Hủy
Bất động sản

M&A bất động sản: Giải cơn khát quỹ đất sạch của những tập đoàn lớn

Đông Sang Thứ Năm | 13/01/2022 08:30

 
 
M&A bất động sản tiếp tục nóng trong năm 2022 trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục khan hiếm.

Lý giải cho việc này ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, cho rằng dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp tổn thất, không đủ tiềm lực phát triển các dự án dang dở. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít các doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào, uy tín tốt và đang “khát” các quỹ đất sạch.

Theo đó, việc M&A cũng giúp cho nguồn cung và thanh khoản được gia tăng, góp phần tạo thêm sự sôi động cho thị trường. Các doanh nghiệp hùng mạnh cũng tiết kiệm được thời gian giải quyết thủ tục pháp lý, tìm kiếm các khu đất có vị trí phù hợp trong bối cảnh giá bất động sản có xu hướng tăng lên. 

Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2021, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, quy mô giá trị thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch này đến từ ngành tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính. Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Các tập đoàn lớn như Hưng Thịnh, Danh Khôi, LDG, Masterise Group… cũng đang tích cực M&A để gia tăng quỹ đất cho nhiều dự án lớn trong tương lai.

Đại diện Tập đoàn An Gia cho biết việc M&A trong bất động sản sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới. Công ty đặt mục tiêu M&A thành công 5 dự án mỗi năm. Được biết, An Gia vừa M&A thành công dự án có  diện tích 3 ha tại Bình Chánh (TP HCM). Trong năm 2022, Công ty vẫn  ưu tiên M&A các dự án có quỹ đất sạch, nguồn gốc minh bạch, pháp lý tương đối hoàn thiện để có thể đẩy nhanh tốc độ triển khai.

Trước đó, CapitaLand khởi động lại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam với thương vụ chi ra 242 triệu USD mua lại lô đất 18,9 ha tại thành phố mới Bình Dương. Tập đoàn Novaland cũng liên tục mở rộng quỹ đất ở khu vực lân cận TP.HCM, đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ.

Tính đến cuối quý I/2021, tập đoàn này sở hữu hơn 5.400ha đất, tổng giá trị phát triển dự án của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2030 bổ sung thêm 10.000ha, nâng tổng số quỹ đất lên 15.000ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

Nhìn chung, với 100 triệu dân số cùng với tốc độ tăng trưởng GDP nhiều năm ở mức xấp xỉ 6-7% của Việt Nam, câu chuyện nhà ở của người dân luôn hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc tích luỹ quỹ đất được cho là chuẩn bị cho giai đoạn 2025-2030 khi cột mốc 2020-2025 đã bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh.

Thống kê của DKRA Việt Nam gần đây cho thấy trong năm 2021 ghi nhận 41 dự án  mở bán (trong đó chỉ có 18 dự án mới) với tổng nguồn cung xấp xỉ mức 21,138 căn hộ, chỉ bằng khoảng 70% so với năm 2020.

Dự báo của DKRA nguồn cung trong năm 2022 sẽ đạt mức năm 2020 khoảng 30.000 căn, đặc biệt tăng mạnh ở TP.HCM và Bình Dương. Long An và Tây Ninh tiếp tục khan hiếm nguồn cung. Nhìn chung sức cầu năm 2022 ở phân khúc căn hộ tăng so với năm 2021 nhưng vẫn còn khá thấp so với giai đoạn trước khi dịch bùng phát vào năm 2019. Bên cạnh đó, các dự án căn hộ hạng C, giá dưới 30 triệu đồng/m2 sẽ tiếp tục vắng bóng trên thị trường trong năm 2022.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới