Xuất khẩu tỉ USD qua kênh siêu thị
Ảnh: Japan TImes.
Tập đoàn Aeon (Nhật) mới đây đã đưa gần 250 triệu USD hàng Việt Nam sang Nhật thông qua hệ thống của mình. Aeon đang có kế hoạch nâng con số này lên 500 triệu USD vào năm 2020 và vươn tới tỉ USD vào năm 2025.
Ông Shibata Eiji, Phó Giám đốc Tập đoàn Aeon kiêm Giám đốc cấp cao Khối thu mua và Chuỗi cung ứng, cho biết, mục tiêu xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật nằm trong biên bản ghi nhớ, được ký kết với Bộ Công Thương vào năm 2018. Nếu lộ trình diễn ra đúng kế hoạch, chỉ riêng Tập đoàn Aeon là có thể đưa hàng hóa Việt xuất khẩu qua kênh siêu thị đạt con số tỉ USD.
Tập đoàn này hiện đã xây dựng được mạng lưới nhà cung ứng hàng hóa tại Việt Nam lên gần 2.700 đơn vị. Aeon hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới, với gần 16.500 cửa hàng, trung tâm bán lẻ. Các cửa hàng, trung tâm của Aeon cũng nhận được nhiều sản phẩm nhất từ các nơi trên thế giới. Với đặc điểm này, một khi đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị Aeon là cả lợi thế cho các doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, như khẳng định của ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam, nếu doanh nghiệp Việt đưa được hàng hóa vào siêu thị ở Nhật thì chính là cách khẳng định khả năng bán hàng ra thị trường thế giới.
Ngoài Aeon, cả Central Group, Lotte Mart và NTUC FairPrice... cũng đã hỗ trợ để hàng Việt bán vào các siêu thị Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore... Chẳng hạn, Lotte Mart đã hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất hơn 1.500 sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Choice L. Nhãn hàng riêng này được người tiêu dùng Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar ưa thích, đem về doanh thu hàng trăm triệu USD.
Ở Thái Lan, có khoảng 700 siêu thị Big C (thuộc Tập đoàn TCC) và hàng hóa Việt Nam đã dần xuất hiện trong chuỗi hệ thống này. Nhưng theo thông tin của Tập đoàn, trong số khoảng 40.000 nhà cung ứng tại Việt Nam chỉ khoảng 50 sản phẩm có mặt trong các siêu thị của hệ thống, chủ yếu là cà phê và trái cây sấy.
Ông Nich Reitmeier, Phó Chủ tịch điều hành, Giám đốc Thu mua ngành hàng Thực phẩm - Ẩm thực quốc tế và Thức uống có cồn Central Group Thái Lan, nhận định, các sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nông sản có chất lượng tốt, hương vị ngon nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa phát triển được thị trường ở Thái Lan. Đơn cử, doanh nghiệp Việt chưa chú trọng xây dựng thương hiệu và cung cấp thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng Thái Lan.
Trong khi đó, Thái Lan không phải là một thị trường dễ tính. Cụ thể, Thái Lan yêu cầu hàng hóa là thực phẩm, đồ uống phải có chứng nhận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA Thailand). Thời gian xem xét cấp chứng nhận của các cơ quan Thái Lan là từ 3-6 tháng/sản phẩm thông thường và có thể kéo dài tới 2 năm đối với một số sản phẩm đặc biệt như thực phẩm cho trẻ em.
Riêng để bán hàng vào Nhật qua hệ thống Aeon, Tập đoàn có những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt, đòi hỏi hàng hóa qua Aeon phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành (như JIS, SIK của Nhật) và các tiêu chuẩn riêng từ Aeon (từ nuôi trồng, sản xuất cho đến phân phối hàng hóa...). Những đơn hàng đầu tiên thường nhỏ. Chỉ khi nhận được ý kiến tích cực từ khách hàng, Aeon mới xúc tiến đầu tư, hướng dẫn và đặt hàng với số lượng lớn.
Ông Yuichiro Shiotani cho biết: “Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như hàng may mặc, đồ gia dụng, thực phẩm... vẫn thua hàng hóa từ các nước khác nhập khẩu vào Nhật”. Đáng chú ý, trong số gần 3.000 nhà cung cấp cho AEON Việt Nam, chỉ có khoảng từ 200-300 có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và có kinh nghiệm xuất khẩu để đưa được hàng hóa vào hệ thống siêu thị Aeon ở Nhật. Aeon đang muốn tìm kiếm, mở rộng, hỗ trợ để đạt mục tiêu tạo được 200-300 nhà cung cấp Việt Nam đủ khả năng xuất khẩu hàng hóa sang siêu thị của Aeon tại Nhật.
Với góc độ người đã có kinh nghiệm thâm nhập siêu thị quốc tế, đại diện Tập đoàn Unilever Việt Nam cho biết, để trở thành nhà cung ứng và đạt được doanh số cao trong các kênh phân phối đa quốc gia, doanh nghiệp phải đáp ứng và duy trì các tiêu chuẩn đã cam kết từ đầu trong suốt quá trình cung ứng. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải xác định chính xác phân khúc thị trường, thị hiếu khách hàng để có sản phẩm phù hợp.
Với những trường hợp thị trường mục tiêu có cơ cấu sản phẩm tương đồng như Thái Lan, doanh nghiệp phải thường xuyên phát triển sản phẩm mới, tạo ra các giá trị khác biệt và có chiến lược truyền thông hiệu quả mới có thể thu hút được khách hàng. Trên hết, người tiêu dùng thường ưu tiên lựa chọn nhãn hàng quen thuộc, vì vậy các doanh nghiệp cần kiên trì xây dựng thương hiệu và tạo ra động lực thay đổi thói quen tiêu dùng của thị trường.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam