Hủy
Doanh Nghiệp

Spirulina - Cơ hội mới cho ngành tảo Việt Nam

Thứ Hai | 20/09/2010 04:58

 
 
Việc nuôi trồng và sản xuất sản phẩm từ tảo Spirulina cần vốn đầu tư lớn, quy trình phức tạp nhưng chỉ sau vài năm là bắt đầu có lợi nhuận.

Với hình dạng sợi xoắn lò xo màu xanh lục, Spirulina còn có tên tiếng Việt là tảo xoắn. Từ khi được người Pháp phát hiện tại Chad (một quốc gia ở Đông Phi) vào giữa thế kỷ trước, trải qua nhiều năm nghiên cứu, giá trị dinh dưỡng của Spirulina đã được công bố rộng rãi đến nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đây là thực phẩm có khả năng bảo vệ tốt sức khỏe con người trong thế kỷ XXI. Hiện nay, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc... là những nơi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ Spirulina nhiều nhất.

Nghề phức tạp

Tảo Spirulina được Giáo sư Ripley D. Fox, nhà nghiên cứu về tảo và các chế phẩm của nó đưa vào Việt Nam từ năm 1985. Tiếp sau đã có nhiều công trình nghiên cứu về loại tảo hữu ích này được triển khai nhằm tìm ra cách áp dụng và phát triển tại Việt Nam. Đáng chú ý trong đó là đề tài cấp quốc gia về nuôi trồng tảo Spirulina bằng nguồn nước suối ở Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) do Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thước chủ trì nghiên cứu. Theo đó, nước suối ở Vĩnh Hảo có độ kiềm cao, là môi trường lý tưởng để tảo Spirulina phát triển và không bị nhiễm tạp bởi các loài sinh vật khác.

Đề tài này sau đó đã được Công ty Tảo Vĩnh Hảo tiếp nhận và thực hiện ngay tại xã Vĩnh Hảo. Công ty này do Công ty Nước khoáng Vĩnh Hảo, Công ty Dược Hậu Giang và một số cổ đông tư nhân cùng liên doanh quản lý từ năm 2008.

Với số vốn ban đầu 12 tỉ đồng, Công ty có tổng diện tích nhà xưởng, văn phòng và hồ nuôi tảo rộng 5 ha, trong đó 1,5 ha dành cho hơn 50 hồ nuôi tảo, mỗi hồ rộng 30-200 m2. Theo ông Dương Văn Sáu, Giám đốc Tảo Vĩnh Hảo, đây là nơi nuôi trồng và sản xuất Spirulina có quy mô bài bản đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài địa lợi là nguồn nước ở Vĩnh Hảo, ông Sáu cho biết, công nghệ nuôi trồng khá phức tạp vì cần thực hiện trong môi trường đòi hỏi cao về dinh dưỡng và ngoại cảnh.

Nhiệt độ nuôi trồng thích hợp là trong khoảng 30-350C, nếu cao hơn sẽ khó quang hợp, dễ gây tổn thương cho tế bào tảo. Ngoài ra, tất cả các bể nuôi phải có mái che và guồng tát nước để đảm bảo tốc độ dòng chảy, đáp ứng điều kiện sinh trưởng của tảo. Mỗi ngày, tùy theo khả năng hấp thu, có thể bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như đạm, lân, kali, sắt... để tảo phát triển tốt hơn.

Nếu thực hiện tốt quy trình trên, chỉ khoảng 7 ngày là có thể thu hoạch đợt đầu và sau đó là theo dạng cuốn chiếu. Quá trình này được gọi là thu sinh khối tảo, thực hiện bằng hệ thống hút chân không với vốn đầu tư theo ông Sáu là lên đến hàng tỉ đồng (vì sợi tảo có đường kính rất nhỏ, từ 8-10 micron). Tiếp đến, tảo được nghiền thành dịch tảo và sấy phun khô thành bột. Bình quân mỗi ngày, Công ty sản xuất khoảng 100-120 kg bột tảo (xấp xỉ 3 tấn/tháng).

Dược Hậu Giang sẽ mua toàn bộ bột tảo (khoảng 430.000 đồng/kg), để tạo thành phẩm và bán ra thị trường với nhãn hiệu Spivital gồm 2 dạng chính là viên nang và viên nén.

 

Nhu cầu lớn

Theo ông Đoàn Đình Duy Khương, Giám đốc Tiếp thị Dược Hậu Giang, trong khoảng 10.000 khách hàng mua sản phẩm Spivital được Công ty khảo sát ý kiến, đa phần đều cho phản hồi rất tốt về sản phẩm. Đó là dấu hiệu tích cực để tiếp tục phát triển sản phẩm, ông nói.

Về hiệu quả kinh doanh, bà Tăng Bình Thảo, Giám đốc Nhãn hàng Spivital, cho biết: “Chúng tôi dự kiến tổng doanh số 9 tháng đầu năm nay sẽ khoảng 18 tỉ đồng và cả năm là 20 tỉ đồng. Với kế hoạch tăng trưởng 30%/năm, Spivital sẽ bắt đầu có lãi từ năm 2011 (tức sau 3 năm kinh doanh)”. Nguyên nhân được bà Thảo đưa ra là Spivital có giá thấp hơn khoảng 20% so với các sản phẩm cùng loại nhập từ Đài Loan, Nhật, Mỹ... Việc tận dụng lợi thế cạnh tranh về giá cũng là một chiến lược của nhãn hiệu này.

Bên cạnh đó, ông Sáu, Tảo Vĩnh Hảo, còn cho biết, Công ty đang nghiên cứu chiết xuất một số hoạt chất từ tảo để mở rộng thêm công dụng của sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông nói thêm, nguyên liệu cũng như thành phẩm tảo sản xuất ra hiện chủ yếu phục vụ thị trường nội địa vì tiềm năng ở đây còn khá lớn. Do đó, công ty ông lẫn Dược Hậu Giang vẫn chưa lên kế hoạch xuất khẩu, ít nhất là trong vài năm tới.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới