Hủy
Công Nghệ

Số hóa y tế từ bệnh án

Hằng Thanh Thứ Ba | 22/04/2025 08:57

Bệnh án điện tử là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia. Ảnh: shutterstock.com.

 
 
Bệnh án điện tử là điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Cuối tháng 3/2025, Hà Thanh đi khám ở một bệnh viện tư nhân tại Thủ Đức bằng bảo hiểm y tế, vẫn được yêu cầu mua sổ khám bệnh. Cuốn sổ sau đó được dùng để đính bảng thông tin khám bệnh được in ra từ máy tính và đơn thuốc, sao chép từ đơn thuốc ghi tay trên sổ khám bệnh của bác sĩ. Cô được yêu cầu thanh toán khoản tiền chênh lệch với bảo hiểm y tế bằng tiền mặt.

Viễn cảnh trên được kỳ vọng sẽ chấm dứt sau 30/9/2025, là thời hạn bắt buộc triển khai bệnh án điện tử (EHR) trên toàn bộ hệ thống gần 1.800 bệnh viện trên toàn quốc. Trước khoảng cách rất xa của mức độ số hóa giữa các bệnh viện, liệu mục tiêu số hóa toàn hệ thống y tế trước thời điểm này sẽ thành công?

EHR là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia. Theo Thông tư 46, Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2023 các bệnh viện hạng 1 trở lên phải triển khai EHR; từ năm 2024-2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ EHR, nhưng quá trình triển khai rất chậm.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết: “20 năm trước, toa thuốc do bác sĩ viết rất khó đọc”. Không thiếu những giai thoại hài về việc đơn thuốc của bác sĩ chỉ có y, dược sĩ đọc được. Bệnh viện Nhi đồng 1 là 1 trong 141 bệnh viện đã thay thế bệnh án giấy bằng EHR.

EHR là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Sau khi đi khám, dữ liệu sẽ được đẩy vào ứng dụng VNeID của người dân, họ sẽ có được thông tin và có thể mở ra cho bác sĩ xem khi khám bệnh tại những cơ sở y tế khác nhau. “Hiện nay, bệnh viện tư nhân chưa liên thông trong hệ thống đang triển khai. Nhưng Chính phủ yêu cầu đến thời hạn 30/9/2025, các bệnh viện tư cũng sẽ liên thông dữ liệu để đảm bảo quyền của người bệnh, dù khám công hay tư đều được lưu trữ dữ liệu đầy đủ”, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia thuộc Bộ Y tế, bình luận với NCĐT.

Việc triển khai EHR sẽ giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang theo các loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, giúp bác sĩ có thể truy cập hồ sơ EHR bất kỳ nơi nào chỉ cần có mạng internet. EHR được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

“Tôi rất lạc quan về kế hoạch số hóa ngành y tế, vì khả thi cả về kỹ thuật lẫn định hướng”, ông Nguyễn Trường Nam nói. Ông cho biết Trung tâm có phương án hỗ trợ để giúp các bệnh viện đạt được mục tiêu. “Có thể chia ra các mức thang quy định mức độ hoàn thành số hóa, không cần đến mức thay thế hoàn toàn bệnh án giấy nhưng ít nhất các yêu cầu liên thông của EHR phải hoàn thiện vào 30/9/2025. Các tính năng chuyên sâu khác có thể sẽ bổ sung sau”, ông Nam nói thêm.

Đến nay, trong tổng số gần 1.500 bệnh viện công trên toàn quốc, đã có 141 bệnh viện thay thế bệnh án giấy bằng EHR. Ngoài ra, hơn 100 bệnh viện khác đang triển khai EHR. Tuy chưa đến mức thay thế bệnh án giấy nhưng đã số hóa cơ bản các quy trình nghiệp vụ.

Đại diện một bệnh viện quốc tế cho biết bệnh nhân được cấp một mã số và mật khẩu để tra cứu bệnh án của mình. Chỉ với một thiết bị điện tử như điện thoại di động, họ có thể cho bác sĩ tại bất cứ nơi nào xem bệnh án của mình.

Trao đổi với NCĐT, đại diện Hệ thống bệnh viện TNH cho biết họ đang trong quá trình chuẩn bị, hoàn thiện các bước và sẽ thực hiện kết nối EHR theo đúng quy định. “Về cơ bản TNH đã chủ động trong việc lập kế hoạch và triển khai EHR. Do vậy, hiện tại TNH không gặp khó khăn khi kết nối dữ liệu”, đại diện TNH cho biết.

Thực tế triển khai EHR ở một số bệnh viện cho thấy vấn đề không hoàn toàn dễ dàng. Công ty phát triển phần mềm Tech Magic cho biết chi phí triển khai hệ thống EHR thay đổi tùy theo quy mô và nhu cầu của tổ chức, có thể dao động từ 35.000 USD cho các phòng khám nhỏ đến 370.000 USD cho các bệnh viện lớn.

Thời gian triển khai EHR phụ thuộc vào độ phức tạp của hệ thống. Các giải pháp EHR có sẵn có thể được triển khai trong vài tuần, trong khi các hệ thống EHR tùy chỉnh có thể cần vài tháng đến hơn 1 năm. Để tháo gỡ khó khăn, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, đề xuất các cơ sở y tế dành ít nhất 2% tổng ngân sách hoạt động cho việc số hóa. “Nhà nước quy định dành 2% ngân sách cho số hóa. Tôi nghĩ ngành y tế, cũng như mỗi cơ sở nên trích một tỉ lệ tương tự để có chi phí đầu tư”, ông Tường nói.

Chế tài chưa đủ mạnh là một rào cản khác. Ông Nam cho biết trước đây trách nhiệm giao cho Bộ Y tế nên việc thực thi gặp khó khăn. Giờ đây, nhờ có chỉ đạo của Chính phủ sẽ giúp các cơ quan khác liên quan đến kế hoạch chung tay. Giữa tháng 3/2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1366 về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Quý Tường còn đề nghị “có cơ chế phạt đối với những trường hợp không hoàn thành để tăng động lực”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới