Hủy
Kinh Doanh

Chạy vượt rào EUDR

Vân Nguyễn Thứ Hai | 30/12/2024 07:30

Việc khó xác định vùng trồng hợp pháp ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và phân loại rủi ro vùng trồng của EU theo quốc gia, vùng sản xuất. Ảnh: Gaia.

 
 
Quy định khắt khe về EUDR khiến ngành xuất khẩu gỗ tỉ USD đang hết sức lúng túng.

Đến tháng 11 năm nay Dakruco đã xuất bán được vài container sản phẩm cao su đáp ứng được các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về chống mất rừng và phá rừng. Việc tuân thủ 10 nguyên tắc của bộ tiêu chuẩn FSC đã giúp Dakruco đáp ứng được 90% yêu cầu của EUDR (Quy định chống phá rừng của EU). Thế nhưng, điều khiến bà Nguyễn Thị Mai Quyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng đại diện Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk, lo ngại là đến thời điểm này, Công ty mới chỉ được cấp chứng nhận FSC cho cao su đại điền, trong khi vẫn phải hỗ trợ các hộ tiểu điền kiểm soát nguồn gốc cao su. Bên cạnh đó, do canh tác và thu hoạch theo quy mô hộ gia đình, cao su tiểu điền cũng gặp khó khăn về tuân thủ các quy định về môi trường, an toàn hóa chất, không sử dụng lao động trẻ em.

Việc khó xác định vùng trồng hợp pháp ảnh hưởng đến kết quả đánh giá và phân loại rủi ro vùng trồng của EU theo quốc gia, vùng sản xuất. Cụ thể, với cà phê, 40% diện tích đất trồng cà phê tại Việt Nam đã được cấp chứng chỉ sản xuất bền vững, vấn đề tồn tại là diện tích mở rộng trên nền đất rừng kể từ sau năm 2003 đến nay đã và sẽ chứng nhận sử dụng đất thế nào?

Với gỗ rừng trồng sản xuất, cả nước có 3,5 triệu ha rừng sản xuất, trên 60% số hộ trồng rừng đã được nhận giấy chứng nhận sử dụng đất, diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ bền vững mới đạt khoảng dưới 10%. Diện tích cây cao su tại Việt Nam hiện khoảng 918.000 ha, 300.000 hộ tiểu điền tham gia trồng chiếm hơn 50%.

Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10/2024 ước đạt 1,5 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 10 tháng đầu năm 2024 đạt 13,18 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, các yêu cầu khắt khe của EUDR có thể khiến nhiều nông hộ bị loại khỏi thị trường, gây khó cho xuất khẩu gỗ nói chung.

Việc xác định tính hợp pháp của đất đai, đặc biệt là đối với các hộ tiểu điền không có giấy chứng nhận sử dụng đất, là một nút thắt lớn. Hiện nay, trong khi chờ hướng dẫn của EU, để đáp ứng yêu cầu EUDR của các nhà mua hàng châu Âu, MAVICO đã xây dựng cơ sở dữ liệu về tọa độ của các vườn cây thông qua việc thu thập hồ sơ của các hộ tiểu điền, liên quan đến quyền sử dụng đất và thông tin chủ vườn. Nhưng rõ ràng đây không phải là cách để EU xem xét quá trình tuân thủ EUDR, cũng như hỗ trợ đánh giá rủi ro. Về căn bản, thành viên trong chuỗi cung có thể sử dụng các chứng nhận nhưng vẫn phải thực hiện trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm về các vi phạm.

Một điều tích cực là Nghị viện châu Âu mới đây đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của Hội đồng châu Âu (EC) về hoãn thực thi EUDR thêm 12 tháng. Quy định mới yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp chỉ được nhập khẩu vào châu Âu từ những quốc gia chưa khai thác các mặt hàng này trên đất rừng bị phá từ cuối năm 2020. “EC sẽ hoàn thành hệ thống phân loại quốc gia trước ngày 30/6/2025”, Tiến sĩ Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết.

Công báo chính thức của EU vẫn chưa được công bố, nhưng một số người lạc quan cho rằng đây là thời điểm hoàn tất yêu cầu của EUDR để năm 2025 các sản phẩm của ngành cao su, cà phê Việt Nam - vốn là các ngành hàng chịu tác động trực tiếp từ EUDR - sẽ tiến thẳng vào thị trường châu Âu mà không bị hạn chế bởi bất kỳ một rào cản nào.

Tuy nhiên, những người hiểu chuyện lại cho rằng EU đã rất chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn chi tiết quá trình thực thi EUDR và điều này đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp cao su, cà phê và gỗ. Với thực trạng các ngành hàng trong nước hiện nay, bà Nguyễn Tường Vân, nguyên Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về FLEGT và Lacey, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng: “Việc chậm lại 1 năm là không đủ để các doanh nghiệp có thể bắt nhịp được lộ trình EUDR của EU”.

Doanh nghiệp khó tiếp cận EUDR do EU và Việt Nam có “định nghĩa khác nhau” về rừng và nông lâm kết hợp. EUDR quy định sản xuất nông lâm kết hợp như trồng cà phê, cây ăn quả trên đất lâm nghiệp có rừng được xem là có rủi ro gây mất rừng, suy thoái rừng, nhưng Việt Nam trong quá khứ đã cho phép sản xuất trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất nếu không gây suy giảm diện tích, chất lượng rừng, theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP. 

“Quá trình hoàn thiện bản cam kết EUDR đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy trình phức tạp và tốn kém, làm gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu muốn tiếp cận thị trường EU”, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Hiệp Long, nhận định.

Trên thực tế, không chỉ thị trường EU, mà Mỹ cũng rục rịch áp dụng các quy định tương tự chống phá rừng. Hàn Quốc và Nhật cũng bắt đầu xem xét các quy định tương tự. Nhìn vào sự chuẩn bị của Việt Nam, điều lo ngại nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là nông hộ từ 10-50 công nhân.

Đáng mừng là các cơ quan trong nước đang chuẩn bị cho việc tuân thủ EUDR. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các tổ chức như GIZ, Forest Trends đã tổ chức các cuộc họp kỹ thuật và tọa đàm, nhằm hỗ trợ ngành gỗ, cao su và cà phê thích ứng với EUDR. Hiện Cục Lâm nghiệp đang xây dựng cơ sở dữ liệu để chứng minh việc tuân thủ các quy định không gây mất rừng, cũng như phân loại, xác định từng khu vực rủi ro trên cả nước.

Những yếu tố này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với EUDR trong năm tới. Nếu thực hiện tốt, sản phẩm gỗ của Việt Nam đi vào thị trường châu Âu sẽ tăng cao, trong khi thị trường này còn nhiều khoảng trống đối với ngành gỗ Việt, bởi hiện nay đồ gỗ của Việt Nam nhập vào thị trường này chỉ chiếm 1,9% trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng gỗ của EU.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới