Gen Z định hình giá trị mới
Đại học FPT ra mắt MV Thiên Âm.
Gần đây, tôi có nhiều dịp tương tác với những thanh niên thuộc thế hệ 9X, Gen Z (sinh sau năm 1996), thế hệ mà người ta vẫn cứ gọi vui là thế hệ “vượt sướng”. Sướng thì rõ rồi nhưng sướng mà vẫn giỏi thì hay và cũng đáng tự hào lắm! Bên cạnh đó, có một điều thú vị rằng ngoài những mưu cầu các giá trị mang tính vật chất, các bạn trẻ còn mong muốn đóng góp những giá trị mới cho cộng đồng.
Giá trị mang tên thế hệ
Trước đây, thế hệ Gen Y thường nằm trong một chu trình: học tập - làm việc - trưởng thành - cống hiến. Nhưng ngày nay, các bạn trẻ không đợi đến khi mình được có vị trí nào đó trong xã hội mới nghĩ đến việc cho đi và cống hiến. Nó cũng giống như khái niệm: không đợi mọi thứ hoàn hảo mới cống hiến, mà cứ cống hiến để dần tạo nên sự hoàn hảo.
Điều này đang định hình những giá trị mới của người trẻ Việt trong bối cảnh các giá trị xã hội đang dịch chuyển nhanh. Vậy giá trị mới này được định nghĩa như thế nào và bắt đầu từ đâu? Nhân tố động lực nào thúc đẩy và phát triển hệ giá trị mới này? Có lẽ cách đơn giản nhất là chúng ta quay về quá khứ, giá trị mới sẽ bắt đầu từ những giá trị cũ làm nên bản sắc văn hóa của người Việt.
Không thể phủ nhận trước áp lực của nhịp sống nhanh khiến nhiều người trẻ quên đi những giá trị cơ bản, những giá trị cốt lõi. Không ít bạn trẻ chạy theo và tôn sùng những giá trị ảo mà môi trường internet tạo ra: coi trọng vật chất, hoang phí, vô cảm, ích kỷ, mất kết nối... Làm thế nào để người trẻ này không quay lưng lại nền tảng của văn hóa, giá trị, lẽ sống truyền thống của người Việt và chính họ tạo dựng được những giá trị mới của người Việt trong thời đại mới?
Trong thời đại ngày nay, trí tuệ mới của người trẻ sẽ cần sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Sức mạnh của công nghệ truyền thông, khả năng kết nối toàn cầu, mạng lưới internet sẽ giúp những giá trị truyền thống của Việt Nam được lan tỏa. Những người trẻ với nền tảng đó sẽ xây dựng một Việt Nam lý tưởng ở tương lai. Đó là sứ mệnh, trách nhiệm của người trẻ và cũng là bài toán đặt ra cho những người làm chính sách, có cơ chế ưu tiên thu hút người trẻ đóng góp vào công cuộc chấn hưng văn hóa, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Quay trở lại câu chuyện giá trị mới đối với những người trẻ Việt. Tổ chức UNESCO đã công nhận 12 giá trị sống của tuổi trẻ là: (1) Hòa bình; (2) Tôn trọng; (3) Yêu thương; (4) Khoan dung; (5) Trung thực; (6) Khiêm tốn; (7) Hợp tác; (8) Hạnh phúc; (9) Trách nhiệm; (10) Giản dị; (11) Tự do và (12) Đoàn kết. Đó là những giá trị sống khá phổ quát chung cho toàn nhân loại và đặc biệt có ý nghĩa dành cho những người trẻ đang dần định hình lẽ sống và giá trị sống cho mình.
Còn theo khảo sát STEP - Skill needs for Việt Nam của World Bank, có 3 cấu phần tạo nên những kỹ năng cần có cho người trẻ Việt: nhận thức (Cognitive), hành vi (Behavioral) và cuối cùng là tính chuyên môn (Technical). Cả 3 cấu phần này sẽ được hình thành, nuôi dưỡng và phát triển kể từ khi mỗi cá nhân được sinh ra cho đến khi lìa đời chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi trường lớp.
Báo cáo Tương lai nghề nghiệp năm 2025 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhìn nhận mỗi cá nhân cần có 10 kỹ năng: (1) Tư duy phân tích; (2) Học chủ động; (3) Giải quyết vấn đề; (4) Tư duy phản biện; (5) Tính sáng tạo; (6) Khả năng lãnh đạo, ảnh hưởng xã hội; (7) Nắm bắt công nghệ; (8) Thiết kế, lập trình công nghệ; (9) Kiên định, chịu được áp lực, linh động; (10) Khả năng lập luận.
Học sinh tham quan Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. |
Quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam có thể bị đình trệ do lao động bị xếp vào nhóm có năng suất thấp nhất khu vực cộng với việc Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Vì thế, trang bị những kỹ năng mới của thời đại, người trẻ sẽ giúp Việt Nam giải quyết được bài toán khó của bản thân.
Sứ mệnh của người trẻ
Những lớp người đầu tiên của thế hệ luôn là đại diện cho sự đổi thay và tiến bộ. Giá trị và niềm tin của họ sẽ định hình giá trị của thế hệ. Có thể thấy, việc được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau trong môi trường thế giới phẳng giúp giới trẻ ngày nay dễ dàng vượt qua được các khuôn khổ truyền thống để vươn mình ra thế giới. Bên cạnh đó, thời đại công nghệ số đã tạo ra nhiều cơ hội ở một số lĩnh vực công nghệ mới và đây là lĩnh vực mà người trẻ có thế mạnh tuyệt đối. Bởi vậy, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công, giúp Gen Z tự tin hơn trong việc thực hiện những hoài bão của mình.
Thế hệ Gen Z dần trở thành lực lượng thống trị thị trường lao động, là thế hệ chủ động tạo ra sân chơi cho chính mình, thay vì phải theo đuổi một cuộc chơi đã được sắp đặt sẵn. Họ là thế hệ hoàn toàn thoát khỏi nghèo đói cùng cực và cũng là thế hệ gánh trên vai sứ mệnh mới của thế hệ kế thừa.
Những thay đổi kinh tế - xã hội nổi bật trong nhiều thập niên đã tiếp sức cho nhiều thay đổi ở Việt Nam. Những thay đổi này mang lại sự cải thiện trong giáo dục, cơ hội việc làm, sự mở cửa và hiện đại hóa xã hội. Qua đó, hình thành nên một thế hệ trẻ mới, có nền tảng giáo dục và sự giao lưu quốc tế sâu sắc hơn hẳn các thế hệ trước. Cảm thấy tự tin và an toàn về tương lai của bản thân, người Việt trẻ đang đặt ra những kỳ vọng lớn hơn với những mối quan tâm hoàn toàn mới như trách nhiệm xã hội, môi trường và bình đẳng giới...
Đáng chú ý, bên cạnh việc giỏi chuyên môn, phần lớn các bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay mong muốn mang sức trẻ, kiến thức, khả năng để đưa được hình ảnh, văn hóa, nét đẹp của Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Khi thực hiện nghiên cứu về đề tài này, rất nhiều bạn trẻ đã chủ động liên hệ và cung cấp cho tôi thông tin nhiều dự án, dữ liệu thực tế.
Tôi đã trò chuyện với Đỗ Phương Thảo, một MC trẻ và có tiếng tại TP.HCM, đồng thời là nhà sáng lập của dự án VFA. Bạn cùng các cộng sự của mình muốn kiến tạo Cộng đồng Đại sứ Việt lấy những phẩm chất, bản sắc của con người Việt lan tỏa giá trị Việt đến với bạn bè quốc tế, đồng thời xây dựng khái niệm #giới_trẻ_đậm_sắc.
Cũng có thể thấy, giá trị mới không hẳn là cái mới, nó cũng có thể là cách “làm mới” các giá trị cũ. Tháng 9/2023, Đại học FPT cho ra mắt trên nền tảng truyền thông mạng xã hội MV Thiên Âm. Đây là MV hòa tấu nhạc cụ truyền thống do 1.350 sinh viên, giảng viên Tổ chức Giáo dục FPT trên 3 miền đất nước thể hiện. Ra mắt công chúng đúng dịp Quốc khánh, với những thanh âm ngân vang từ các điệu lý, câu hò, các bạn sinh viên đã lan tỏa tinh thần yêu văn hóa dân tộc trong người Việt trẻ, khơi gợi mong muốn gìn giữ và phát huy bản sắc Việt Nam, đồng thời thể hiện niềm tự hào trước những giá trị văn hóa của dân tộc khẳng định rằng “Người Việt Nam bước ra thế giới với tiếng đàn bầu trong tim”.
Có thể kể ra rất nhiều dự án mà người trẻ làm để hướng về quá khứ nhưng lại là bệ phóng cho tương lai. Bạn trẻ Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Điều hành Pencil Group, cùng các cộng sự của mình còn có tham vọng lớn hơn khi thai nghén Dự án Trung tâm Phát triển thương hiệu di sản Việt Nam khi muốn thực hiện hành trình tìm kiếm các thương hiệu di sản Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển giao từ thế hệ hiện tại sang thế hệ kế cận (CurrentGens to NextGens). Chính việc chuẩn bị cho công tác chuyển giao này sẽ tạo điều kiện, bệ phóng giúp ích rất lớn cho thế hệ trẻ Việt ngay từ bây giờ.
Bên cạnh đó, thời đại công nghệ số đã tạo ra nhiều cơ hội ở một số lĩnh vực công nghệ mới và đây là lĩnh vực mà người trẻ có thế mạnh tuyệt đối. |
Hay mới đây, hơn 30 sinh viên Đại học RMIT đến từ Melbourne (Úc) và Hà Nội đã tham gia các dự án thực địa ở nội đô và ngoại ô Hà Nội. Từ tham quan một khu tập thể xây dựng vào thập niên 1980, đến khám phá nghề dệt và nhuộm lụa truyền thống ở làng Vạn Phúc, hay lang thang trong phố cổ để ghi lại những khoảnh khắc đi làm thường nhật của người dân, nhóm sinh viên này tham gia vào dự án Future Ancestors (tạm dịch: Tổ tiên tương lai).
Đây là dự án khám phá sự giao thoa giữa thực tiễn sáng tạo đương đại và trăn trở về di sản văn hóa, có thể tạo cơ hội cho người trẻ kiến tạo di sản văn hóa tương lai. Lê Hoàng Thảo Uyên, sinh viên Cử nhân Thời trang (Thiết kế) đến từ Hà Nội và đang học tập tại Melbourne, cho biết: “Tôi đã rất tò mò muốn biết làm thế nào tôi và các bạn cùng trang lứa có thể trở thành “tổ tiên tốt” cho thế hệ tương lai”.
Thông qua vài ví dụ kể trên, chúng ta có thể thấy giá trị mới của những người trẻ Việt lại chính là tìm cách làm mới các giá trị cũ hoặc kiến tạo nên những giá trị mới đương đại. Trong một nền kinh tế đang đi lên, họ hoàn toàn có lý do để lạc quan về một tương lai hưng thịnh của đất nước trong vòng 20 năm tới. Chính họ là những người sẽ định hình con đường mà Việt Nam cần đi để tới đích tương lai.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hằng
-
Nguyễn Việt Dũng