Nhà vừa túi tiền ai làm, làm cho ai?
Số tiền chênh lệch lớn khiến doanh nghiệp khó có thể gánh nổi và giá nhà thương mại sẽ bị đội lên. Ảnh: Quý Hòa
Theo Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến nay, cả nước có tổng cộng 221 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với 188.000 căn hộ, tổng diện tích 9,4 triệu m2. Trong đó, có 142.000 căn đã hoàn thành với tổng diện tích khoảng 7,1 triệu m2. Những con số này chỉ đạt gần 57% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, mặc dù đã hết năm 2021.
Chưa đạt mục tiêu
Nguyên nhân khiến nhà ở vừa túi tiền chưa phát triển là do chính sách trong lĩnh vực này không khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư mặn mà. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ các dự án nhà ở vừa túi tiền cũng rất thấp.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Quân Group, việc tập trung làm nhà ở xã hội đã khiến Công ty có lợi nhuận rất thấp, cổ phiếu của doanh nghiệp không hấp dẫn. “Gần đây, sốt đất xảy ra khắp nơi, doanh nghiệp nhỏ có thể kiếm ngay lợi nhuận 100% tại một dự án. Trong khi đó, chúng tôi vẫn chỉ có lợi nhuận khoảng 10%. Vì vậy, trong tương lai, Hoàng Quân sẽ phải làm thêm các dự án nhà ở thương mại giá trung bình để tăng lợi nhuận”, ông Tuấn nói.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản lớn ở TP.HCM cho biết, chính quyền thành phố đang kêu gọi xây dựng hàng chục ngàn nhà ở xã hội trong những năm tới. Tuy nhiên, Nghị định 49/2021/NĐ-CP lại siết chặt nhà ở xã hội. Điển hình như quy định dự án nhà ở thương mại từ 2 ha trở lên phải bố trí quỹ đất làm nhà ở xã hội. Quy định này rất khó thực hiện nếu doanh nghiệp triển khai dự án ở trung tâm TP.HCM do phải bồi thường giá cao, trong khi tiền đất được khấu trừ cho quỹ đất làm nhà ở xã hội theo đơn giá Nhà nước. Số tiền chênh lệch lớn khiến doanh nghiệp khó có thể gánh nổi và giá nhà thương mại sẽ bị đội lên.
“Nếu muốn phát triển nhà ở xã hội, Nhà nước cần có quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi cho chủ đầu tư có năng lực để dự án nhanh chóng được triển khai. Ngoài ra, Luật Đất đai 2013 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng quy định các điều kiện chuyển nhượng dự án chưa thực sự phù hợp khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định, người dân rất cần nhà ở phân khúc phổ thông và đây là thị trường đáp ứng nhu cầu thật của hàng triệu người thu nhập thấp. “Thế nhưng, giá bất động sản đã leo thang quá nhanh trong những năm qua khiến việc sở hữu nhà của người thu nhập thấp ngày càng xa vời”, ông Châu nói. Theo ông Châu, HoREA mong muốn những ngôi nhà dưới 25 triệu đồng/m2 xuất hiện trên thị trường trong thời gian tới để phục vụ nhu cầu của người dân.
Trách nhiệm không của riêng ai
Theo Ủy ban Nhân dân TP.HCM, kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân từ năm 2021-2030 là giải pháp lâu dài, căn cơ để đảm bảo cuộc sống an sinh, xã hội cho người lao động. Hiện nay, thành phố có mật độ dân số lên đến 4.292 người/km2, cao nhất cả nước nên nhu cầu nhà ở là rất lớn. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhà giá rẻ (khoảng 1 tỉ đồng/căn) đã không có trên thị trường. Việc này khiến hàng triệu người lao động tại thành phố không có chỗ ở đạt chuẩn tối thiểu.
Để giải quyết bài toán này, mới đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã đồng lòng mở đường cho nhà ở vừa túi tiền trong giai đoạn tới. Cụ thể, Tập đoàn Hưng Thịnh cam kết sẽ đầu tư, xây dựng và phát triển những ngôi nhà có chất lượng đảm bảo, giá thành phù hợp với công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp... thông qua việc tối ưu hóa hệ sinh thái của tập đoàn này. Đồng Tâm Group và Gỗ Trường Thành cũng cam kết tiếp tục nghiên cứu và cung cấp nguyên vật liệu xây dựng đảm bảo chất lượng với chi phí phù hợp, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng ngôi nhà cho nhu cầu phổ thông.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết: “Bài toán nhà ở dành cho người thu nhập thấp ngày càng trở nên cấp bách và muốn giảm giá nhà thì từng hạng mục của dự án đều phải có giá tốt. Như vậy, sản phẩm đến tay người mua mới có giá hợp lý, tiết kiệm nhất cho người lao động”.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đồng Tâm Group, khẳng định sáng kiến nhà ở vừa túi tiền là một phần trong trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đây là cơ hội để doanh nghiệp cùng chia sẻ mục tiêu và tầm nhìn hướng tới sự phát triển bền vững chung.
Thành phố cũng mong muốn các doanh nghiệp tham gia chương trình hạ giá thành xuống mức tốt nhất cho người lao động. |
Các chuyên gia bất động sản nhận định, sáng kiến nhà ở vừa túi tiền sẽ góp phần giải quyết bài toán an sinh xã hội của các địa phương, giúp giấc mơ an cư của hàng triệu lao động phổ thông không còn xa vời. Đồng thời, mô hình này cũng thúc đẩy phát triển đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững chung của cộng đồng, xã hội.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, chia sẻ, từ năm 2021-2025, TP.HCM sẽ xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội; giai đoạn từ 2026-2030 sẽ xây dựng số căn còn lại, trong đó có 50.000 căn nhà dành cho công nhân. Thành phố cũng mong muốn các doanh nghiệp tham gia chương trình hạ giá thành xuống mức tốt nhất cho người lao động. Sở Xây dựng cam kết sẽ đơn giản thủ tục, quy trình để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. “Từ quy trình ban đầu khoảng 500 ngày, chúng tôi kéo giảm xuống còn xấp xỉ 200 ngày nhưng vẫn đảm bảo các quy định của pháp luật”, ông Quân nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Văn Kim
-
Hà Cúc