phục hồi còn chậm, nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, sức cầu yếu nhất là vay để mua nhà, sửa nhà... và phát hành trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn do niềm tin, cầu đầu tư theo hướng an toàn hơn”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, phân tích.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), cũng cho biết: “Khó khăn lớn nhất là vướng mắc về mặt pháp lý, chiếm tới 70%. Các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... vẫn đang tiếp tục được Quốc hội thảo luận, dự kiến có hiệu lực và đưa vào thực hiện từ ngày 1/7/2024”.
Từ nay đến thời điểm các luật có hiệu lực vẫn còn khoảng thời gian tương đối dài. Vì vậy, dù có những tín hiệu lạc quan nhưng nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn với thanh khoản trung bình thấp và khó có đột biến vào cuối năm 2023. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường bất động sản hết năm 2023 sẽ vẫn còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024.
Báo cáo mới phát hành của Cushman & Wakefield cũng cho rằng khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại, sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm:
Nhà ở cho công nhân: Bao giờ cung kịp cầu?
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Văn Kim