Hủy
Công Nghệ

Việt Nam trên vạch xuất phát pin xe điện

Sơn Nguyễn Thứ Năm | 25/03/2021 09:00

 
 
Việt Nam cũng tham gia cuộc đua thống lĩnh thị trường pin dành cho xe điện.

Hãng xe VinFast và ProLogium thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn cho xe ô tô điện tại Việt Nam. Liên doanh được tiếp cận các bằng sáng chế và được phép sử dụng công nghệ đóng gói MAB của ProLogium để sản xuất gói pin thể rắn tại Việt Nam. Đây là một bước đi chiến lược giúp VinFast tự chủ công nghệ pin xe điện, gia cố thêm nền móng cạnh tranh với các đối thủ khác. 

Được thành lập vào năm 2006, ProLogium là nhà sản xuất pin trạng thái rắn đầu tiên và duy nhất trên thế giới đã đạt được sản xuất hàng loạt và đã bán nhiều sản phẩm khác nhau cho khách hàng toàn cầu trong các ngành như điện tử 3C, công nghiệp, y tế và IoT (internet vạn vật). Hiện tại, nhiều công ty hàng đầu thế giới đã ký kết thỏa thuận hợp tác và bắt đầu thử nghiệm, thiết kế và đặt hàng sản phẩm với ProLogium, bao gồm các ngành như ô tô, lưu trữ năng lượng, đóng tàu, hàng không và vũ trụ, vận tải đường sắt.

Được mô tả là “chất bán dẫn thứ hai” và “động cơ tăng trưởng thế hệ tiếp theo”, ngành công nghiệp pin dự kiến được hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp xe điện. Theo Công ty Nghiên cứu MarketsandMarkets, thị trường pin xe điện toàn cầu sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 25,3% từ 27,3 tỉ USD năm 2021 lên 67,2 tỉ USD vào năm 2025. 

 

Đó là do chính sách nghiêm ngặt hơn của chính phủ nhiều nước trong việc kiểm soát khí thải gây ra bởi phương tiện giao thông, ngành công nghiệp ô tô đang tập trung vào cải tiến hiệu quả của động cơ, hướng tới giảm thiểu khí thải. Xu thế nhiều dòng xe điện xuất hiện ngày càng nhiều và cơ sở hạ tầng sạc điện (mạng lưới, công nghệ sạc và dung lượng) được cải thiện dự kiến còn thúc đẩy thị trường pin xe điện tăng trưởng lạc quan trong những năm tới. 

Hầu hết các hãng xe lớn như General Motors, Volkswagen, Toyota và Ford... đều đã đưa ra lời hứa hẹn táo bạo về việc chuyển tiếp sang tương lai xe điện và coi đây là công nghệ sống còn của ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Theo loại vật liệu, phân khúc pin lithium dự kiến sẽ chiếm thị phần lớn nhất trong giai đoạn 2021-2025 do đã trải qua một chặng đường phát triển khá dài. Cuộc đua thống lĩnh thị trường pin đang rất khốc liệt, quy tụ nhiều tên tuổi hàng đầu của làng công nghệ thế giới tham gia. 

Những doanh nghiệp dẫn đầu hiện nay là Tập đoàn CATL (Trung Quốc), Panasonic (Nhật), LG Chem (Hàn Quốc), BYD (Trung Quốc) và Samsung SDI (Hàn Quốc). Hãng xe Tesla cũng ấp ủ kế hoạch phát triển riêng một dòng pin có năng lực giúp xe chạy hơn 647 km cho mỗi lần sạc. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương mang đến cơ hội tăng trưởng đáng kể cho pin xe điện vì được dự đoán là thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất. Khu vực này không chỉ là nơi có những công ty hàng đầu như Panasonic, LG Chem, Samsung, CATL mà còn có các hãng lắp ráp ô tô (OEM) đang thống trị thị trường xe điện toàn cầu. 

Theo Bain & Company (Mỹ), tại Đông Nam Á, tính đến năm 2030, Đông Nam Á sẽ đầu tư tới 6 tỉ USD vào xe điện và cần thêm 500 triệu USD vào hạ tầng sạc. Vì vậy, bất chấp COVID-19, đầu tư nước ngoài vào xe điện vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh tại Indonesia và Thái Lan. Chẳng hạn, Thái Lan hiện đặt mục tiêu sản lượng xe điện đạt mức 30%, tương đương 750.000 xe, vào năm 2030.

Nhưng tham vọng sở hữu được các công nghệ chế tạo pin có hiệu suất cao không dễ, nhất là phải đảm bảo an toàn cháy nổ. Theo MarketsandMarkets, pin xe điện hầu hết bao gồm các vật liệu dễ cháy như lithium, mangan và nhựa. Thậm chí, lithium cũng có phản ứng cao khi tiếp xúc với nước, gây lo ngại về hiệu suất và độ an toàn trong môi trường nóng hoặc ngập nước. Theo Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy Quốc gia (NFPA) của Mỹ, hầu hết các vụ cháy xe điện ở nước này từ năm 2013-2017 đều do hệ thống năng lượng pin. Hiệp hội này tuyên bố rằng các nguyên nhân chính dẫn đến cháy pin xe điện là do nhiệt độ lúc vận hành cao, mưa nhiều và sạc quá mức.

 

Giá thành khá cao hiện nay cũng là trở ngại lớn cho thị trường cung cấp pin xe điện. Theo các chuyên gia trong ngành, để có thể sản xuất xe điện có mức giá tương đương xe sử dụng động cơ đốt trong, giá pin xe điện phải được đưa về ngưỡng 100 USD/kWh. Hiện giá pin vào khoảng 147 USD/kWh, vẫn còn khá cao dù đã giảm khá nhiều từ mức 1.000 USD/kWh năm 2010 và 381 USD/kWh năm 2015.

VinFast đặt kỳ vọng rất lớn vào công nghệ pin mới này, xem đây là "vé thông hành" để bước vào thị trường xe toàn cầu. Bên cạnh hợp tác với đối tác chiến lược để sở hữu công nghệ pin cốt lõi, Công ty đồng thời công bố đề án triển khai lắp đặt hệ thống trạm sạc trên toàn quốc, với mục tiêu hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy và ô tô điện vào cuối năm nay.

Hiện VinFast đang đề nghị các đối tác là những cá nhân, doanh nghiệp có mặt bằng phù hợp để hợp tác phát triển các trạm sạc pin. Ngoài thị trường trong nước, VinFast còn ấp ủ kế hoạch tấn công thị trường khó tính Mỹ thông qua động thái thành lập văn phòng nghiên cứu tại San Francisco để chuẩn bị cho việc bán ô tô tại California vào năm 2022. Hãng cũng lên kế hoạch bán ô tô tại Canada và châu Âu vào năm tới. Trước đó, Công ty đã công bố 3 dòng ô tô điện đầu tiên có khả năng tự hành cấp độ 2 và 3 là VF31, VF32 và VF33.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới