2/3 lượng vàng thế giới được luyện tại Thụy Sĩ mỗi năm
Những ngọn đồi yên bình ở miền Nam Thụy Sĩ nổi tiếng với những hàng cây cọ, rượu vang và nền văn hóa nông thôn có nhiều điểm chung với quốc gia Italia láng giềng. Nhưng còn có một thứ khác trong khu vực cũng nổi tiếng không kém - đó là vàng.
Bốn trong số những nhà máy luyện vàng lớn nhất thế giới nằm ở Thụy Sĩ và 3 nhà máy trong số đó tọa lạc tại bang Ticino ở miền Nam nước này. Theo ước tính, khoảng 2/3 lượng vàng thế giới được luyện tại Thụy Sĩ.
Tất cả 4 nhà máy tinh luyện vàng ở Thụy Sĩ là Valcambi ở Balerna, Pamp ở Castel San Pietro (Ticino), Argor-Heraeus ở Mendrisio và Metalor ở Neuchatel. Roberto Grassi thuộc Cơ quan Tư vấn tài chính Fidinam cho biết: "Các ngân hàng lớn ở Thụy Sĩ sở hữu các nhà máy luyện vàng. Trong suốt Thế chiến II, do một lượng lớn vàng được tích trữ tại Thụy Sĩ, cho nên các ngân hàng nước này quyết định thành lập các nhà máy luyện vàng riêng để sản xuất những thỏi vàng".
Ngày nay, các ngân hàng không còn sở hữu các nhà máy này nữa song công nghiệp luyện vàng và sản xuất vàng thỏi đang bùng phát mạnh ở Thụy Sĩ. Năm 2011, hơn 2.600 tấn vàng trị giá 103 tỉ USD được nhập khẩu vào Thụy Sĩ - con số này được coi là kỷ lục và tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, không bao gồm số vàng được trung chuyển qua Thụy Sĩ.
Trong một phòng, quặng nấu chảy được rót vào từng khuôn để đúc ra những thỏi vàng cân nặng 12,5kg. Với giá vàng thế giới là 1.700 USD/ounce thì một thỏi vàng như thế trị giá vào khoảng 680.000 USD.
Alberto Candiani, lãnh đạo khâu sản xuất vàng thỏi của nhà máy, cho biết những thỏi vàng được đúc từ 50g đến 12,5kg nhưng ông luôn từ chối tiết lộ chính xác bao nhiêu thỏi vàng được sản xuất trong một ngày. Bất chấp kinh tế suy thoái, thị trường vàng vẫn bùng nổ.
Mehdi Barkhordar, Giám đốc điều hành Nhà máy Pamp, cho biết sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, người dân không còn tin tưởng vào các hệ thống ngân hàng và từ đó dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về vàng thỏi và đồng tiền vàng. Barkhordar mô tả vàng là một loại bảo hiểm và cố vấn tài chính Roberto Grassi tán đồng điều này: vàng là thứ hàng hóa đáng tin cậy ở các thời đại hay thay đổi.
Cũng giống như sự chứng nhận Kimberlay đối với kim cương, được thiết kế đặc biệt nhằm bảo đảm kim cương chỉ được mua từ các nguồn có đăng ký hợp pháp và không dính líu đến xung đột, vàng cũng có quy định tương tự. Barkhordar cũng dính líu đến sự phát triển Bộ quy tắc có trách nhiệm về vàng của Hiệp hội thị trường vàng London (LBMA). Hệ thống này đòi hỏi các nhà máy luyện vàng phải được LBMA công nhận nhằm "chống lại những sự lạm dụng nhân quyền có hệ thống và lan rộng, tránh góp phần cho xung đột, tuân thủ những tiêu chuẩn về chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố".
Barkhordar cho biết nhà máy của ông phải chịu sự kiểm tra trung bình 3 tháng trước khi làm việc với một mỏ vàng mới. Nhưng đối với những nhà hoạt động vì công bằng thương mại ở Thụy Sĩ như bà Eva Schmassmann thì điều đó vẫn chưa đủ. Bà cho rằng Thụy Sĩ cần minh bạch hơn nữa về công nghiệp luyện vàng của nước này.
Theo Frederic Panizzutti, người phát ngôn của MKS (Switzerland) SA, một công ty đặt trụ sở ở Geneva chuyên mua bán vàng và sở hữu Nhà máy Pamp ở Castel San Pietro, Ticino thì "trung bình mỗi năm Thụy Sĩ tinh luyện khoảng 70% lượng vàng thế giới”.
Nguồn CAND
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư