Hủy
Công Nghệ

Bộ GD-ĐT: ChatGPT sẽ làm thay đổi chính sách giáo dục

Cẩm Tú Thứ Bảy | 18/02/2023 16:37

Theo các chuyên gia, sử dụng ChatGPT và ứng dụng công nghệ nhân tạo vào đổi mới giáo dục như thế nào cần có lộ trình nhất định. Ảnh: VHU.

Tại tọa đàm do Bộ GD-ĐT tổ chức, các chuyên gia cho rằng ChatGPT sẽ giúp cá nhân hóa việc học nếu có chính sách sử dụng hợp lý.
 

Tại Tọa đàm về ChatGPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức mới đây, TS Nguyễn Thành Nam, người sáng lập FUNiX cho rằng: “ChatGPT không đe dọa mà nó đi đúng bản chất của giáo dục. Đây là sự chứng nhận về mục tiêu cuối cùng của đào tạo là người học phải tự học, trong đó điều quan trọng nhất là tự đưa ra những câu hỏi. Lâu nay, chúng ta thiết kế hệ thống giáo dục phân bổ thời gian không còn chỗ để học sinh đặt câu hỏi. Người học cũng thường sợ hỏi, không dám hỏi. ChatGPT cho phép người học đặt câu hỏi một cách thoải mái mà không phải e ngại”.

 

Chia sẻ cụ thể về ChatGPT, ông Phùng Việt Thắng, Phó tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho hay, ChatGPT khác các sản phẩm trước đây ở tính phổ cập, tiếp cận và học hỏi mang màu sắc ngôn ngữ. Đây là điều vô cùng thuận lợi cho công nghệ được xã hội hóa, phát triển ở trình độ cao hơn. Tuy nhiên, người dùng cần làm chủ công nghệ mới một cách có trách nhiệm, có kiểm soát, đặc biệt là làm chủ những tác động mà nó đem lại trong quá trình dạy và học.

Coi ChatGPT là 1 thành tựu, PGS, TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ quan điểm: “Lần đầu tiên đại chúng được trải nghiệm và thấy được năng lực của trí tuệ nhân tạo không quá xa xôi. Nhưng không nên quá kỳ vọng nó tạo ra thứ thay thế con người trong một sớm một chiều. Đây sẽ là công cụ giúp ngành giáo dục tốt hơn mỗi ngày chứ không đe dọa như mọi người vẫn nghĩ.”.

TS Tạ Hải Tùng cũng nêu dẫn chứng rằng hiện nay, nhiều sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới kỹ năng viết bài luận kém dù có kiến thức. Nếu có thể sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT, các em có thể học hỏi và cải thiện chất lượng bài viết. Như vậy, công nghệ sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục và không đe dọa bất cứ ai. Chúng ta cần thích ứng để từ đó nâng chuẩn giáo dục.

công nghệ sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục và không đe dọa bất cứ ai. Chúng ta cần thích ứng để từ đó nâng chuẩn giáo dục. Ảnh; T.L
Công nghệ sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục và không đe dọa bất cứ ai. Chúng ta cần thích ứng để từ đó nâng chuẩn giáo dục. Ảnh: T.L

Theo các chuyên gia, sử dụng ChatGPT và ứng dụng công nghệ nhân tạo vào đổi mới giáo dục như thế nào cần có lộ trình nhất định. Sự nhất quán trong quản lý cũng rất quan trọng. 

GS, TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Đây là thời điểm mang lại sức ép buộc giảng viên phải thay đổi, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, vận dụng vào giảng dạy một cách tích cực để thay đổi ngay từ cách trao đổi, đặt vấn đề đến giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Chúng ta không thể cấm sinh viên sử dụng ChatGPT một cách máy móc mà phải có những hướng dẫn, đặt điều kiện với sinh viên cho phép sử dụng ở mức độ nào, chính sách của nhà trường tới đâu, đánh giá những việc đó thế nào... Tất cả cấp bậc phải nghiên cứu kỹ để có chính sách phù hợp. Chính sách ấy không phải riêng của từng bậc mà cần chung cho khối giáo dục. Thời điểm này không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Nhận định ChatGPT tác động rất mạnh mẽ đến các ngành nghề và giáo dục là lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng: “Trên cơ sở làm rõ những ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ChatGPT nói riêng đối với toàn bộ lĩnh vực trong ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT sẽ có những định hướng, nghiên cứu, rà soát và những điều chỉnh chính sách kịp thời”.

ChatGPT giống như một gia sư riêng cho từng học sinh. Ảnh: Rugby School
ChatGPT giống như một gia sư riêng cho từng học sinh. Ảnh: Rugby School

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, học liệu trước nay đã có rất nhiều trên không gian mạng nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến những tài liệu đó không phải dưới dạng thô mà là những thông tin, kiến thức đã được chắt lọc, tổng hợp. “Trong lịch sử đã nhiều lần xuất hiện công nghệ mới, người thầy luôn thay đổi để tiếp cận và tận dụng tốt những công cụ này. Khi có công cụ tốt, thay vì mất nhiều thời gian để thực hiện những nhiệm vụ thường ngày, người thầy sẽ tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác dạy và học.

Đặc biệt, AI và ChatGPT đã mang lại sự thông minh hóa hay cá thể hóa quá trình học tập. Công cụ này có thể không đi sâu được như người thầy nhưng cung cấp cho người học nhiều kiến thức toàn diện ở những lĩnh vực khác nhau, giống như một gia sư riêng cho từng học sinh”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới