Hủy
Công Nghệ

Cưỡi trên sóng A.I

Trực Thanh Chủ Nhật | 11/02/2024 16:57

Ra mắt robot Make in Vietnam.

Siêu trí tuệ kỹ thuật số kết hợp với robot là cơ hội để con người tạo ra cuộc cách mạng về lao động và sản xuất.
 

A.I” vừa được từ điển nổi tiếng Collins Dictionary bình chọn là “từ của năm 2023”. Đây được xem là sự ghi nhận xứng đáng cho cơn sốt A.I trong năm qua. 

Đánh đổi giữa tăng năng suất và mất việc làm 

Trào lưu trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence - A.I) bắt đầu từ cuối năm 2022 khi công cụ A.I tạo sinh hình ảnh Midjourney và chatbot đa dụng ChatGPT được ra mắt. Dường như một kỷ nguyên mới được mở ra với A.I khi hàng loạt hãng công nghệ lớn như Microsoft, Intel, IBM... nhanh chóng tìm cách đưa A.I vào chiến lược phát triển quan trọng của họ.

A.I từng bước len lỏi vào nhiều lĩnh vực, từ sáng tạo văn bản với ứng dụng Jasper, chỉnh sửa hiệu ứng hình ảnh (VFX) Runway, đến Viz. A.I nghiên cứu hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đột quỵ hoặc những tình trạng y tế khẩn cấp khác để đưa ra dự đoán tiên lượng... 

Rõ ràng A.I đang tác động làm thay đổi đời sống từ mỗi cá nhân cho đến mỗi quốc gia có thể tận dụng A.I để phát triển. Tiến trình này nếu diễn ra sẽ rất nhanh khi Việt Nam hiện là 1 trong 60 nước trên thế giới đã đưa ra chiến lược quốc gia về phát triển A.I. Năm 2021 Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng A.I đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai, Việt Nam đạt được thành tựu đáng khích lệ, trong đó ghi nhận năm 2022 Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới về chỉ số sẵn sàng về A.I, tăng 7 bậc so với năm 2021.

Tuy nhiên, nhiều cảnh báo A.I cũng như làn sóng robot tự động hóa sẽ “hất cẳng” con người trong nhiều vị trí lao động. Thậm chí, trước sự phát triển mạnh mẽ của A.I, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 1/4 việc làm trên toàn thế giới có nguy cơ cao bị thay thế bởi việc tự động hóa nhờ A.I. Tương tự nhiều thay đổi công nghệ quy mô lớn khác trong lịch sử, A.I có thể dẫn tới sự đánh đổi giữa tăng năng suất và mất việc làm. Nhưng điểm khác biệt lớn là trong khi những bước đột phá trước đây vốn chủ yếu loại bỏ các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp, thì A.I có thể tạo ra rủi ro cho các công việc văn phòng và có thể thay thế công việc trong nhiều ngành nhanh hơn bao giờ hết.

Thực tế này được chuyên gia của FPT cảnh báo. Trước đây, một kỹ sư IT ra trường chỉ cần thành thạo 2 ngôn ngữ là tiếng Anh (tiếng Nhật) và ngôn ngữ lập trình thì hoàn toàn có thể sống tốt với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng. Nhưng đến nay điều này không còn đúng nữa. Nếu chỉ giỏi ngoại ngữ và 1 ngôn ngữ lập trình, các kỹ sư IT, lập trình viên vẫn sẽ mất việc. Bởi vì, các dòng lệnh viết bằng Java, C++... bây giờ có thể lên ChatGPT lấy về.

Trong khi đó, màn trình diễn của PhởGPT tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo AI Day 2023 mới đây cũng khẳng định ưu thế này của A.I khi có khả năng làm thơ và vẽ tranh rất ấn tượng về tốc độ cũng như khả năng xử lý hơn hẳn con người. Theo Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, CEO của VinAI, PhởGPT là một mô hình mã nguồn mở 7,5 tỉ tham số, có khả năng hiểu văn hóa, văn phong tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt mượt mà.

Con người thời đại “tự nâng cấp”

Dù A.I có thay thế con người hay không thì có một sự thật không thay đổi là người lao động cần phải không ngừng học tập để cập nhật, nâng cao trình độ trong thời đại mới. Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ (CTO) của Tập đoàn FPT, nhận định khi A.I ra đời để làm thay con người trong nhiều công việc, thì bản thân con người cũng cần tự nâng cấp để phối hợp với A.I và phù hợp với hoàn cảnh mới.

Chẳng hạn, chuyên gia Cao Xuân Hoài Vương, Chủ tịch Công ty Cổ phần AI Next Global, minh họa bằng một số ứng dụng A.I đang được dùng làm trợ lý ảo trong công việc của chuyên viên bán hàng, chuyên viên viết nội dung, chuyên viên marketing, chuyên viên nghiên cứu SEO, chuyên viên chăm sóc khách hàng... “Một chuyên viên viết quảng cáo thông thường có thể viết 3 bài đăng Facebook, blog mỗi ngày, nhưng với trợ lý ảo, họ có thể viết đến 15 bài. Hiệu suất tăng lên 300-400%”, ông Vương cho biết.

Theo đó, A.I trở thành yếu tố thúc đẩy sự đổi mới và vai trò của A.I được thể hiện rõ qua 3 nội dung: làm giàu hành trình trải nghiệm của mỗi cá nhân, hỗ trợ các hoạt động vật lý cho con người và giúp doanh nghiệp làm chủ môi trường kinh doanh. Khi đa phần công việc được tự động hóa thì người lao động sẽ có nhiều thời gian hơn để học tập, phát triển và làm công việc quan trọng nhất đối với họ.

Ở góc độ này, A.I cùng hành trình đổi mới công nghệ và năng suất ưu việt là 2 yếu tố cốt yếu thể hiện sự tiến bộ của nền kinh tế Việt Nam. Khi các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, quốc gia từ đó nâng cao được tính cạnh tranh và trở nên thịnh vượng hơn. Điều tích cực là theo ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc khối phần mềm của IBM Việt Nam, Việt Nam dẫn đầu trong mối quan tâm đến A.I tạo sinh với 91% thể hiện sự nhiệt tình, cao nhất trong số các thị trường được khảo sát. 

Ở góc độ này, A.I cùng hành trình đổi mới công nghệ và năng suất ưu việt là 2 yếu tố cốt yếu thể hiện sự tiến bộ của nền kinh tế Việt Nam.
Ở góc độ này, A.I cùng hành trình đổi mới công nghệ và năng suất ưu việt là 2 yếu tố cốt yếu thể hiện sự tiến bộ của nền kinh tế Việt Nam.

Siêu trí tuệ kỹ thuật số kết hợp với robot đang tạo sự thay đổi gốc rễ về phân công lao động, việc làm trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, giáo dục cũng phải chuyển mình mạnh mẽ để giúp con người có thể cạnh tranh với những cỗ máy tưởng như đến từ tương lai. Đào tạo, giáo dục con người cần phải có sự thay đổi lớn để thích ứng với thời đại mới, ở đó khả năng tự học hay học tập suốt đời được nhấn mạnh. Các trường đại học trên thế giới đang chuyển dần sang mô hình giáo dục chủ động, linh hoạt và hiện đại hơn. Các chuyên ngành đào tạo mới được ra đời, kết hợp với thực hành để giúp học viên cải thiện những kỹ năng cần thiết.

Cũng như tác giả Byron Reese trong cuốn Thời Đại Thứ Tư cho rằng: “Chúng ta sẽ sử dụng máy tính và người máy để suy nghĩ và hành động thay cho chúng ta ngày càng nhiều, đây là một thay đổi quan trọng, đánh dấu buổi bình minh của Thời đại thứ tư”. 
Rõ ràng, với các thế hệ tương lai, có 2 lựa chọn, trở thành người sớm lên chuyến tàu công nghệ vĩ đại nhất lịch sử loài người, hoặc sớm gia nhập “tầng lớp vô dụng” (useless class) theo cách gọi và dự báo của Yuval Harari, nhà sử học, tác giả các cuốn sách Homo Deus: Lược Sử Tương Lai và 21 Bài Học Cho Thế Kỷ XXI.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới