Hủy
Kinh Doanh

Bức tranh kinh tế sáng hơn trong năm 2024

Việt Hà Chủ Nhật | 21/01/2024 13:00

Tổng kết cả năm 2023, GDP của Việt Nam tăng trưởng hơn 5%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ. Ảnh: TL.

 
 
Mặc dù vẫn còn nhiều gánh nặng nhưng nền kinh tế Việt Nam được đánh giá vẫn có những “chồi xanh” nhờ chi tiêu Chính phủ.

Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau khi mở cửa trở lại đã gặp phải những gờ giảm tốc trong năm 2022 - 2023 do các biện pháp thắt chặt quy định đối với thị trường trái phiếu trong nước và những trở ngại toàn cầu về việc đồng USD mạnh lên kể từ cuối năm 2022. Tổng kết cả năm 2023, GDP của Việt Nam tăng trưởng hơn 5%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ. 

Một loạt các biện pháp tài khoá và tiền tệ hỗ trợ (như miễn, giảm và giãn thuế, tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và cắt giảm lãi suất chính sách được thực hiện trong đại dịch COVID đã được tái áp dụng trong nửa đầu năm 2023. 

 

“Mặc dù tác động lan tỏa của việc đồng USD mạnh lên và sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thanh khoản giữa các doanh nghiệp bất động sản trong nước vẫn là gánh nặng cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong năm 2023, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế vẫn có những “chồi xanh” nhờ chi tiêu Chính phủ”, Maybank Investment Bank (MSVN) nhìn nhận. 

Cho năm 2024, Maybank Investment Bank kỳ vọng nền kinh tế sẽ chứng kiến sự phục hồi ổn định hơn, được thúc đẩy bởi tiêu dùng cải thiện khi xuất khẩu lấy lại đà tăng, tình hình tài chính của người tiêu dùng lành mạnh hơn trong khi việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản nếu thành công sẽ là động lực cho sự phục hồi đang diễn ra của ngành.

Đối với xuất khẩu, Maybank Investment Bank đánh giá, vì Việt Nam là một trong những quốc gia cởi mở nhất thế giới (ngoại thương tương đương 200% GDP), xuất khẩu tạo ra một trong những nguồn thu nhập chính cho người tiêu dùng nội địa. Điều này phần nào giải thích tại sao tiêu dùng nội địa suy yếu trong hầu hết năm 2023 khi xuất khẩu giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. 

 Xuất khẩu giảm 4,4% so với cùng kỳ trong năm 2023, mức thấp nhất trong thập kỷ qua do nền kinh tế toàn cầu suy yếu (Theo Maybank Investment Bank).
Xuất khẩu giảm 4,4% so với cùng kỳ trong năm 2023, mức thấp nhất trong thập kỷ qua do nền kinh tế toàn cầu suy yếu (Theo Maybank Investment Bank).

Tuy nhiên, xét trên cơ sở hàng tháng, Maybank Investment Bank cho biết họ nhận thấy sự cải thiện dần dần khi xuất khẩu tăng 13,1% so với cùng kỳ trong tháng 12/2023, tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp, và mức tuyệt đối đang trên đường trở lại mức đỉnh được ghi nhận trong nửa đầu năm 2022.

Nhìn về phía trước, tổ chức này kỳ vọng một triển vọng sáng sủa hơn cho năm 2024 với 5 động lực tăng trưởng, bao gồm: tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ, thúc đẩy bởi chính sách tài khóa tích cực và chính sách công nghiệp mạnh mẽ hơn; sự chuyển dịch sang tiêu thụ hàng hoá khi “chi tiêu trả thù” (revenge spending) cho dịch vụ trong nước giảm dần; sự phục hồi của ngành điện tử toàn cầu; mức tồn kho bán lẻ thấp của Mỹ; và giá hàng hoá và “chip” toàn cầu chạm đáy sẽ nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

“Nói rộng hơn, nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) đang tăng tốc, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể sẽ ở mức trung bình trong thời gian tới và Mỹ được dự báo sẽ hạ cánh mềm trong nửa đầu năm 2024, theo đồng thuận Bloomberg. Các nền kinh tế này là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất các hàng hoá của Việt Nam và sự phục hồi của họ sẽ mang lại lợi ích to lớn cho hoạt động thương mại và nền kinh tế Việt Nam”, Maybank Investment Bank nhận định.

Có thể bạn quan tâm 

Lực đẩy du lịch nông nghiệp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới