Sống khỏe toàn diện
Một chiến lược sống khỏe Thân - Tâm - Trí không chỉ được đặt ra trong chính sách y tế, mà còn là vấn đề của từng cá nhân và gia đình. Ảnh: stock.adobe.com
Là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong nhiều thập niên nhưng Việt Nam cũng đang chịu áp lực trước tình trạng già hóa dân số cùng nghịch lý tỉ lệ người trẻ mắc các bệnh mãn tính ngày càng cao. Một chiến lược sống khỏe Thân - Tâm - Trí không chỉ được đặt ra trong chính sách y tế, mà còn là vấn đề của từng cá nhân và gia đình. Đây là thông điệp trong Hội nghị Thượng đỉnh và Triển lãm “Sống khỏe toàn diện” do Tạp chí NCĐT tổ chức trong 2 ngày 18-19/9/2024.
Sống khỏe chủ động trước “bệnh thời đại”
Anh Tiến Thành, 38 tuổi, quản lý cấp cao của một công ty có trụ sở ở quận 3 (TP.HCM), cho biết chỉ trong một tuần anh nhận được 3 tin qua đời vì đột quỵ từ bạn bè và người thân, có người ở độ tuổi 43 và có người ở độ tuổi gần 30. “Tôi có cảm giác tin về đột quỵ ngày càng nhiều mỗi năm. Và tôi thật sự lo cho sức khỏe của chính tôi”, anh Thành nói.
Theo thống kê của Hội Tim mạch học Hà Nội, mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 người tử vong vì đột quỵ, chiếm 39,5% tổng số ca tử vong. Khoảng 25% người trưởng thành đang mắc bệnh tim mạch và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Còn theo Hội Đột quỵ Việt Nam, trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất, tức nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỉ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân.
Các diễn giả tham gia phiên thảo luận “Chăm sóc sức khỏe trong kỷ nguyên số hóa”. Ảnh: Tuyển Phan. |
Thống kê của Hội Ung thư Việt Nam cũng cho thấy gánh nặng ung thư ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và điều đáng quan ngại là bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Theo Tổ chức Ung thư Toàn cầu, mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm 180.000 ca mắc mới và trên 123.000 ca tử vong do ung thư, bệnh nhân vẫn phải tự chi trả tới 70% chi phí điều trị. Tại Việt Nam, theo Globocan, tỉ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỉ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia.
Những yếu tố nguy cơ làm gia tăng “bệnh thời đại” gồm lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử; thừa cân béo phì, lười vận động; chưa có ý thức rõ ràng bảo vệ sức khỏe; cuộc sống xã hội tương đối nhiều áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, công việc…
Trong khi đó, theo báo cáo Voice of The Workplace 2024 (khảo sát trên 4.000 người đi làm toàn cầu) cho thấy stress nơi công sở, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh tim mạch, mất ngủ đến từ vấn đề tài chính, bao gồm các yếu tố như áp lực mua nhà, bất ổn tài chính và làm việc quá sức. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít tự nấu ăn và thường xuyên ăn ngoài, chuộng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn, nhiều đường, muối và chất phụ gia... làm tăng khả năng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường.
Một yếu tố khác, theo bác sĩ Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Gia Thái DOCTORLOAN, rất nhiều người làm việc văn phòng không quan tâm đến cột sống và đây là nguyên nhân cho rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như tàn phế, đột quỵ. Theo bà Loan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các biện pháp chữa bệnh đốt sống không dùng thuốc, không can thiệp phẫu thuật trên thế giới nhưng vẫn chưa phổ biến việc phòng ngừa bệnh cột sống trên thế giới.
Hiện trạng này khiến Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng “bệnh tật kép”, đó là bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Theo dữ liệu của WHO, năm 2020 ước tính bệnh không lây nhiễm đã khiến nền kinh tế thế giới tổn thất 47.000 tỉ USD. Trong đó, các bệnh tim mạch, phổi mạn tính, ung thư, tiểu đường gây thiệt hại khoảng 30.000 tỉ USD, còn lại là bệnh tâm thần kinh. Nhóm bệnh này đang chiếm hơn 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với sự phát triển của nhiều bệnh tật với tốc độ trẻ hóa ngày càng cao.
Hàng loạt khuyến cáo được đưa ra cho người dân để có một cuộc sống khỏe mạnh. Đó là người trẻ cũng cần thăm khám, tầm soát sức khỏe định kỳ, từ đó được chẩn đoán hoặc tư vấn và phòng bệnh đúng cách hơn. “Một số quốc gia lân cận như Singapore đang bàn khả năng hợp tác với Thiện Nhân Hospital để làm tour du lịch kết hợp khám tầm soát ở Đà Nẵng”, Thạc sĩ - bác sĩ Ngô Đức Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Thiện Nhân Hospital, nói. Ông Hải cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc tầm soát toàn diện vì các nước phát triển chưa có dịch vụ này, các chuyên khoa làm việc độc lập nên muốn tầm soát toàn diện cần nhiều thời gian, chi phí đi lại.
Thời gian tầm soát để phát hiện bệnh tốt nhất rơi vào từ 6-12 tháng. Chính vì thế, nhiều trường hợp dù đã tầm soát ở nước ngoài nhưng vẫn bỏ sót thời gian vàng để chữa trị. Lý do thứ 2, quan trọng hơn là chi phí ở Việt Nam rất cạnh tranh. Lấy ví dụ, cùng chất lượng chẩn đoán, tầm soát đột quỵ ở các nước phát triển có giá hơn 100 triệu đồng thì Việt Nam tốt hơn rất nhiều lần. Đó là chưa tính chi phí đi lại. “Trang thiết bị y tế và công nghệ khám chữa bệnh ở Việt Nam hiện đã phát triển rất mạnh so với 10 năm trước”, ông Hải nói.
Lý do chính khiến dịch vụ y tế, cụ thể là trang thiết bị y tế ở Việt Nam được đầu tư mạnh trong thời gian qua đến từ tầng lớp trung lưu và giàu có tăng lên đáng kể. Theo báo cáo “Những xu hướng mới trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe và kinh nghiệm cho Việt Nam” của PwC, tính đến cuối năm 2024 các hộ gia đình có thu nhập hằng năm từ 13.450 USD trở lên dự kiến sẽ chiếm gần 20% dân số, tăng 12% so với năm 2019.
Những hộ gia đình khá giả có xu hướng yêu cầu chất lượng khám chữa bệnh và điều trị cao hơn, cùng với các dịch vụ chuyên sâu, tiện lợi, minh bạch, giá cả phải chăng và được cá nhân hóa hơn. Những gia đình này cũng có thể lựa chọn các dịch vụ chăm sóc đa dạng hơn nhiều, như tại các bệnh viện và ngoài bệnh viện (ví dụ như trung tâm thể dục thể hình, phòng khám tư nhân, nơi làm việc, phòng khám thay thế hoặc tại nhà), trong nước hoặc nước ngoài, thông qua các kênh ngoại tuyến hoặc trực tuyến...
Xu hướng này mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp mới từ các ngành khác tham gia, cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái y tế và chăm sóc sức khỏe đa dạng hơn, bên cạnh các cơ sở truyền thống (bệnh viện và phòng khám), lấy bệnh nhân là trung tâm.
Gia đình cùng khỏe
Phiên thảo luận quan trọng về chủ đề: “Sức khỏe gia đình là một chiến lược sống”. Ảnh: Tuyển Phan. |
“Nên có chiến lược chăm sóc sức khỏe phù hợp cho gia đình, vì xã hội bắt đầu từ các gia đình. Gia đình có khỏe mạnh và hạnh phúc thì xã hội mới phát triển tốt hơn”, BS. CKII. Mai Hải Lý, Cố vấn chuyên môn Hệ thống Y tế Phụ sản 315, cho biết. Tuy nhiên, mỗi gia đình lại có các thành viên khác nhau, do đó tùy từng đặc điểm mà nên có kế hoạch chăm sóc phù hợp để đảm bảo gia đình luôn khỏe mạnh.
BS. CKI. Nguyễn Thị Xuân Hương, Trưởng Phòng khám Nhi Đồng 315 chi nhánh Kha Vạn Cân, Thủ Đức, cho biết: “Vì là chiến lược nên cần chia ra từng giai đoạn, để biết được khi nào nên ưu tiên, tập trung chăm sóc cho thành viên nào”.
Với 20 năm chăm sóc phụ nữ và trẻ em, bác sĩ Mai Hải Lý cho rằng: “Người phụ nữ là trung tâm của gia đình và họ có rất nhiều sự ràng buộc và áp lực nên cần được thấu hiểu và tập trung chăm sóc hơn cả”.
Đáng chú ý, ngoài mặt thể chất, tinh thần cũng đóng một vai trò quan trọng không kém. Trong thời đại mà truyền thông phát triển quá mạnh mẽ, vô hình trung đã có nhiều tiêu chuẩn “ảo” được tạo ra, những điều tưởng chừng như là tốt nhất dành cho con nhỏ. Bản thân người phụ nữ khi làm mẹ, đặc biệt trong thời đại này, đã trở thành một người đa nhiệm, phải thực hiện trọn vẹn vai trò khi làm một người con dâu, người vợ, người mẹ, từ đó những ước mơ, khát vọng riêng của họ thường được gán lên con cái. Nhưng chính những kỳ vọng không phù hợp có thể gây áp lực cho trẻ và tạo khoảng cách về sau.
Theo đó, bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hương cho biết, sức khỏe gia đình thường được phản ánh qua mối quan hệ của các thành viên. Khi tạo được một môi trường lành mạnh, hòa thuận bên trong gia đình, con nhỏ sẽ phát triển tốt về mặt sức khỏe tinh thần, học hỏi nhanh hơn, phát triển thể chất tốt hơn.
Việt Nam có truyền thống văn hóa là các thành viên đa thế hệ sinh sống dưới cùng một mái nhà từ cha mẹ, con cái đến ông bà. Trong nhiều trường hợp, ông bà thường thay cha mẹ chăm sóc cháu. “Tuy nhiên, liệu ông bà đã được quan tâm và chăm sóc sức khỏe đầy đủ hay chưa?”, ông Huân Lê, Phó Tổng Giám đốc WeCare 247, đặt vấn đề.
Thực tế, tình trạng già hóa của dân số Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Chỉ trong 10 năm nữa, dân số già sẽ ngang bằng với dân số trẻ. Người cao tuổi Việt Nam đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép”, bình quân mỗi người già có 3 bệnh, nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng. Xu hướng này đòi hỏi phải cấp bách hiểu về cách chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam.
Bác sĩ Phan Thanh Hào, Chuyên gia Y học tái tạo và chống lão hóa tại Bệnh viện Quốc tế DNA, nhấn mạnh rằng quá trình lão hóa không chỉ thể hiện ở bề ngoài mà còn tác động sâu sắc đến các chức năng bên trong cơ thể như bệnh lý chuyển hóa, tiểu đường, và bệnh tim mạch.
Ở nước ngoài, hệ thống chăm sóc, hộ lý, điều dưỡng cho người già đã đi trước và phát triển gần như hoàn thiện. Nhưng tại Việt Nam, ngành này vẫn chưa phát triển rộng rãi. Đồng thời, cũng chưa có những chương trình cung cấp chứng chỉ hành nghề chính thống để người lao động có thể theo học và phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn này đã được ghi nhận và đang dần được hỗ trợ. “Chăm sóc sức khỏe cho từng thành viên quan trọng vì có sự liên đới, sức khỏe từng thành viên ổn định thì gia đình mới có thể hạnh phúc về mặt thể chất lẫn tài chính”, ông Huân Lê nói.
Theo PwC, trong khi ngành y tế đã và đang phát triển về mọi mặt trong vòng 10-20 năm qua, sự xuất hiện của công nghệ và số hóa, cùng với 2 năm dịch bệnh kéo dài, đã thúc đẩy những thay đổi mang tính cách mạng làm biến đổi toàn bộ cách thức hoạt động của lĩnh vực y tế. Một số xu hướng mới gần đây bao gồm: chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng gia tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (ví dụ, ưa thích sự tiện lợi và đơn giản hóa việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe), khám chữa bệnh nội trú chuyển sang dịch vụ ngoại trú, đổi mới công nghệ, gia tăng biến chứng, tỉ lệ mắc một số bệnh gia tăng do lối sống ít vận động và tuổi thọ cao hơn - đang cùng nhau thúc đẩy sự biến đổi của ngành y tế toàn cầu, tạo ra làn sóng thay đổi to lớn và tạo động lực cho các bên liên quan đổi mới và hành động.
Trong đó, ứng dụng khoa học công nghệ vào y tế, chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh giúp bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại, giúp gia tăng tỉ lệ chẩn đoán, phát hiện bệnh kịp thời, chữa khỏi và giảm thời gian điều trị. Công nghệ giúp thu hẹp khoảng cách chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa nông thôn và thành thị. Trong xu hướng sống khỏe, sự phát triển của công nghệ cũng giúp người dùng có thể theo dõi sức khỏe, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, đề xuất chế độ tập luyện hằng ngày phù hợp thông qua trí tuệ nhân tạo và nhận tư vấn trực tuyến các bệnh không nghiêm trọng với chi phí hấp dẫn.
Ông Nguyễn Việt Hồng, Giám đốc Thương mại của LivWell, ứng dụng sức khỏe có 250.000 người sử dụng, cho biết nếu nhân viên đồng ý cung cấp dữ liệu sức khỏe, chủ doanh nghiệp có thể tiếp cận được tình trạng sức khỏe chung của công ty, từ đó đưa ra những gói bảo hiểm phù hợp, giúp tối ưu chi phí cho doanh nghiệp. “Bảo vệ sức khỏe gồm 3 giai đoạn là phòng ngừa, duy trì và bảo vệ. Công nghệ đang giúp người lao động và doanh nghiệp thực hiện việc này dễ dàng hơn”, ông Hồng nói.
Cân bằng Tiền tài - Sức khỏe
Nghiên cứu của Viện Đô thị và Đại học Virginia, khỏe mạnh về tài chính giúp con người có ít nguy cơ mắc bệnh hơn, từ đó gia tăng tuổi thọ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm thu nhập thấp nhất có nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch vành, thận, gan cao gấp 3 lần so với nhóm thu nhập cao nhất. Sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính có tầm quan trọng như nhau. Vậy làm thế nào để cân bằng trong cả 3 lĩnh vực của cuộc sống?
Với hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Linh chia sẻ về một khái niệm mang tên “financial wellness” (tài chính khỏe mạnh toàn diện). Bởi vì, tiền và sức khỏe là 2 mặt của một vấn đề trong cuộc sống con người. Phần lớn chuyện tiền bạc gây ra những vấn đề về căng thẳng, lo âu và giấc ngủ. Vì thế, “financial wellness” là một khía cạnh không thể tách rời của “sức khỏe toàn diện”.
Ông Linh cũng chia sẻ các bước để có sức khỏe về tài chính. Đầu tiên, học cách kiếm tiền, quá trình này tích lũy càng nhanh thì giai đoạn về sau sẽ càng tốt. Thứ 2, khi kiếm được tiền thì phải học cách tiết kiệm, cân bằng giữa cái mình muốn và cái mình cần. Thứ 3, khi tiết kiệm thì không thể để tiền ngủ yên mà phải học cách đầu tư, sau đó là biết phân bổ dòng tiền thông qua kế hoạch ngân sách và cuối cùng là quản trị rủi ro.
Cũng là một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ông Trần Vinh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM), cho rằng tài chính là một phần quan trọng, nó không tạo ra sức khỏe nhưng sẽ giúp giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe, giúp trị liệu, giúp phục hồi và sống khỏe hơn.
“Tôi không theo đuổi việc kiếm nhiều tiền nhất, mà là kiếm tiền một cách thảnh thơi nhất. Thời gian là thứ mà không ai có thể cho mình, nếu kiếm 10 đồng mà mình không thảnh thơi, thì thà kiếm 5 đồng mà thảnh thơi. Và tất nhiên, nếu chỉ sử dụng 2 trong số 5 đồng kiếm được, mình sẽ có 3 đồng để tích lũy, đây lại là điều rất tốt”, ông Quang chia sẻ.
Đại diện của TVAM cho rằng, khi nghe đến đầu tư chứng khoán, mọi người đều nghĩ đến rủi ro, nhưng bản chất của cuộc sống là vô thường, nên rủi ro sẽ có ở khắp nơi, không chỉ riêng trong chứng khoán. Vì vậy, rủi ro không đáng sợ, đáng sợ là từng rủi ro nếu không được xử lý tốt sẽ biến thành thảm họa.
Khi được hỏi người quản lý quỹ đầu tư có áp lực hay không, câu trả lời của Tổng Giám đốc TVAM là có. “Nhưng điều đó cũng giống như tập thể thao, đầu tiên là liên tục chịu áp lực, rồi cũng quen dần và sau đó là có những kỹ thuật để giảm áp lực”, ông Quang chia sẻ thêm. Cũng theo đại diện của TVAM, các nhà quản lý quỹ thường làm quen với việc thiền, chạy bộ, yoga và họ cũng đi du lịch để chữa lành thay vì hằng ngày đối diện với việc mua - bán, lời - lỗ. Ông Quang cũng bật mí rằng trong gia đình riêng của mình cũng có rất nhiều ngân sách cho các khoản chi tiêu và riêng chi tiêu cho thể thao, cho sức khỏe thì ngân sách đó không giới hạn, còn những việc còn lại có thể từ từ.
Sức khỏe, tài sản đầu tư, tài sản phòng vệ đều là những phần rất quan trọng trong tháp tài sản, mô hình phân bổ tài sản được phát triển bởi nhà phân tích tài chính người Mỹ Harry Browne. Trong mọi trường hợp, cần chủ động lập quỹ khẩn cấp, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo... để có sự phòng chống nhất định khi có bất cứ vấn đề nào xảy ra.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Các kênh kinh doanh, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam đều tăng trưởng đều đặn qua các năm, nhưng con số đó đã chững lại, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2022, thậm chí là bước sang năm 2023.
Trên thực tế, Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Đầu tiên, Chính phủ đặt mục tiêu 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%). Thứ 2, tỉ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025. Với khoảng 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ trong năm 2021, tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với Malaysia (50%), Singapore (80%) và Mỹ (90%).
Đại diện của Sun Life Việt Nam chỉ ra thực trạng hiện nay là cùng với các vấn đề về sức khỏe ngày càng gia tăng thì tiền chữa trị cũng ngày càng cao. Thực tế, người dân đang phải tự trả 40% chi phí khám chữa bệnh, gấp đôi khuyến cáo của WHO, tạo gánh nặng kinh tế khiến nhiều người gặp khó khăn trong điều trị. Chẳng hạn, theo Bộ Y tế, chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm, trong đó bảo hiểm y tế chi trả khoảng 51,87 triệu đồng (chiếm 29,3% chi phí điều trị).
Với các trường hợp bệnh nặng và phức tạp, chi phí này có thể tăng lên nhiều lần. Vì thế, nếu không có sự hỗ trợ từ bảo hiểm y tế, nhiều gia đình bệnh nhân sẽ đối mặt với khó khăn tài chính đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, một thị trường bảo hiểm nhân thọ lành mạnh có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và góp phần giảm rủi ro cho cuộc sống của mỗi người.
Có thể thấy, dù là sức khỏe thể chất, tinh thần hay tài chính, mọi khía cạnh của cuộc sống đều cần sự cân bằng và chăm sóc, vì chỉ có mỗi cá nhân mới có thể nhìn nhận được bản thân mình đang muốn gì và cần làm gì để tốt nhất. Hiểu rõ bản thân cũng là chìa khóa để cân bằng trong cuộc sống đầy biến động.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Kim Dung - Thanh Hằng
-
Thanh Hằng
-
Vũ Hoài - Quảng Định
-
Thanh Hằng
-
Thanh Hằng