TP.HCM: Nhà phố 36 – 42 tỉ đồng/căn, dinh thự 180 tỉ đồng/căn
Giá nhà phố, biệt thự tại TP.HCM đã tăng rất mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Đ.V.
Tỉ lệ hấp thụ nhà thấp tầng vẫn là “ẩn số”
Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh Services đã công bố báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm với chủ đề “Giải pháp khơi thông dòng vốn kinh tế - tài chính – bất động sản”.
Theo báo cáo của Dat Xanh Services, thị trường bất động sản TP.HCM ghi nhận nguồn cung căn hộ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, số lượng dự án mới giảm mạnh do các khó khăn như thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư dẫn đến tình trạng hạn chế dự án đủ điều kiện triển khai bán hàng. Cùng với đó, tâm lý khách hàng có nhiều e ngại khi nhiều ngân hàng siết chặt chặt tín dụng, chậm giải ngân.
Dat Xanh Services đã công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Đại Việt. |
Tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ mới 6 tháng đầu năm ghi nhận hơn 16.500 sản phẩm, cao hơn 44% so với cả năm 2021. Nguồn cung căn hộ Quý 2/2022 ghi nhận hơn 14.400 sản phẩm, tăng 4 lần theo quý, nguồn cung sơ cấp ghi nhận 19.400 sản phẩm. Thị trường tiếp tục ghi nhận sự sôi động từ khu Đông và khu Nam với số lượng dự án mở mới nổi bật so với các khu vực khác.
Nguồn cung thấp tầng mới trong 6 tháng đầu năm của TP.HCM ghi nhận gần 600 sản phẩm, bằng cả năm 2021. Nguồn cung nhà thấp tầng chỉ ghi nhận tại khu Đông với giá bán tiếp tục đạt kỷ lục nhờ nguồn cung mới ven sông. Giá bán nhà phố ở dự án mới dao động từ 36 – 42 tỉ đồng/căn, dinh thự 180 tỉ đồng/căn. Dù tỉ lệ hấp thụ vẫn là một "ẩn số" nhưng theo đơn vị nghiên cứu, tỉ lệ hấp thụ nhà thấp tầng tương đối khả quan ở các dự án có chính sách bán hàng ưu đãi, tiện ích đặc biệt nổi bật.
Những biệt thự trị giá hàng trăm tỉ đồng ở TP.HCM. Ảnh: Đại Việt. |
Giá bán căn hộ tại TP.HCM trong quý II ghi nhận ở mức 65 triệu/m2, tăng 3% theo quý, tỉ lệ hấp thụ căn hộ đạt 80%. Sự điều chỉnh giá chủ yếu đến từ các dự án ở khu Đông khi mở bán giai đoạn mới. Các dự án có tiện ích nổi bật, không gian xanh, chiến lược bán hàng và truyền thông mạnh mẽ vẫn có tốc độ bán hàng cao.
Đối với các tỉnh lân cận TP.HCM, giá bất động sản ghi nhận mức tăng nhẹ từ 2% - 6%. Ở phân khúc đất nền, Bình Dương ghi nhận mức giá cao nhất với 60 triệu đồng/m2, Long An 40 triệu đồng/m2 và Đồng Nai 39 triệu đồng/m2. Ở phân khúc nhà phố, Đồng Nai lại ghi nhận mức giá cao nhất với 91 triệu đồng/m2, Bình Dương giá cao nhất ở mức 80 triệu đồng/m2, Long An chỉ ở mức 56 triệu đồng/m2.
6 tháng cuối năm 2022 sẽ ra sao?
Dat Xanh Services nhận định, 6 tháng cuối năm nguồn cung căn hộ dự kiến tại TP.HCM sẽ giảm so với 6 tháng đầu năm. Nguồn cung căn hộ sẽ tập trung triển khai ở các khu đô thị tại phía Đông và các dự án quy mô nhỏ tại khu Tây - Bắc. Thời gian tới, số dự án thấp tầng dự kiến tiếp tục hạn chế do ưu tiên quy hoạch phát triển dự án nhà cao tầng. Chính vì vậy, giá bán sẽ tiếp tục tăng trong những tháng còn lại.
Theo Dat Xanh Services, nguồn cung bất động sản trong 6 tháng cuối năm tại các tỉnh lân cận TP.HCM dự kiến chủ yếu đến từ thị trường Bình Dương, Long An và ở các khu vực ven khu công nghiệp, khu vực có quy hoạch nâng cấp, mở rộng hạ tầng. Khi các dự án hạ tầng tại các địa phương được khởi công xây dựng sẽ thúc đẩy thị trường BĐS tại khu vực này sôi động.
Khơi thông dòng vốn
Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – BĐS Dat Xanh Services, cho biết thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước có các động thái kiểm siết chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra “bong bóng”. Đây là việc cần thiết để lành mạnh hóa thị trường, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế.
Động thái này còn góp phần thanh lọc được các nhà đầu tư và các doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu kém hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn và kinh doanh tràn lan.
Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng, chủ trương siết tín dụng khiến người dân, nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng. Chuyên gia đề xuất, trong bối cảnh này, việc tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện các kênh huy động vốn đầu tư bất động sản cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới.
Đối với các kênh như tín dụng và phát hành trái phiếu cần phân nhóm các phân khúc bất động sản để có chính sách vốn phù hợp, có sự điều tiết hữu hiệu. Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chào bán cần quy định xếp hạng tín nhiệm, tức đánh giá độc lập của bên thứ ba về mức độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp.
“Cần đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, sớm có sản phẩm bất động sản đưa ra thị trường trong một thời gian phù hợp. Đồng thời, cung cấp vốn tín dụng cho dự án đang trong quá trình thực hiện và chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là điều cần thiết và quan trọng vì nếu nguồn cung bất động sản không đáp ứng được sự tăng lên của nhu cầu sẽ đẩy giá tăng lên và tạo ra rất nhiều hệ lụy”, ông Khôi phân tích.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất cung cấp vốn vay cho những người ở thực, đặc biệt là những người mua nhà lần đầu. Bởi, việc này không hề trái với mong muốn thanh lọc thị trường, mà còn giúp cho thị trường bất động sản giảm bớt nhà đầu cơ, hỗ trợ người có nhu cầu thực, cần vốn tín dụng thực.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nam Anh
-
Nguyễn Mai