Hủy
Bất động sản

Bất động sản nghỉ dưỡng thêm kỳ vọng phục hồi

Vân Nguyễn Thứ Bảy | 13/07/2024 17:27

Vị trí của Dự án Mandarin Oriental tại Bãi Nồm

 
 
Du lịch tăng mạnh trong quý II trở thành hậu thuẫn lớn nhất giúp bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi.

Việc Indochina Kajima Development (Indochina Kajima) mới đây nhận Giấy phép xây dựng dự án Mandarin Oriental Bãi Nồm (làng chài truyền thống Hòa An, tỉnh Phú Yên (giáp TP. Quy Nhơn, Bình Định) thêm chỉ dấu bất động sản nghỉ dưỡng sẽ sớm khởi sắc. 

Với Indochina Kajima, dự án Mandarin Oriental Bãi Nồm là “một cột mốc quan trọng” trong việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam, nhưng với thị trường, đây là một trong số ít dự án được đầu tư trong bối cảnh thị trường còn ảm đạm.

Mandarin Oriental Bãi Nồm, có quy mô 57ha là tâm điểm trong nỗ lực phát triển của Indochina Kajima suốt nhiều năm qua. “Những nỗ lực xin cấp phép thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc tạo ra dự án đẳng cấp thế giới tại Việt Nam”, ông Peter Ryder, Chủ tịch Điều hành của Indochina Capital, cho biết.

Dữ liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, kể từ năm 2020 đến nay, bất động sản nghỉ dưỡng có dấu hiệu chững lại, nguồn cung hạn chế, lượng giao dịch giảm sút gây ảnh hưởng đến phân khúc này và thị trường bất động sản nói chung. Lượng giao dịch trên thị trường kém do nguồn cung yếu, hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm giá trị cao, trong khi niềm tin nhà đầu tư chưa được phục hồi, hành lang pháp lý chưa rõ ràng.

Mức độ quan tâm với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng dần cải thiện kể từ quý 2 năm nay. Biệt thự biển đã tăng từ khoảng 80 điểm từ cuối năm 2023 lên mức 100 điểm trong quý II/2024, nhờ các yếu tố vĩ mô, về du lịch và bán lẻ, hồi phục tích cực.

Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 có hiệu lực sẽ thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng cải thiện nguồn cung, dự kiến tăng khoảng 20% so với năm 2023, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, cho biết vào tháng trước.

Thời gian tới, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có nhiều tiềm năng bởi “các chủ thể tham gia thị trường quay trở lại” do những tác động tích cực của các Luật mới và các yếu tố vĩ mô hồi phục tích cực, đặc biệt là về du lịch và bán lẻ, ông Hải nói.

Quý II năm nay, Việt Nam đã đón 8,8 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 58% theo năm đã trở thành chỉ số quan trọng thúc đẩy phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng khởi sắc, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, nhận xét.

Theo Báo cáo của Savills, kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng đã gần như khôi phụ về mức trước đại dịch. Tại Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu về mức độ hồi phục ngành nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, tốc độ khôi phục của Việt Nam chậm hơn, với chỉ số doanh thu trên mỗi phòng có sẵn (RevPar) vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 20%, chủ yếu do công suất khai thác cho thuê phòng còn thấp.

Thế nhưng, với phân khúc nghỉ dưỡng ven biển, Đà Nẵng đang dẫn đầu về tốc độ khôi phục nhờ sự hồi phục của thị trường khách Hàn Quốc cũng như việc cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế, tần suất khoảng 25 chuyến từ Hàn Quốc. Nha Trang - Cam Ranh đang ghi nhận nhiều tín hiệu cải thiện tích cực từ nguồn khách quốc tế, nhưng còn nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung Quốc trước dịch.

Năm 2024 được kỳ vọng là sẽ bứt tốc nhờ nguồn khách Trung Quốc, Ấn Độ. Các chỉ số du lịch được cải thiện, cho thấy chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng, trong khi chính sách giảm 2% thuế VAT đang tác động trực tiếp lên nhóm hàng hóa dịch vụ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới