Hủy
Công Nghệ

Chặng đua cuối của ví điện tử

Phi Vũ Thứ Hai | 17/06/2024 07:00

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023 số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví. Ảnh: Shutterstocks

 
 
Từng sôi động giai đoạn năm 2016, giờ đây ví điện tử đang bước vào giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ.

Đầu tháng 7/2024 Moca, ví điện tử trực thuộc Grab Việt Nam, sẽ ngừng cung cấp dịch vụ để thực hiện hoạt động tái cấu trúc. Theo cuộc khảo sát hồi quý III/2023 của Decision Lab, Moca xếp thứ 6 trên bảng xếp hạng phổ biến ở thị trường Việt Nam với 6% người tham gia khảo sát phản hồi.

Grab rời cuộc chơi 

Ở góc độ của Grab, Công ty đang đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2024 khoảng 250-270 triệu USD, doanh thu đạt 2,7 tỉ USD. Quý I/2024 Công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 115 triệu USD, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này cho thấy phần nào hiệu quả của chiến lược cắt giảm công nghệ và chi phí công nghệ không cần thiết để tập trung vào 2 mảng đem lại doanh thu cốt lõi cho Công ty là giao đồ ăn và chia sẻ xe. Theo Visible Alpha, doanh thu từ mảng kinh doanh giao đồ ăn (chủ chốt) và dịch vụ chia sẻ xe đã tăng trưởng lần lượt 19% và 27% trong quý vừa qua.

Chính vì thế, cắt giảm mảng ví điện tử, lĩnh vực chưa bao giờ đem lại nhuận cho nhiều công ty công nghệ, quyết định của Grab không quá khó hiểu nhất là khi công ty này đang hướng đến mô hình kinh doanh bền vững.

Grab rút lui trong khi các đối thủ, nhất là Top 3 bao gồm MoMo, ZaloPay và Shopee liên tục mở rộng hoạt động mới nhằm đa dạng dịch vụ cung cấp cho người sử dụng không chỉ chuyển tiền, mua sắm mà còn là đầu tư. 

Cuối tháng 5, MoMo hợp tác với Công ty Cổ phần Chứng khoán CV cung cấp dịch vụ mua bán chứng khoán. Theo đó, người dùng có thể mở tài khoản trực tuyến với giá trị tối thiểu 500.000 đồng, mua chứng chỉ quỹ 10.000 đồng và giao dịch chứng khoán từ 1 cổ phiếu thông qua hợp tác này. Trước đó, ZaloPay cũng hợp tác với Công ty Chứng khoán DNSE cung cấp dịch vụ tương tự cho người sử dụng của ví này.

Về phần mình, ShopeePay, còn được biết đến với tên gọi SeaMoney, với lợi thế từ trang thương mại điện tử cùng Tập đoàn đang rất tập trung cho việc phát triển dịch vụ “mua trước trả sau”. Theo báo cáo tài chính, kết thúc quý I/2024 doanh thu SeaMoney đạt 499 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ; thu nhập được điều chỉnh là 149 triệu USD, cao hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Ông Forrest Li, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Sea, cho biết năm 2024 Công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào việc thu hút người sử dụng cho hoạt động kinh doanh tín dụng cả trong và ngoài nền tảng Shopee.

Hạ nhiệt đua “đốt tiền”?

Quay lại giai đoạn 2012-2014, khi các công ty thương mại điện tử và chia sẻ xe đổ bộ vào Việt Nam, ví điện tử được xem là mắt xích quan trọng trong chiến lược giữ chân người dùng. Mặt khác, ví điện tử còn được hướng đến hoạt động cho vay tiêu dùng để gia tăng nguồn thu mới. Chiến lược này được truyền cảm hứng từ Ant Financial, tiền thân của Alipay, công ty liên kết của Tập đoàn Alibaba. Dù bị Chính phủ Trung Quốc buộc ngừng IPO vào năm 2020, nhưng cách làm của Ant Financial được các công ty thương mại điện tử và chia sẻ xe hưởng ứng và tìm cách nhân rộng ở quy mô Đông Nam Á.

 

Nhưng sau 10 năm, trong khi các công ty thương mại điện tử như Shopee, Lazada (đã được Alibaba mua lại) vẫn theo đuổi định hướng này ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì các công ty theo mô hình kinh tế chia sẻ không được như vậy.
Có 2 lý do. Một là mô hình kinh tế chia sẻ sau khi IPO chịu rất nhiều thách thức về tính bền vững nên các công ty buộc phải cắt giảm những mảng không hiệu quả. Thứ 2 là các ví thuộc nhóm trực thuộc các công ty kinh tế chia sẻ không đa dạng dịch vụ như các ví  MoMo, ZaloPay..., chưa kể đến sức ép từ các “ví” của nhóm ngân hàng.
Về việc dùng dữ liệu để chấm điểm tín dụng, những ví này cũng chịu sức ép từ các ví có hậu thuẫn là các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee hay Lazada. Đây có thể là lý do mà cho đến nay Gojek, đối thủ chính của Grab ở Đông Nam Á, cũng không có ví điện tử riêng ở thị trường Việt Nam.

Vậy thị trường ví điện tử Việt Nam có hấp dẫn? Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023 số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví. FiinGroup dự báo đến cuối năm 2024 con số này sẽ đạt 50 triệu ví. Như vậy, còn đến hơn 10 triệu ví sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới.

Có 51 công ty cung cấp ví điện tử nhưng phần lớn thị phần đang nằm trong tay Top 5, xáo trộn thứ tự vẫn diễn ra nếu các ví trực thuộc sàn thương mại điện tử thuộc Top 3 ở Việt Nam. Hoặc nhà đầu tư phải có tài chính dồi dào để đa dạng dịch vụ cung cấp. Lấy ví dụ, ZaloPay ghi nhận lỗ từ năm 2017-2022 là hơn 3.700 tỉ đồng. Muốn có chỗ đứng trên thị trường, các ví điện tử mới chấp nhận đốt ít nhất phải hơn con số này. 

Mặt khác, việc thành lập công ty trung gian thanh toán 100% vốn nước ngoài có thể gặp trở ngại do thủ tục cấp giấy phép kéo dài và thách thức trong việc xây dựng mối liên hệ với các ngân hàng trong nước. Điều này sẽ cản chân những nhà đầu tư mới trong lĩnh vực này.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới