Thương vụ M&A thứ 3 của Tín Tốc
Dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đến hầu hết doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi nhiều doanh nghiệp buộc phải co cụm hoặc thậm chí đóng cửa thì việc Tín Tốc mua lại công ty thứ 3 là SGDS (được biết đến với thương hiệu Tốc Hành) khiến nhiều người quan tâm.
“Công ty cũng nhận thấy dấu hiệu giảm về doanh thu vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, hàng hóa và nguyên vật liệu từ Trung Quốc đã bắt đầu thông quan. Việc hạn chế đi lại cũng khiến nhu cầu mua sắm online tăng mạnh. Đồng thời, chúng tôi tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch của Chính phủ Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, đồng sáng lập Tín Tốc, giải thích về quyết định mua lại Tốc Hành trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay.
Trước đó, Tín Tốc cũng sáp nhập 2 công ty trong ngành là ANZShip (năm 2017) và DingDong Delivery (năm 2019). Sau khi sáp nhập cả 3 công ty, bình quân mỗi ngày Tín Tốc vận hành khoảng 9.000 đơn hàng với hơn 120 nhân sự. Từ một công ty không tên tuổi trong lĩnh vực Same-Day Delivery (giao hàng trong ngày), sau 5 năm, Tín Tốc đang trở thành cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực logistics thương mại điện tử.
Tín Tốc là dịch vụ tiêu biểu cho hoạt động giao hàng dặm cuối trong ngày (Last Mile Delivery). Với mô hình Same-Day Delivery, hàng hóa từ người bán sẽ được đem về kho tập trung, chia chọn rồi giao đến người mua. Nhóm này phục vụ giao hàng toàn quốc hoặc một số tỉnh thành, chi phí thấp nhưng thời gian giao hàng có độ trễ, thông thường từ 1-7 ngày tùy vị trí.
Những đơn vị góp mặt trong lĩnh vực này có thể kể đến ViettelPost, VNPost, Giao Hàng Nhanh... Tín Tốc cạnh tranh được nhờ khả năng tối ưu quy trình luân chuyển, chia chọn, hệ thống kho bãi và kiểm soát hoàn toàn bằng công nghệ giúp họ đảm bảo được cam kết về toàn trình đơn hàng đến hơn 90% và có chi phí thấp hơn 20% so với các đơn vị khác.
Bà Nhung cho biết, sau khi sáp nhập, Tín Tốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ở Bình Dương và Đồng Nai. Hai khu vực này hiện xếp thứ 5 và 7 trên bảng xếp hạng hoạt động thương mại điện tử Việt Nam của VECOM.
Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C) của Việt Nam sẽ cán mốc 10 tỉ USD trong năm nay. Quy mô lĩnh vực giao hàng thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 10%, tương đương 800 triệu USD đến 1 tỉ USD. Theo IDEA, các công ty giao nhận ghi nhận tăng trưởng doanh thu 30-40% từ mức tăng trưởng của quy mô thị trường là 20%. Có thể thấy, dư địa tăng trưởng cho các công ty như Tín Tốc không hề nhỏ.
Theo bà Nhung, nhân sự ban đầu của Công ty chỉ 10 người, trong đó hết 7 là nhân viên giao nhận. Những đơn hàng đầu tiên có được đến từ việc tập trung quảng bá trên mạng xã hội Instagram và dưới hình thức truyền miệng từ bạn bè hoặc các cộng tác viên lâu năm. Bước đi lên của Tín Tốc từ mô hình hoạt động “3 không”: Không vốn đầu tư lớn ban đầu vào hệ thống công nghệ, kho bãi; không sử dụng ngân sách lớn để thu hút người dùng và không thể trông chờ vào các nhà đầu tư.
So với các mô hình khác, vận hành Same-Day Delivery tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cầm tiền của khách hàng (có đến hơn 80% mua hàng dưới hình thức tiền mặt). Thực tế từng có doanh nghiệp trong lĩnh vực này phá sản vì không quản trị tốt khâu tài chính, không kiểm soát được tiền bán hàng thu hộ khách hàng và sai sót trong khâu quản lý hàng hóa.
Bà Nhung đúc kết, có 2 điểm làm suy yếu các công ty Same-Day Delivery ở Việt Nam từ bên trong là năng lực kiểm soát mất mát và quản trị tài chính. Tại nhiều công ty, đơn hàng bị mất cả tháng mới phát hiện ra dẫn đến rắc rối về công tác đối chiếu, thu hồi và ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp. Quy mô càng mở rộng, thiệt hại càng lớn.Vì vậy, ngoài việc sử dụng hoàn toàn công nghệ trong vận hành, Tín Tốc là đơn vị đầu tiên áp dụng quy trình kiểm soát hàng tồn kho mỗi 4 giờ chiều hằng ngày.
Điều này giúp Công ty kiểm soát và xử lý những mất mát hay sai sót ngay trong ngày. Quy trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ cũng là điểm mạnh trong năng lực quản trị của Tín Tốc. Thời điểm ra mắt, tỉ lệ giao hàng thành công của Tín Tốc là 92%, nay lên đến 97,35% và con số này đang được tối ưu từng ngày.
Sự phát triển của thương mại điện tử đã thúc đẩy nhu cầu giao nhận hàng hóa, không chỉ gia tăng về số lượng mà còn về chất lượng. Tuy nhiên, dịch vụ logistics trong nước hiện vẫn tụt hậu, chưa bắt kịp tốc độ phát triển của thương mại điện tử. Mặc dù vậy, thị trường logistics cho thương mại điện tử đang trở thành “đại dương đỏ” tại Việt Nam với sự cạnh tranh quyết liệt của các công ty trong và ngoài nước.
Bên cạnh xu hướng đẩy nhanh tốc độ giao hàng thì một nhu cầu khác là đáp ứng mọi dịch vụ tại một điểm bán. Vì vậy, một chiến lược quan trọng sắp tới là Tín Tốc hợp tác với các đơn vị cung cấp phần mềm phục vụ kinh doanh trực tuyến để cung cấp giải pháp One-Stop-Service cho khách hàng. Với dịch vụ này, khách hàng có thể sử dụng các giải pháp hỗ trợ việc kinh doanh trực tuyến (quản lý đơn hàng, quản lý tồn kho, nhập hàng từ nước ngoài...) từ các đối tác liên kết với Tín Tốc và quản lý trên một nền tảng duy nhất. “Xu hướng chung trong lĩnh vực này là các công ty cung cấp dịch vụ hướng đến sự tiện lợi và xuyên suốt cho khách hàng để giữ chân họ. Tín Tốc cũng không ngoại lệ”, bà Nhung cho biết.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trọng Hoàng
-
Trực Thanh
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ