Blockchain: Hy vọng mới cho cuộc chiến bảo vệ bản quyền
Năm sau vi phạm cao hơn năm trước
Báo cáo gần đây của tổ chức theo dõi vi phạm bản quyền MUSO như gáo nước lạnh đổ vào các công ty, các nhà phát triển nội dung số khi tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến vẫn tiếp tục tăng cao trong thời gian qua.
Theo đó trong năm 2017, đã có hơn 300 tỉ lượt truy cập vào các website vi phạm bản quyền, tăng 1,6% so với năm trước đó. Các website phổ biến nhất thuộc diện này đa phần trình chiếu phim “lậu”, khi có đến 53% tổng lượng truy cập được phát hiện.
Hoa Kỳ, quốc gia luôn hăng hái trong việc phát hành các đạo luật bảo vệ bản quyền số, lại là nơi có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất với 27,9 tỉ lượt truy cập. Theo sau là Nga (20,6 tỉ), Ấn Độ (17 tỉ) và Brazil (12,7 tỉ).
Xét ở cấp độ nội dung bị vi phạm bản quyền, theo MUSO, truyền hình là hình thức bị vi phạm bản quyền nhiều nhất (106,9 tỉ lượt truy cập), đứng thứ nhì là âm nhạc (73,9 tỉ) và phim (53,2 tỉ). Năm 2017 cũng là năm vi phạm bản quyền truyền hình trên các thiết bị di động vượt qua máy tính. MUSO dự đoán năm 2018, vi phạm bản quyền phim trên di động sẽ chính thức vượt qua máy tính.
Âm nhạc là lĩnh vực vi phạm bản quyền chiếm tỉ lệ tuyệt đối trên di động so với các thiết bị khác, khi chiếm đến 87% tổng lượt truy cập.
Chưa có thống kê chính thức về mức độ thiệt hại cụ thể trong từng ngành, nhưng theo báo cáo của Sandvine hồi năm 2017, các chương trình truyền hình trả tiền đã mất 42 tỉ USD trong năm 2017 cho riêng thị trường Bắc Mỹ. Các thuê bao đã trả phí 10 USD/tháng cho các chương trình phát “lậu” thay vì 50 USD/tháng cho các chương trình chính thống.
Vì sao blockchain sẽ là lời giải?
Công nghệ Blockchain về cơ bản được xây dựng dựa trên lý thuyết mã hóa (cryptography). Đây là lý do tại sao các đồng tiền trên blockchain được gọi là "tiền mã hóa" (cryptocurrency). Trên thực tế, kỹ thuật mật mã có thể áp dụng rất hiệu quả cho việc bảo mật nội dung.
Trước thực trạng vấn nạn vi phạm bản quyền kéo dài dai dẳng, hy vọng của các nhà phát triển nội dung số đang được đặt vào công nghệ Blockchain. Giải thích về xu hướng này, ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu & Phát triển, công ty Infinity Blockchain Labs (IBL) cho biết hai điểm mấu chốt khiến Blockchain có thể giải quyết triệt để bài toán này là khả năng chứng thực quyền sở hữu và ngăn chặn việc truy cập trái phép.
Thứ nhất, quyền sở hữu (nguồn gốc, xuất xứ, tác giả) của mỗi tác phẩm lưu trữ trên Blockchain được chứng minh và bảo vệ bằng chữ ký điện tử. Chữ ký điện tử là duy nhất và không thể bị giả mạo. Với chữ ký điện tử, chỉ duy nhất tác giả mới chứng thực được quyền sở hữu đối với tác phẩm, mọi hành vi xâm phạm bản quyền đều bất khả thi.
Thứ hai, những hoạt động truy cập trái phép sẽ bị ngăn chặn bằng phương pháp mã hóa riêng biệt của Blockchain. Nhờ vào phương pháp này, tác giả nội dung có thể hạn chế truy cập không hợp lệ, đồng nghĩa với việc chỉ những người dùng được cho phép mới có thể truy cập vào nội dung đó.
Lấy ví dụ cụ thể, một nghệ sĩ có thể bán các tác phẩm số của họ như phim, hình ảnh, bài hát trên nền tảng Blockchain với giá 1 USD/ tác phẩm. Các tác phẩm này sẽ được mã hóa để ngăn chặn sự truy cập trái phép.
“Người sử dụng chỉ có thể truy cập vào một tác phẩm khi và chỉ khi họ trả tiền bản quyền mà người nghệ sĩ quy định, trong ví dụ này là 1 USD, để nhận được “chìa khóa” giải mã và truy cập vào tác phẩm đó”, ông Lê Nhật Quang bổ sung.
Trên thực tế, tháng 10 vừa qua, Sony đã chính thức công bố việc phát triển công nghệ bảo vệ bản quyền kỹ thuật số sử dụng nền tảng Blockchain. Bên cạnh các lĩnh vực quan trọng của Sony như âm nhạc, phim ảnh, nội dung thực tế ảo… công nghệ này cũng được dùng để bảo vệ các nội dung trong lĩnh vực giáo dục của công ty như sách giáo khoa điện tử.
"Ngày nay, những tiến bộ trong công nghệ tạo nội dung số cho phép mọi người đăng tải và chia sẻ nội dung, nhưng việc quản lý quyền của nội dung đó vẫn được các tổ chức công nghiệp hoặc chính người tạo ra thực hiện theo cách thông thường. Cách làm này là không đủ để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi một cách hiệu quả hơn để quản lý và thể hiện quyền sở hữu bản quyền thông tin liên quan đến các tác phẩm bằng văn bản", đại diện Sony nói.
Hệ thống này hiện nay vẫn đang ở giai đoạn phát triển nhưng nếu thành công, Sony cho biết sẽ thương mại hóa nền tảng này để các nhà phát triển nội dung có thể bảo vệ bản quyền hữu ích hơn. Blockchain đang được kỳ vọng sẽ là công nghệ giúp các nhà phát triển nội dung lần đầu tiên lấy lại thế cân bằng trong cuộc chiến chống bản quyền kéo dài hàng thập kỷ qua.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư