Hủy
Công Nghệ

Xe Trung Quốc thử lại vận may

Trực Thanh Thứ Tư | 26/07/2023 07:30

Các động thái trên tiếp tục cho thấy các hãng xe Trung Quốc đang rốt ráo mở rộng đường vào thị trường Việt Nam. Ảnh: TL

Từng thất bại nhưng các hãng xe Trung Quốc tiếp tục quay trở lại với mục tiêu chinh phục thị trường Việt Nam.
 

Great Wall Motor, thương hiệu xe hơi hàng đầu của Trung Quốc, cho biết sẽ gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 8 với mẫu xe hybrid Haval H6, đồng thời lên kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp xe sử dụng năng lượng mới tại đây vào năm 2025. Mới đây, fanpage BYD Auto Vietnam đăng hình ảnh mẫu Atto 3 kèm dòng trạng thái “We are coming”, trùng với thời điểm thông tin BYD có kế hoạch sản xuất ô tô điện ở Việt Nam.

Tránh vết xe đổ 

Các động thái trên tiếp tục cho thấy các hãng xe Trung Quốc đang rốt ráo mở rộng đường vào thị trường Việt Nam. Thực tế, Việt Nam là thị trường ô tô xét về doanh số lớn thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia (theo dữ liệu từ Liên đoàn Ô tô ASEAN). Việt Nam là thị trường rất tiềm năng bởi nhu cầu mua ô tô rất lớn, trong khi ngành ô tô nội địa chưa phát triển mạnh. Trung bình hằng năm, thị trường tiêu thụ khoảng 400.000 xe/năm. Năm 2022 ghi nhận doanh số kỷ lục với hơn 500.000 xe đến tay khách hàng.

Dù tiềm năng nhưng thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn cạnh tranh quyết liệt với ưu thế lớn đến từ các hãng xe Nhật và Hàn Quốc. Từ năm 2010 đến nay, các hãng xe đến từ Nhật, Hàn Quốc luôn chiếm đa số thị phần trên tất cả các phân khúc xe. Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), năm 2022 Toyota tiếp tục giữ vị trí quán quân với 22% thị phần, Hyundai (17%), Kia (15%), Mitsubishi (10%), Mazda (9%), Honda (7%), Ford (7%), 13% còn lại bao gồm tất cả các thương hiệu khác, trong đó chỉ có một phần nhỏ là xe thương hiệu Trung Quốc.

 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng không đánh giá cao chất lượng của các hãng xe Trung Quốc và đây là yếu điểm khiến nhiều hãng xe đại lục buộc phải sớm rời khỏi cuộc chơi. Chery, chẳng hạn, từng xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm trước nhưng sau đó đã phải sớm chia tay do chất lượng và mẫu mã các dòng xe của hãng này không được người tiêu dùng đón nhận. Hãng xe Haima cũng có chung kịch bản dù sản phẩm rất đa dạng từ sedan đến SUV nhưng do giá bán chưa hấp dẫn nên khó cạnh tranh với xe Nhật và Hàn Quốc.

Tái định vị 

Trong chiến lược thúc đẩy xuất khẩu, các hãng xe Trung Quốc chắc chắn sẽ phải khắc phục được những bài học này để tránh vết xe đổ của 10 năm trước. Thị trường ghi nhận vài năm trở lại đây có nhiều dòng xe của Zotye, BAIC hay Beijing đã tạo sức hút nhờ thiết kế bắt mắt, trang bị hấp dẫn và giá bán lại rẻ hơn nhiều từ 30-50% so với các đối thủ cùng phân khúc đến từ Nhật hay Hàn Quốc.

 

Nhờ chiến lược phát triển tốt, ô tô Trung Quốc đang khẳng định vị trí tại nhiều thị trường toàn cầu. Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Hàn Quốc (KAMA) cho thấy Trung Quốc đã xuất khẩu 994.000 xe trong quý I, bao gồm 826.000 xe du lịch và 168.000 xe thương mại. Qua đó, Trung Quốc đã giành lấy ngôi vương từ tay các hãng xe Nhật.

Theo báo cáo “Bước nhảy vọt từ ra nước ngoài sang toàn cầu hóa: Đường cong tăng trưởng thứ 2 cho các OEM Trung Quốc” của Deloitte chỉ ra công thức thành công của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Đó là các nhà sản xuất ô tô nước này đã thực hiện quá trình chuyển đổi suốt thập kỷ qua từ cách tiếp cận tập trung vào “xuất khẩu sản phẩm” sang “toàn cầu hóa chuỗi giá trị”. Tức là các công ty đang khám phá thị trường nước ngoài thông qua chuỗi giá trị đầy đủ, bao gồm R&D, sản xuất, hậu cần và vận tải hay tài chính ô tô. Các sản phẩm chiến lược khác nhau được phát triển và điều chỉnh để phù hợp với các thị trường khác nhau.

 

Tín hiệu tích cực này khiến Chery là thương hiệu rục rịch sớm nhất quay lại thị trường Việt Nam và đánh dấu sự trở lại này với 2 thương hiệu OMODA và Chery. Đặc biệt, Hãng bán xe dưới dạng lắp ráp trong nước với việc hợp tác với các đối tác Việt Nam để xây dựng nhà máy. Trong khi đó, Haima chọn nhà phân phối CarVivu tại Việt Nam để mở bán 3 dòng xe gồm Haima 8S, 7X và 7X-E vào nửa cuối năm 2023.

Dù có thiết kế bắt mắt, nhiều trang bị và giá rẻ nhưng chất lượng và chính sách hậu mãi vẫn là điều khiến nhiều người dùng Việt lo ngại. Đây cũng sẽ là những rào cản mà các hãng xe Trung Quốc buộc phải vượt qua cho lần trở lại Việt Nam. 

Về vấn đề này, trả lời báo chí, ông Tocy Tang, Tổng Giám đốc Chery Việt Nam, cho biết, trước khi tiến vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Chery đều đã vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe nhất của Mỹ và châu Âu nên chất lượng luôn được đảm bảo. Chính sách bảo hành của Chery dành cho xe nguyên chiếc là 5 năm hoặc 150.000 km.

Tham vọng mới

Đây cũng là lý do khiến SAIC Việt Nam, công ty con của SAIC Motor (Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải), tự tin với tham vọng đạt doanh số 100.000 xe/năm, nằm trong Top 3 tại thị trường Việt Nam. Công ty này đã chính thức phân phối dòng xe MG (Morris Garages) tại thị trường Việt Nam từ ngày 1/7. Ông Trần Nam Thắng, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của SAIC Việt Nam, cho biết: “SAIC sẽ thực hiện mục tiêu bằng cách đa dạng hóa các dòng sản phẩm của MG tại Việt Nam, bao gồm cả xe chạy động cơ đốt trong và xe điện”.

Sự trở lại của các hãng xe Trung Quốc còn có dấu ấn của các dòng xe điện đang ngày càng trở nên thịnh hành tại nhiều thị trường. Tại Đông Nam Á, xu hướng thúc đẩy mạnh mẽ việc giảm lượng khí thải carbon trong giao thông vận tải đang tạo cơ hội lớn cho các công ty ô tô Trung Quốc. “Các thương hiệu Trung Quốc đang bắt đầu cuộc đua xe điện. Người tiêu dùng muốn mua những chiếc xe 4 bánh thông minh và các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tốc độ’’, ông Bill Russo, cựu Giám đốc Điều hành Chrysler, cho biết.

Đáng chú ý, các thương hiệu ô tô Trung Quốc như BYD, Haima, Chery, Wuling... sắp bán ở Việt Nam đều sẽ có những sản phẩm xe điện cạnh tranh ở nhiều phân khúc. Bên cạnh đó, khách hàng Việt có thêm lựa chọn xe điện giá thuộc hàng rẻ nhất thị trường như Zhidou A01, Wuling Hongguang. Trong số các dòng xe MG được hé lộ cũng có một mẫu xe điện mini mang tên MG Comet EV.

Đáng chú ý, các thương hiệu ô tô Trung Quốc như BYD, Haima, Chery, Wuling... sắp bán ở Việt Nam đều sẽ có những sản phẩm xe điện cạnh tranh ở nhiều phân khúc.
Đáng chú ý, các thương hiệu ô tô Trung Quốc như BYD, Haima, Chery, Wuling... sắp bán ở Việt Nam đều sẽ có những sản phẩm xe điện cạnh tranh ở nhiều phân khúc. Ảnh: TL

Cần phải biết Wuling Hongguang Mini EV là mẫu xe điện bán chạy nhất Trung Quốc với doanh số đạt hơn 550.000 chiếc vào năm 2022. Vì vậy, đại diện của hãng xe này rất tự tin khi đưa dòng xe Wuling Hongguang Mini EV lắp ráp tại nhà máy ô tô Cửu Long của TMT đặt tại Văn Lâm, Hưng Yên. Cuối tháng 6/2023, chương trình ra mắt mẫu ô tô điện mini này đã thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng với giá bán khoảng 250 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Wang Chuanfu, Chủ tịch BYD, bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hãng hoàn thành các thủ tục đầu tư và nhanh chóng bắt đầu sản xuất xe điện. Các xe này sẽ được bán tại Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. BYD là thương hiệu xe điện lớn nhất Trung Quốc, đang xây dựng cơ sở sản xuất ở nước ngoài đầu tiên tại Thái Lan với công suất 150.000 xe/năm. Ngoài ra, họ cũng đang xem xét đặt thêm nhà máy ở một quốc gia Đông Nam Á khác như Philippines hay Indonesia. Cũng như nhiều hãng xe Trung Quốc khác, BYD cho rằng họ có nhiều cơ hội thay đổi thị trường khi lứa tuổi tiếp cận với ô tô tại Việt Nam đã trẻ hơn, chuộng các xu hướng công nghệ mới nhanh hơn.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia trong ngành, lợi thế giá rẻ của các dòng xe điện Trung Quốc vẫn chưa thể làm lu mờ rào cản thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng, không chỉ đại lý, cơ sở bảo dưỡng và trạm sạc... Đây lại đang là lợi thế của dòng xe điện VinFast của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Ngay khi Wuling Hongguang Mini EV ra mắt thì VinFast VF 3 cũng xuất hiện, nhắm tới nhóm khách hàng mua ô tô lần đầu hoặc người cần một mẫu xe nhỏ gọn và có mức giá phù hợp khả năng tiếp cận của đại đa số người dân. Bên cạnh đó, với nhu cầu và tình hình kinh tế hiện nay, rất khó để kỳ vọng về sức mua cũng sẽ là trở ngại cho sự thâm nhập của các hãng xe Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm:

"Tín hiệu lạ" của thị trường giao đồ ăn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới