Bàn ăn tương lai thời 4.0

Tọa lạc gần đê Dương Công, Hàng Châu (Trung Quốc) có một nhà hàng thức ăn nhanh KFC. Nhà hàng này rất đặc biệt. Thực khách đến đây không thanh toán bữa ăn bằng tiền, mà là bằng nụ cười. Vì sao lại có chuyện thú vị như thế? Đó là nhờ dịch vụ thông minh “Smile to Pay” của Alibaba, được tích hợp trên nền tảng điện thoại di động. Khi bạn cười, camera trên máy sẽ tự nhận dạng chuyển động cơ mặt, ứng dụng sau đó sẽ kiểm tra với kho dữ liệu hình ảnh của bạn. Nếu mọi thứ hợp lệ, “Smile to Pay” sẽ gửi yêu cầu đến ngân hàng và tự động thanh toán cho KFC. Công nghệ đã dẫn lối và soi sáng cho bức tranh đầy hứng khởi của bàn ăn tương lai thời 4.0.
Sự kỳ diệu của trí tuệ nhân tạo
Khi Internet vạn vật (IoT) trở thành xu thế xã hội, công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) từ đó cũng lan tỏa đến mọi ngóc ngách cuộc sống. Một thời đại mới của chatbot chính thức bắt đầu.Những chatbot này sẽ xử lý thói quen mua sắm và tiêu thụ thực phẩm của từng cá nhân như là tham số chuẩn, và tiến hành tham chiếu bằng thuật toán với kho dữ liệu của IoT, từ đó đưa ra các khuyến nghị không chỉ tối ưu mà còn cá nhân hóa theo từng người tiêu dùng.
Trong cuộc sống công sở hiện đại, do áp lực công việc và nhu cầu xây dựng quan hệ xã hội, việc dành thời gian quý báu chăm sóc gia đình và bản thân là điều khá khó khăn. Có thể tan tầm lúc 6 giờ, nhưng việc ở lại làm thêm giờ là điều thường thấy ở các ngành đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận như kiểm toán hay đầu tư. Khi xong việc, trời đã về muộn; việc đi chợ chọn từng con cá, ngọn rau cho bữa ăn gia đình mỹ mãn là sự xa xỉ với dân công sở. Tuy nhiên, điều đó sẽ dễ dàng hơn với các ứng dụng AI được tích hợp trong smartphone; dù là món ăn chuẩn bị sẵn, nguyên liệu tươi mới hay một chai rượu vang nhẹ..., tất cả giờ đây sẽ được phục vụ theo ý bạn.
Theo báo cáo mới nhất “The Future of Food” của Accenture, quy trình tương tác giữa AI và con người sẽ diễn ra một cách độc lập và khép kín. Cụ thể, người dùng sẽ cập nhật các tiêu chí dinh dưỡng cá nhân (như thực đơn yêu cầu từ bác sĩ hay huấn luyện viên thể hình) vào các ứng dụng chuyên dùng như Calorie Mama AI.
Chatbot AI sau đó sẽ thiết kế menu cho tháng, ngày, hoặc chi tiết đến từng bữa, tùy vào tần suất yêu cầu. Danh mục thực đơn sẽ tham chiếu tỉ mẫn từng chi tiết nhỏ nhất giùm bạn như lượng calorie trong phô mai, độ kẽm và khoáng chất trong thịt, hoặc sự kết hợp các loại hạt, từ đó đưa ra kết quả tối ưu nhất cho nhu cầu dinh dưỡng và thể trạng mỗi người. Dù đó là để giảm cân hay vì giảm lượng đường huyết, AI giờ đây có thể thay thế công việc của những chuyên gia dinh dưỡng kinh nghiệm nhất.
Sau khi duyệt danh sách món ăn, chatbot sẽ tự động đặt hàng với nhà hàng hoặc đơn vị cung cấp thực phẩm tươi; tất cả sẽ được giao tận tay người tiêu dùng theo thời điểm yêu cầu. Việc lên kế hoạch và so sánh các lựa chọn sẽ được tối ưu hóa bởi nền tảng công nghệ 4.0. Bạn giờ đây có thể dành nhiều thời gian hơn cho người thân và cuộc sống cá nhân. Buổi tập yoga mà bạn thường hay lỡ hẹn giờ sẽ không còn xảy ra nữa.
Ngoài ra, AI còn giúp bạn tiết kiệm tối đa chi phí. Thay vì phung phí vào một sản phẩm được bán giá cao tại siêu thị quen thuộc, AT sẽ lọc giá tốt nhất cho sản phẩm cùng chất lượng và đặt hàng theo ý muốn người tiêu dùng. Khi công nghệ phát triển đến một tầm cao nhất định, các hệ thống cảm ứng sẽ được tích hợp với tủ lạnh hoặc ngăn đựng đồ khô. Chatbot sẽ dựa vào chuỗi thông tin tiêu dùng từng hộ gia đình mà đưa ra lựa chọn bổ sung thực phẩm kịp thời, qua đó bảo đảm thực phẩm luôn tươi ngon.
Bên cạnh chatbot AI, tương tác thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cũng là một chân trời đầy hứng khởi của thế giới công nghệ. Không sợ nắng, chẳng sợ mưa, người tiêu dùng giờ đây có thể thoải mái ngồi tại nhà và “đi” siêu thị như ngoài đời thực. Thử tưởng tượng việc bạn đi dọc các kệ siêu thị; đọc từng thành phần dinh dưỡng calorie và sodium của hộp thịt nguội SPAM, kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm có nguồn gốc từ trứng và sữa, sau đó “đặt” vào xe đẩy rồi thanh toán. Sản phẩm theo lựa chọn sau đó sẽ được giao đến tận nhà.
Tại các quốc gia phát triển, ngành bán lẻ đã tiến rất gần đến việc ứng dụng và phổ biến công nghệ thực tế ảo. Các tập đoàn lớn như IBM, IKEA, Walmart hay Tasco luôn tích cực nghiên cứu và ứng dụng AR và VR vào hệ thống bán hàng của họ. Cụ thể hơn, hãng nội thất IKEA đã tiên phong sử dụng công nghệ thực tế ảo để hỗ trợ khách hàng trong việc thiết kế và mua sắm sản phẩm nội thất. Ứng dụng IKEA Catalog cho phép người dùng trực quan phác họa không gian phòng ốc khi có một chiếc ghế sofa hay chiếc giường ngủ mới sẽ như thế nào.
Táo bạo hơn, Yihaodian, công ty bán lẻ thực phẩm của Trung Quốc, đã ứng dụng một cách sáng tạo công nghệ thực tế ảo để mở rộng quy mô bán hàng. Với Yihaodian, thực tế ảo không chỉ cải thiện trải nghiệm mua sắm khách hàng, mà còn giúp họ mở rộng mạng lưới bán hàng… với giá cực thấp. “Cửa hàng” thực tế ảo của họ giờ được đặt tại các bãi đậu xe, công viên hoặc điểm du lịch nổi tiếng.
Ứng dụng công nghệ trong ngành thực phẩm luôn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư. Năm 2016, một trong những công ty vận chuyển bữa ăn sẵn sàng lớn nhất thế giới đã nhận được nguồn vốn đầu tư tương đương 1,25 tỉ USD từ một công ty lớn trong ngành thương mại điện tử.
Tính riêng tại thị trường Bắc Mỹ, vốn xem trọng tính minh bạch của nguồn gốc thực phẩm, gần 4 tỉ USD đã được đầu tư vào các công nghệ truy xuất nguồn gốc; một phần không nhỏ những công nghệ đó là có tương quan với blockchain (công nghệ đứng sau tiền ảo Bitcoin).
Việt Nam ở đâu trên bàn ăn 4.0?
Tại Việt Nam, nền tảng 4.0 trong ngành thực phẩm đã có những điểm sáng nhất định. Xu thế đặt bữa ăn trực tuyến và giao nhận tận nơi đang nhận được sự ưa chuộng không nhỏ từ thực khách. Những cái tên tiêu biểu gồm có Delivery Now, Chonmon.vn, Flyfood, Lozi…
Theo báo cáo phân tích “Insight khách hàng về dịch vụ giao thức ăn tận nơi” của Bamboo, 80% số người tham gia trả lời khảo sát cho biết đã từng sử dụng dịch vụ giao thức ăn tận nơi, trong đó Delivery Now là cái tên được nhắc nhiều nhất với tỉ lệ 94%. Lượng đặt hàng trực tuyến của Delivery Now chạm ngưỡng 10.000 đơn hàng/ngày, với số lượng nhân viên giao nhận lên đến 500 người. Điều đó cho thấy thị trường đặt bữa ăn trực tuyến rất tiềm năng.
Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, ngành bán lẻ nói chung và thực phẩm nói riêng của Việt Nam chưa tiệm cận chiều sâu công nghệ và không có tính phổ cập ứng dụng so với mặt bằng chung của thế giới. Ông Trần Nguyên Vũ, Giám đốc Quốc gia các nhóm giải pháp IBM, chia sẻ: “Với AI, chúng ta có thể nghĩ ra nhiều bài toán khác nhau. Lời khuyên của tôi là đừng nghĩ những gì quá lớn, hãy nghĩ ra một giải pháp mà có thể ứng dụng vào thực tiễn ở Việt Nam và cơ hội đó có rất nhiều”. Một trong những ví dụ đơn giản ông Vũ đề cập là câu chuyện lãng phí thời gian ở quán Ngon, một quán ăn được nhiều người lựa chọn đãi khách mời.
“Khi tới quán Ngon, chúng tôi phải chờ 30 phút để họ sắp bàn và tôi nảy ra ý tưởng: Quán Ngon một năm mất khoảng 1-2 triệu USD cho việc chờ sắp bàn và thanh toán hóa đơn. Nếu các bạn giải quyết được bài toán này thì chỉ cần tính toán chi phí khoảng 500.000 USD thì chắc chắn chủ quán sẽ đầu tư”, ông Vũ gợi ý.
Dù chưa có tiếng tăm nổi bật trên bản đồ công nghệ thế giới, nhưng nền tảng 4.0 của Việt Nam được kỳ vọng sẽ có những cải thiện rõ nét. Đặc biệt khi các nhà bán lẻ thế giới như 7-Eleven, Central, GS Retail… thấy được tiềm năng phát triển của tầng lớp dân số trẻ được kết nối internet của Việt Nam.
Tại cuộc họp báo “Shop & Store 2018”, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, dự báo: “Tôi nghĩ thời gian tới đây, công nghệ bán lẻ mới sẽ được ứng dụng rộng khắp hơn ở Việt Nam”
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Tuấn Thịnh