Cuộc chiến A.I của Big 5
Có thể nói ChatGPT là ngọn lửa thổi bùng lên cuộc đua A.I của các công ty công nghệ lớn. Ảnh: Quý Hòa.
Cuối tháng 3, Apple chính thức ra mắt dịch vụ Apple Pay Later ở Mỹ, một dịch vụ mua trước trả sau nhưng ít ai biết nền tảng cho dịch vụ này đến từ Credit Kudo, công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) để đánh giá mức độ tin cậy của người vay được Apple mua lại với giá 150 triệu USD hồi năm ngoái.
Cơn sốt ChatGPT và thương vụ Microsoft chi hàng chục tỉ đầu tư vào nó đã vén bức màn về cuộc đua đầu tư vào A.I của 5 ông lớn công nghệ toàn cầu là Apple, Amazon, Alphabet, Meta và Microsoft. Trong 4 năm qua, 5 công ty này đã đầu tư vào hơn 200 công ty A.I. Tốc độ đầu tư đang tăng dần, theo The Economist, kể từ năm 2022 trung bình mỗi tháng sẽ có 1 công ty A.I được 5 công ty trên đầu tư, cao gấp 3 lần so với năm 2021.
Khi các hành động đầu tư âm thầm của nhóm công ty công nghệ lớn được chú ý nhiều hơn, cũng là lúc họ bắt đầu đẩy mạnh các dịch vụ A.I ra thị trường. Ngoại trừ Apple, các dịch vụ vẫn chủ yếu phục vụ người dùng cuối thì những công ty còn lại đều hướng về phía doanh nghiệp. Điển hình như Alphabet và Meta, cả 2 cung cấp công cụ tạo chiến dịch quảng cáo dựa trên khách hàng mục tiêu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Còn Microsoft cung cấp công nghệ OpenAI (công ty tạo ra ChatGPT) cho khách hàng sử dụng nền tảng đám mây Azure.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng này khi tận dụng sự phát triển của A.I để cải tiến quy trình hoạt động, thậm chí là tạo ra sản phẩm mới. Một ví dụ là nền tảng tuyển dụng nhân sự JobHopin. Ông Kevin Tùng Nguyễn, sáng lập JobHopin, cho biết vừa ra mắt tính năng ikiHop được xây dựng trên nền tảng OpenAI do Azure cung cấp. Tính năng này giúp doanh nghiệp có thể quan sát năng lực nhân viên, nhu cầu học tập của họ cũng như cung cấp các khóa học tương đồng với năng lực từng nhân viên.
Theo khảo sát nội bộ của JobHopin, trung bình với các doanh nghiệp có quy mô 500 nhân sự sẽ chi khoảng 5% tổng chi phí lương mỗi năm cho công tác huấn luyện. ikiHop đang hướng tới giúp doanh nghiệp tiết kiệm 95% chi phí đó. “Nhiều đối tác của chúng tôi, nhất là những doanh nghiệp ở các quốc gia có chi phí đào tạo nhân sự cao như Singapore quan tâm đến dịch vụ này”, ông Tùng nói. Tại công ty game di động Topebox, việc ứng dụng A.I vào công việc cũng được triển khai từ đầu năm nay. Khâu lên ý tưởng thiết kế nhân vật, trước đây phải mấy đến vài tháng thì nay chỉ mất vài ngày là có thể hoàn thành. Quan trọng hơn, có những chức năng nếu không có A.I hỗ trợ thì không thể làm được với nguồn nhân lực hiện tại. Ví dụ, Topebox đang phát triển các dòng game cần độ tương tác giữa người chơi và các nhân vật do máy tạo ra nhiều hơn, lời thoại cần phù hợp với văn hóa địa phương (chủ yếu tiếng Anh) và A.I làm rất tốt công đoạn này.
“Chúng tôi thiết kế mất vài ngày, nếu không có A.I, chúng tôi chắc sẽ không làm tính năng nói trên vì không thể hiểu được văn hóa địa phương, còn nếu thuê người có khả năng làm được thì lại quá tốn kém”, ông Thái Thanh Liêm, sáng lập Topebox, nói.
Ông Hồ Đông Thụ, Giám đốc Điều hành Think Digital, cũng cho biết Công ty dựa trên ứng dụng của ChatGPT để “dạy” hệ thống dựa trên các khuôn mẫu (model) về một bài viết quảng cáo sản phẩm cũng như bài viết đăng trên các trang mạng xã hội. Sau đó, nhân viên công ty chỉ cần nhập yêu cầu nội dung, mô tả sản phẩm, dịch vụ thì A.I sẽ tự động viết theo các khuôn mẫu đã được dạy. Việc này giúp rút ngắn thời gian viết bài và chỉ cần chỉnh sửa một chút là có thể sử dụng được nội dung do máy tạo ra.
Cũng theo ông Thụ, Công ty còn đào tạo A.I dựa trên thuật toán Finetune để học các báo cáo tổng hợp, số liệu thị trường và tiếp thị nhằm trích xuất các thông tin hỗ trợ kinh doanh. Ví dụ, khi hỏi về thị trường các quảng cáo trên tivi kết nối internet, hệ thống có thể cho biết các ứng dụng xem phim phổ biến nhất Việt Nam, thậm chí có thể trả lời giá CPM (giá trên 1.000 lượt hiển thị) trên các tivi kết nối internet là bao nhiêu.
Tuy nhiên, việc ứng dụng A.I trong doanh nghiệp đang để lại một câu hỏi lớn là ai sẽ chịu trách nhiệm khi triển khai công việc dựa trên dữ liệu/gợi ý từ chúng. Ông Thụ cho rằng đối với các bước liên quan đến sáng tạo, dựa trên thông tin thị trường thì A.I sẽ giúp tiết kiệm thời gian. “Nhưng kể từ các công đoạn sau đó cần có con người tham gia”, ông Thụ nói.
Có thể nói ChatGPT là ngọn lửa thổi bùng lên cuộc đua A.I của các công ty công nghệ lớn. Mặc dù vậy, đầu tư A.I cơ bản vẫn là một canh bạc lớn với họ. Để giảm thiểu rủi ro, các sản phẩm tạo ra từ A.I cần được ứng dụng vào thực tế, cụ thể là hoạt động doanh nghiệp. Bằng nhiều cách các ông lớn trong ngành công nghệ đang thu hút những doanh nghiệp nhỏ hơn sử dụng nền tảng A.I của mình, vì càng nhiều người sử dụng, nền tảng đó sẽ có khả năng sống sót cao hơn.
Trong bối cảnh đó, các ứng dụng A.I trong kinh doanh, vốn là đặc quyền chỉ dành cho các công ty công nghệ mạnh và giàu tiềm lực tài chính, giờ đây đang được trợ giá để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trọng Hoàng
-
Trực Thanh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Công Sang