Hủy
Công Nghệ

YouNet Group phiên bản 2.0

Công Sang Thứ Tư | 23/08/2023 14:00

Vị trí dẫn đầu thị trường social listening ở Việt Nam gần 1 thập kỷ qua của YouNet Group có thể bị thay đổi nếu Công ty không thích ứng nhanh.
 

Bloomberg cho biết nền tảng TikTok của ByteDance (Trung Quốc) đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô hoạt động kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu lên 20 tỉ USD doanh thu hàng hóa trong năm 2023. Trước đó, TikTok Shop Việt Nam công bố tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng gấp 11 lần, lượng đơn hàng tăng gấp 6 lần chỉ trong năm 2022.

Đó là một kết quả không thể tốt hơn cho TikTok Shop, vốn xuất thân từ một mạng xã hội video ngắn chứ không phải sàn thương mại điện tử và thời gian gia nhập thị trường chỉ hơn 10 tháng. Thông tin TikTok Shop vươn lên vị trí cao về thị phần là mới với nhiều người nhưng với ông Nguyễn Anh Hòa, sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành YouNet Group, thì không. “Trước khi TikTok Shop xuất hiện, các hình thái kinh doanh trên Facebook, Instagram cũng đã nở rộ và phát triển rất tốt dù không có nhiều công cụ hỗ trợ cho việc kinh doanh. Không có gì lạ khi các mạng xã hội thế hệ tiếp theo tối ưu cho việc chia sẻ thông tin và mua bán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh”, ông Hòa nói.

 

Những năm gần đây, các mạng xã hội không còn chỉ là một công cụ làm thương hiệu mà đang đóng vai trò của một kênh tạo ra doanh thu trực tiếp. Cube Asia ước tính có 42 tỉ USD, tương đương 25% GMV thương mại điện tử ở Đông Nam Á trong năm 2022 xuất phát từ các trải nghiệm trên mạng xã hội.

Từ năm 2018, thực tế này đã dần khiến quy mô thị trường social listening mà YouNet Group đang dẫn đầu thị phần (hơn 60%) thay đổi theo, hiện ước đạt khoảng 18 triệu USD, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2012-2017. Đi kèm với tăng trưởng là áp lực phải tiến hóa dành cho các công ty social listening. Nếu như trước kia, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến đánh giá (tiêu cực/tích cực), độ phủ của một chiến dịch truyền thông thì sự phát triển của kênh thương mại trực tuyến đã thay đổi nhu cầu của các doanh nghiệp khi họ muốn đo lường cả tầm ảnh hưởng đến doanh thu và khả năng “chốt” sale của một chương trình tiếp thị trên mạng xã hội.

“Dĩ nhiên YouNet Group phải có sự chuẩn bị. Giải pháp hiện tại của chúng tôi không chỉ là social listening mà đã tiến hóa lên hình thái social impact (tác động của mạng xã hội lên doanh thu)”, ông Hòa nói.

Đến sau, về trước

Lịch sử YouNet Group trải qua nhiều giai đoạn chuyển mình. Từ đầu, YouNet Group không chủ đích làm dịch vụ social listening, họ tham vọng nhiều hơn khi muốn sở hữu và vận hành một mạng xã hội ở Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Năm 2009, dịch vụ blog Y!360 của Yahoo! công bố đóng cửa ở Việt Nam, nhu cầu chia sẻ nội dung trực tuyến của hàng triệu người dùng trong nước bị bỏ quên chỉ sau một đêm. Facebook thời điểm đó cũng mới chớm nở ở Việt Nam với khoảng 20.000 tài khoản, thu hút người sử dụng thông qua các game là chính.

Nhận thấy cơ hội, YouNet Group tham gia bằng một mạng xã hội “Made by Vietnam”, nhưng chỉ 9 tháng sau dự án đóng cửa vì đánh giá thấy khó có khả năng đuổi kịp Facebook. Nhưng đó không phải là kết thúc với YouNet Group, kinh nghiệm xây dựng, vận hành tích lũy trong 9 tháng được chuyển sang phục vụ doanh nghiệp thông qua hình thức cung cấp dịch vụ xây dựng mạng xã hội hẹp và mạng xã hội phục vụ nội bộ các công ty. “Khách hàng phần lớn ở ngoài Việt Nam và là nguồn thu chính của Công ty lúc bấy giờ”, ông Hòa nói.

 

Cùng thời điểm đó, Facebook bắt đầu phát triển mạnh trên toàn cầu cũng như Việt Nam, và là đơn vị chủ xướng cho trào lưu social marketing (tiếp thị qua mạng xã hội) thông qua các ứng dụng/chiến dịch thu hút lượt xem và chia sẻ trên mạng xã hội nhằm cạnh tranh với các đối thủ như MySpace, Friendster.

Ngay lập tức, YouNet Group tham gia vào cung cấp các giải pháp hỗ trợ trào lưu social marketing và có khách hàng. Đây có thể xem là giai đoạn 1.0 của YouNet Group: cung cấp giải pháp theo dõi chỉ số mạng xã hội. Doanh thu lúc này không nhiều nhưng đó là nền tảng cho giải pháp social listening 4 năm sau.

Năm 2012, các công ty social listening Việt Nam bắt đầu gia nhập cuộc chơi với Boomerang (sáp nhập về Isentia năm 2016) và Buzzmetrics. Một năm sau YouNet Group tham gia thị trường với YouNet Media. Giai đoạn 2013-2015 là thời điểm các công ty này phát triển mạnh ở Việt Nam, cả 3 chia nhau khoảng hơn 30% thị phần, ông Hòa nhớ lại. Nguyên nhân là ít bị cạnh tranh bởi các công ty ngoại do phân tích tiếng Việt là điểm mạnh của các công ty nội địa. Thứ đến, mô hình platform-as-a-service (PaaS), tức là doanh nghiệp tự sử dụng các công cụ phân tích để tạo ra báo cáo theo mục đích của mình, vốn không phù hợp với khách hàng Việt Nam.

Ông Hòa cho rằng social listening là một mô hình kinh doanh khó, dù mô hình PaaS tương tự như mô hình software-as-a-service (SaaS - phần mềm như một dịch vụ), đóng gói sản phẩm bán toàn cầu, với tỉ suất lợi nhuận có thể lên đến 70% do tính trung thành của doanh nghiệp cao, nhưng do tính chất phức tạp hơn nên phần lớn doanh thu giải pháp đóng gói sẵn của các công ty PaaS rất thấp, phải cung cấp thêm mảng dịch vụ mới có thể tồn tại được.

Năm 2016 lại thêm một bước ngoặt cho YouNet Group khi quyết định đầu tư vào Buzzmetrics. Theo ông Hòa, đó là thời điểm thị phần mạng xã hội toàn cầu đã thuộc về Facebook, khi các đối thủ như MySpace và Friendster lần lượt rời cuộc chơi. “Lúc đó chỉ có 2 lựa chọn, một là tạo ra một mạng xã hội có thị phần lớn để cạnh tranh, hai là tạo ra các công cụ, giải pháp phục vụ nền tảng xã hội lớn nhất. Chúng tôi chọn cách thứ 2”, ông nói.

Buzzmetrics có nền tảng về nghiên cứu thị trường nhưng yếu về mặt công nghệ, trong khi YouNet Media là công ty có chiều dài đầu tư về công nghệ phục vụ social listening. Sự kết hợp của cả 2 đánh dấu giai đoạn 2.0 của YouNet Group: sử dụng dữ liệu mạng xã hội để nghiên cứu, tư vấn giải pháp, giúp doanh nghiệp thấu hiểu thị trường và người tiêu dùng.

Sau sáp nhập, ông Hòa vẫn giữ 2 công ty độc lập, đây là bước đi đáp ứng nhu cầu thị trường vì ông tin rằng sẽ có khách hàng vẫn cần các công ty social listening có nghiệp vụ về nghiên cứu thị trường như Buzzmetrics. Tương tự như vậy, sẽ có các công ty đã có nghiệp vụ nghiên cứu thị trường và cần công nghệ để tối ưu việc này như YouNet Media. Quyết định này đã giúp doanh thu mảng social listening từ chỗ chỉ đóng góp 10% doanh thu YouNet Group trở thành 90%, đồng thời việc sáp nhập thị phần cả 2 giúp YouNet Group dẫn đầu thị phần social listening ở Việt Nam từ năm 2016 cho đến nay.

Bắt nhịp xu thế

Quay trở lại với shoppertainment (bán hàng với nội dung mang tính chất giải trí) và tác động của nó đến nhu cầu thị trường, YouNet Group đã có câu trả lời. Năm 2022, YouNet Group ra mắt công ty thành viên mới mang tên YouNet ECI. Nếu như Buzzmetrics và YouNet Media cung cấp giải pháp lắng nghe mạng xã hội thì YouNet ECI chính là giải pháp lắng nghe kênh thương mại điện tử.

Bằng cách theo dõi và báo cáo doanh thu, giá bán của các ngành hàng, nhãn hàng, cửa hàng, dòng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn, YouNet ECI cung cấp cho các doanh nghiệp cái nhìn vừa sâu hơn vừa tổng quát hơn về thị trường thương mại điện tử. Song song đó, bằng cách kết hợp các chỉ số của YouNet ECI với những chỉ số social listening, YouNet Group đặt mục tiêu giúp khách hàng nhìn ra được “social impact” trong các chiến dịch marketing, xóa nhòa khoảng cách hiện tại giữa hoạt động marketing mạng xã hội và mua hàng trên thương mại điện tử.

 

Không chỉ là nơi để làm thương hiệu hay tương tác với khách hàng, mạng xã hội phải được đo lường để giúp nhãn hàng đánh giá tác động của truyền thông mạng xã hội đến hiệu quả kinh doanh trên thương mại điện tử. Đó cũng là hình thái tiến hóa 3.0 của social listening mà YouNet Group đang tiên phong và phát triển tại thị trường Đông Nam Á.

Đối với các công ty social listening, đầu tư vào một dịch vụ lắng nghe mới phải thay đổi về quy trình thu thập dữ liệu, mô hình phân tích và phương pháp luận... nói chung là khá tốn kém nên phải tính toán kỹ. Nhất là với doanh nghiệp không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài như YouNet Group.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên ông Hòa đưa ra các quyết định đầu tư mang tính chiến lược. Còn nhớ thời điểm ra quyết định đầu tư vào Buzzmetrics, dồn lực cho thị trường social listening, khi mà quy mô thị trường còn chưa đến 2 triệu USD trong khi mảng cung cấp dịch vụ xây dựng mạng xã hội tùy chỉnh đang rất khởi sắc, ông cũng gặp phải sự phản đối của các cổ đông. 

“Tôi tin rằng ở đâu có cộng đồng, ở đó sẽ có tương tác. Đó là cộng đồng nhân viên với doanh nghiệp, khách hàng và doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chú trọng tương tác với nhân viên, với khách hàng, với mạng xã hội sẽ vượt trội hơn các đối thủ”, ông nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới