Bất động sản quận 12 trông chờ Metro
Ảnh: QH
Trong khi thị trường Đông và Nam thành phố tiếp tục nhận được sự quan tâm đông đảo của giới đầu tư thì có một khu vực lại im ắng khác thường, dù chỉ cách trung tâm thành phố một con sông. Đó chính là câu chuyện về quận 12 - dải đất phía Tây Bắc TP.HCM, nằm liền kề với địa phương có lĩnh vực công nghiệp phát triển Bình Dương.
Mặc dù có tăng nhiệt từ năm 2018 đến nay, nhưng mặt bằng giá của bất động sản quận 12 vẫn khá ổn định. Hiện phân khúc căn hộ có giá khoảng 1,2-1,5 tỉ đồng cho căn 2 phòng ngủ, nhà phố tầm 2,4-3 tỉ đồng hay nơi có vị trí tốt nhất quận là An Phú Đông cũng có mặt bằng đất nền chỉ dao động khoảng 70 triệu đồng/m2.
Có một số nguyên nhân giải thích cho thực trạng này. Ông Bùi Văn Lâm, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Minh Quân, cho rằng nếu so với các khu vực khác, cơ sở hạ tầng nơi đây còn trong giai đoạn nâng cấp, thị trường vì vậy còn khá hoang sơ. Thị trường thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược có thương hiệu (ngoại trừ Tiến Phước đầu tư trước đó 2 năm) cũng là nguyên nhân khiến quận 12 chưa sôi động. Theo ông Trần Bảo Huy, Giám đốc vận hành của Công ty Bất động sản Rever, đặc điểm của quận 12 là sự khan hiếm các dự án được mở bán cũng như mô hình kinh doanh hướng tới nhu cầu ở thực của người dân là chính (chiếm khoảng 60% nhu cầu mua nhà).
Nhưng trong bối cảnh toàn thành phố đang siết chặt lại khâu cấp phép, số lượng dự án mở bán ở quận 12 thời gian qua rất khan hiếm. Thị trường sơ cấp khan hàng trong khi dòng vốn đầu tư của khách hàng lại ưa thích tìm đến các khu vực khác nên gây ra cảm giác quận 12 kém sôi động. “Thực chất dòng tiền mua nhà để ở của người dân vẫn âm thầm chảy và hầu hết các dự án mở bán thời gian qua như Tô Ký, Depot Metro có tỉ lệ giao dịch khả quan”, ông Huy chia sẻ với NCĐT.
Tốc độ tăng dân số của quận 12 không thua kém mấy so với Bình Chánh. Báo cáo của Ủy ban Nhân dân quận 12 cho biết trong 5 năm qua, mỗi năm địa phương này tăng hơn 22.000 dân. Mức tăng này bằng dân số cả một phường của quận; tính ra, mỗi năm tăng thêm 1 phường, 5 năm tăng 5 phường. Đây sẽ là động lực giúp quận 12 tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định nếu nhận thêm các chính sách hỗ trợ mới.
Xét về tiềm năng, quận 12 sở hữu vị trí chiến lược quan trọng ngay tại cửa ngõ phía Tây Bắc TP.HCM, dễ dàng kết nối với Bình Dương và cả khu vực miền Tây Nam Bộ thông qua quốc lộ 1A hay quốc lộ 22. Viên ngọc thô này chỉ cách Thủ Đức, Bình Thạnh hay Gò Vấp một con sông Sài Gòn, tức tiệm cận với khu vực trung tâm. Quận còn được ưu đãi bởi thiên nhiên, là nơi có hệ thống đường bộ lẫn đường thủy quan trọng của thành phố.
Viễn cảnh thời gian tới có thể thay đổi tích cực hơn cho viên ngọc thô Tây Bắc. Mới đây Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết kế hoạch áp dụng mô hình đô thị thông minh vào quận 12, đồng thời yêu cầu chính quyền quận phải tăng tính dự báo về dân số, kinh tế để có giải pháp phù hợp, kịp thời trong quá trình thực hiện đô thị thông minh.
Tình trạng “cô đơn hẻo lánh” của quận 12 có thể sẽ thay đổi nhờ sự chuyển động của các dự án hạ tầng quan trọng. Tuyến Metro số 2 kết nối Tham Lương với Bến Thành đầu năm nay đã được chấp nhận chủ trương tăng vốn từ 21.100 tỉ đồng lên 57.600 tỉ đồng và thành phố đang lên phương án giải phóng mặt bằng. Đây là dự án được giới đầu tư mong chờ và một khi khởi công, thị trường quận 12 có thể sẽ tăng nhiệt.
“Điểm nhấn của quận 12 là điểm dừng chân của tuyến tàu điện ngầm kết nối với chợ Bến Thành. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến thị trường bất động sản quận 12 ngày càng sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư và khách hàng”, ông Nguyễn Xuân Thiêm, Giám đốc Công ty Gia Cư, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Pi Group, nhận định.
Một số dự án quan trọng khác được giới đầu tư quan tâm là dự án cầu bắc qua sông Sài Gòn, kết nối An Phú Đông với Gò Vấp hay dự án cầu Vàm Thuật kết nối quận 12 với Bình Thạnh, giúp rút ngắn đáng kể thời gian gắn kết với trung tâm thành phố. “Thị trường còn khá hoang sơ nhưng điều đó lại mang đến cơ hội cực lớn cho những nhà đầu tư sành sỏi, biết nắm bắt cơ hội”, ông Bùi Văn Lâm, Công ty Bất động sản Minh Quân, nhận định.
Theo ông Trần Bảo Huy, giới đầu tư đang chờ đợi sự tham gia của chủ đầu tư lớn. Đơn cử như Vingroup đang triển khai chiến lược phát triển các khu đô thị vệ tinh, trong đó có dự án quy mô lớn ở Hóc Môn sẽ tác động tích cực đến trục thị trường phía Tây Bắc, trong đó có quận 12, trong thời gian tới. “Ưu thế của quận này là quỹ đất trống còn rất lớn và hiện chủ yếu được được dùng để mở nhà xưởng, công ty. Nếu thành phố tiến hành chiến lược giãn dân ra ngoại thành, quận 12 có nhiều tiềm năng để tăng tốc”, ông Huy nhận định.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Văn Kim