Cuộn sóng FDI từ Hàn Quốc
SK Group hiện diện trong nhiều tập đoàn hàng đầu của Việt Nam. Ảnh: ft.com
Giữa tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và kinh tế bất ngờ tăng trưởng âm 0,3% quý I vừa qua, các tập đoàn kinh tế chaebol hùng mạnh của Hàn Quốc đang nỗ lực chuyển hướng, thâm nhập các thị trường mới nổi như một chiếc phao cứu cánh. Ở đó, Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn, có thể trở thành điểm đến giàu tiềm năng nhất dành cho các tập đoàn khổng lồ này.
Thêm tỉ USD từ SK Group
Các nhà đầu tư Hàn Quốc là một trong những người tiên phong đến Việt Nam sớm nhất. Ngay khi nền kinh tế mở cửa vào những năm 1990, hàng loạt nhà máy da giày, may mặc và lắp ráp điện tử như Chang Shin, Taekwang Vina, Hyosung, Dongwon, LG... đã ngay lập tức hiện diện.
Kể từ năm 2009, làn sóng đầu tư rầm rộ của người Hàn tiếp tục nhận được cú hích lớn khi Samsung khánh thành tổ hợp lắp ráp điện tử ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, đầu tư dây chuyền lắp điện gia dụng tại TP.HCM với tổng trị giá hàng chục tỉ USD. Theo bước chân ông lớn này, hàng ngàn nhà cung ứng vệ tinh lần lượt đổ bộ, gián tiếp giúp Việt Nam lọt vào bản đồ công nghệ cao của thế giới.
Nhưng khẩu vị của người Hàn cũng thay đổi theo thời gian, đó là thay vì đầu tư trực tiếp, ngày càng nhiều chaebol tích cực thâu tóm các tài sản, các thương hiệu có giá trị. Điển hình là mới đây, tập đoàn lớn thứ 3 của Hàn Quốc là SK Group công bố khoản đầu tư 1 tỉ USD vào Vingroup với tỉ lệ sở hữu khoảng 6,1%. Năm ngoái, SK Group gây chấn động thị trường khi công bố khoản đầu tư gần nửa tỉ USD vào công ty dẫn đầu ngành thức uống và thực phẩm tiêu dùng Masan Group. Trước đó, tập đoàn này đã thành lập cánh tay đầu tư chuyên tập trung vào Việt Nam với tên gọi SK South East Asia Investment in Vietnam để nắm bắt cơ hội kinh doanh ở một thị trường đang bùng nổ.
SK Group thật sự khôn ngoan khi lựa chọn đầu tư vào các thương hiệu hàng đầu Việt Nam. Theo tờ Nikkei Asia Review, thương hiệu SK khá nhạt so với hai đối thủ đồng hương là Samsung Group và LG Group. Điều này buộc SK Group phải lựa chọn hợp tác với các thương hiệu nội địa đã nổi tiếng để gây tiếng vang nhanh chóng. Nhưng giống như một mũi tên bắn trúng hai đích, không chỉ hấp dẫn ở khía cạnh đầu tư tài chính, đằng sau thương vụ này có thể ẩn chứa một tham vọng rất lớn của SK Group.
Đứng trước xu thế tăng trưởng chậm lại của ngành công nghiệp chip, SK Group buộc tái cấu trúc chính mình và tìm hướng đi mới. Quân bài chủ lực mà nhà đầu tư này đặt cược chính là dòng pin dành riêng cho xe điện và các dòng smartphone thế hệ mới. Thực hiện chiến lược mới, năm ngoái, SK Group đã rót hơn 238 triệu USD vào Watson, hãng sản xuất pin lithium-ion dành cho ô tô điện. Trước đó, Tập đoàn đã dành 1,01 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất pin tại thị trường Mỹ.
Để đảm bảo được đầu ra, SK Group đã bắt tay với các nhà sản xuất ô tô điện như Daimler và Volkswagen để cung cấp pin. Do đó, việc bắt tay với Vingroup có lẽ không nằm ngoài chiến lược hoàn thiện hơn nữa chuỗi kinh doanh. Thông qua đó, SK có thể cung ứng các dòng pin chất lượng cho nhà máy lắp ráp ô tô, xe máy, xe buýt điện của VinFast và tất nhiên là cho cả dây chuyền sản xuất smartphone Vsmart.
Chiếc bánh cung ứng pin cho các sản phẩm công nghệ của Vingroup là hấp dẫn. Nhà máy VinFast được thiết kế với công suất 250.000 chiếc ô tô cho giai đoạn đầu, sau đó sẽ dần nâng cấp để đạt tới quy 500.000 xe. Đối với xe máy điện, VinFast dự kiến sẽ vận hành dây chuyền lắp ráp đạt công suất 250.000 xe cho giai đoạn 1, dự kiến tăng lên con số 500.000 giai đoạn tiếp theo. Ở tổ hợp lắp ráp smartphone, dây chuyền sản xuất Vsmart có công suất lên đến 5 triệu sản phẩm/năm, phục vụ không chỉ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, đặc biệt là thị trường giàu triển vọng Myanmar đang trong giai đoạn bùng nổ viễn thông.
Vingroup và SK dự kiến sẽ thành lập một liên doanh trong phát triển hạ tầng viễn thông theo xu thế 5G, đồng thời cùng tham gia đầu tư vào các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. “Chúng tôi tin tưởng rằng hợp tác với một doanh nghiệp dẫn đầu thị trường như Vingroup để tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới là chiến lược tối ưu cho SK để phát triển trong khu vực Đông Nam Á”, ông Woncheol Park, đại diện SK South East Asia Investment, cho biết.
Dấu ấn bao trùm mọi lĩnh vực
Nhìn trên bình diện vĩ mô, mối quan hệ kinh tế - xã hội Việt Nam - Hàn Quốc đang ở giai đoạn rực rỡ. Như sự cộng hưởng chung, cơn sốt về tuyển U23 Việt Nam với sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang Seo đã trở thành mối quan tâm của hàng triệu người Việt Nam và cả Hàn Quốc. Từ những lĩnh vực cơ bản như dệt may, điện tử... các chaebol dần bành trướng sang các lĩnh vực cốt lõi khác mà ở đó, quyền lực của họ có thể sánh với sức mạnh của tập đoàn hàng đầu trong nước hay các đối thủ Nhật và Trung Quốc.
Đơn cử sau 10 năm hoạt động, tổng doanh thu của Samsung tại thị trường Việt Nam lên đến 65,73 tỉ USD năm 2018, vượt xa so với hàng loạt các tập đoàn nhà nước như EVN (14,6 tỉ USD), PVN (27 tỉ USD) hay Viettel (10 tỉ USD). Một mình Samsung đã đóng góp hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2018, giúp Việt Nam lọt vào top các quốc gia có sức mạnh công nghệ hàng đầu thế giới.
Ở mảng bất động sản, dấu ấn của dòng vốn Hàn Quốc được thể hiện thông qua khu đô thị thông minh Eco Smart City Thủ Thiêm của Tập đoàn Lotte, GS E&C đầu tư siêu đô thị GS Metro City có quy mô 350ha ở Nhà Bè. Hợp lực với đối tác trong nước Thuduc House, Tập đoàn Daewoo ghi dấu ấn với nhiều dự án trung và cao cấp tại khu Đông TP.HCM.
Ở mảng tài chính - ngân hàng, ngày càng nhiều thương hiệu thâu tóm đình đám mang dấu ấn của người Hàn. Đó là thương vụ Shinhan Financial Group thâu tóm công ty tài chính Prudential Việt Nam, nhằm tận dụng cơ hội từ chiếc bánh tín dụng tiêu dùng. Còn thương hiệu Shinhan Bank cũng nhanh chóng vào trong nhóm ngân hàng ngoại có thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Đó còn là thương vụ Hyundai Marine & Fire Insurance thâu tóm 25% cổ phần của công ty bảo hiểm VietinBank Insurance Corp. Đặc biệt, Ngân hàng Keb Hana đang trên bàn đàm phán thâu tóm 17,65% cổ phần của BIDV với giá trị 700 triệu USD.
Dấu ấn của người Hàn còn thể hiện khá rõ trên các ngành thời thượng như bán lẻ, thời trang, chăm sóc sắc đẹp hay các chuỗi trà sữa. Ở ngành công nghiệp giải trí, CGV đang chiếm gần một nửa thị phần rạp chiếu phim ở Việt Nam, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư 200 triệu USD từ đây đến năm 2020 để củng cố thị phần. Hay startup đặt phòng Luxstay bất ngờ nhận được 4,5 triệu USD rót vốn từ 2 quỹ GS Home Shopping và Bon Angels.
Một chiếc bánh khác ghi nhận tham vọng của các nhà đầu tư xứ sở kim chi là cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ USD. Mới đây, cầu dây văng Vàm Cống trị giá hơn 5.600 tỉ đồng, hình thành bằng nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc, đã được khánh thành. Đó là cột mốc quan trọng, khẳng định năng lực của giới đầu tư Hàn Quốc, mà từ đó có thể tiếp cận nhiều hơn các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, metro, cảng biển, tuyến cao tốc ở Việt Nam. “Ngoài việc đầu tư vào sản xuất công nghiệp tại Đồng Nai, Tập đoàn cũng đang tìm hiểu để đầu tư vào bất động sản và du lịch. Đây là 2 lĩnh vực Đồng Nai còn rất nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển”, ông Chang Ho Ick, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dongwon, ngỏ ý.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đối tác đầu tư, có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam, trong đó Hồng Kông đứng thứ nhất, Hàn Quốc đứng thứ 2 và Singapore đứng thứ 3. Tính lũy kế đến tháng 2.2019, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 63,7 tỉ USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư.
Lựa chọn Việt Nam và khu vực ASEAN là bước đi khôn ngoan của người Hàn. Theo Công ty Tư vấn Savills Việt Nam, trong bối cảnh chi phí nhân lực và đất đai ngày càng tăng tại Trung Quốc, những mặt hàng gắn mác Made in Vietnam hay Made in Indonesia dự kiến sẽ xuất hiện nhiều hơn. “Khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực đến từ chi phí lao động thấp, giá đất tương đối thấp, mức thuế doanh nghiệp ưu đãi, lực lượng lao động năng động và vị trí địa lý gần những thị trường nguồn cũng như thị trường mục tiêu”, ông John Campbell, Tư vấn cấp cao, Bộ phận Công nghiệp của Savills Việt Nam, nhận định.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng đẩy mạnh sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MBS, Việt Nam có nhiều ưu thế khi cơ cấu dân số trẻ hơn Trung Quốc. Nền kinh tế có độ mở cao khi đang tham gia vào 15 hiệp định tương mại tự do khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu. “Việt Nam có khả năng sẽ thu hút nhiều nhà sản xuất chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang để né tránh thuế quan của Mỹ. Nếu tận dụng tốt thời cơ, Việt Nam có thể trở thành một công xưởng mới của thế giới mặc dù về mặt quy mô khó có thể đạt đến mức độ như Trung Quốc”, Công ty Chứng khoán MBS nhận định.
Đây cũng chính là lý do LG Electronics lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất smartphone cao cấp từ một nhà máy ở Pyeongtaek, ngoại ô Seoul đến một nhà máy ở Hải Phòng nhằm cải thiện tình trạng thua lỗ. Việc dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam được đánh giá là điểm mấu chốt giúp LG Electronics cải thiện tình hình. Mức lương tối thiểu của Việt Nam chỉ bằng 1/8 so với Hàn Quốc. Công suất của nhà máy dự kiến dịch chuyển sang Việt Nam là 5 triệu chiếc điện thoại/năm. Còn tại Hải Phòng, năng lực sản xuất được tính toán tăng lên mức 11 triệu chiếc/năm.
Cũng như LG, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc khác còn nhìn thấy cơ hội kinh doanh hấp dẫn khi tầng lớp trung lưu Việt Nam và các quốc gia châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng, trong đó thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam sẽ đạt tới con số kỷ lục 10.400USD vào năm 2030, tăng gấp 4 lần so với năm 2018, theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered. Theo giới phân tích, một trong những đặc tính của nền kinh tế thế giới thế kỷ XXI là sự tăng trưởng của người tiêu dùng châu Á. Dù có GDP bình quân đầu người thấp hơn Mỹ, hàng trăm triệu người châu Á đã gia nhập tầng lớp tiêu dùng với sức mua chưa từng có đối với hàng điện tử, thời trang hàng hiệu và những sản phẩm giải trí khác.
Việt Nam là thị trường hội đủ các yếu tố này trong mắt các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Kim Dung - Thanh Hằng
-
Huy Vũ - Bảo Hân - Kim Dung
-
Thanh Hằng
-
Thanh Hằng
-
Vũ Hoài - Quảng Định
-
Thanh Hằng
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn