Hủy
Kinh Doanh

Chuyện về những CTCK “sống mòn”

Thứ Hai | 21/07/2014 14:26

 
 
Có lẽ điều tồi tệ nhất đối với một doanh nghiệp là hoạt động mà không có định hướng rõ ràng và không biết mình đang chờ đợi điều gì.

Đáng tiếc là điều tồi tệ này rất phổ biến ở các công ty chứng khoán (CTCK).

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi kỳ báo cáo, người ta lại hỏi nhau CTCK này, CTCK kia lãi hay lỗ? Ngay cả HĐQT cũng hỏi Ban điều hành câu hỏi đó. Trong đầu người hỏi dường như đã ngầm hiểu rằng, thường thì lỗ, nhưng không biết liệu kỳ này có gì bất thường không. Thực tế, khi nêu tên một CTCK bất kỳ, những người trong nghề có khả năng "đoán" CTCK đó lãi hay lỗ với độ chính xác khá cao mà không cần phải xem báo cáo tài chính.

Một số người kháo nhau rằng, hay ra mở công ty dịch vụ chuyên làm giải trình cho các doanh nghiệp, vì chỉ riêng đối với các CTCK, chắc là nhu cầu này sẽ rất lớn. Lỗ triền miên thì khỏi cần bàn, còn nếu cùng kỳ "may mắn" có lãi mà kỳ này lỗ, hoặc nếu kỳ này lãi nhưng cùng kỳ lỗ thì kiểu gì cũng phải giải trình. Nhầm một điều là các CTCK đã làm việc này quá quen, chỉ cần lấy công văn cũ ra sửa số và ngày là xong, mắc chi sử dụng "dịch vụ giải trình" cho tốn tiền.

Lỗ không quan trọng nếu đó là "lỗ chiến lược" như mới thành lập, do phải hy sinh lợi nhuận để giành thị phần hay do đang phải tái cấu trúc… Nhưng một khi lỗ đã trở thành kinh niên và "lãi mới là chuyện lạ" thì khó có thể hiểu được.

CTCK Sen Vàng (GLS) quý rồi lỗ gần 1,7 tỷ đồng. GLS có vốn điều lệ là 135 tỷ đồng nhưng lỗ luỹ kế lên đến 71,4 tỷ đồng. Nhận thấy hoạt động không hiệu quả và càng để càng lỗ nên ĐHCĐ đã quyết định giải thể Công ty. Nhưng thà như thế còn dễ hiểu.


Trường hợp của CTCK Kenanga (KVS) thì đúng là khó hiểu nếu không biết đang có chuyện bất đồng trong nội bộ. Trong vòng 2 năm trở lại đây, không có quý nào KVS có lãi. Vốn điều lệ của KVS là 135 tỷ đồng nhưng lỗ luỹ kế đến thời điểm này đã gần 33 tỷ đồng. Doanh thu môi giới quý II/2014 của KVS chỉ vỏn vẹn 50.000 đồng, còn cùng kỳ năm ngoái cũng chỉ có 3 triệu đồng. Doanh thu chính của KVS là lãi tiền gửi và cho vay ẩn dưới hình thức "hợp đồng hợp tác kinh doanh" và "hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư".

Lãi cũng không quan trọng nếu đó chỉ là nhất thời, hoặc có lãi nhưng chỉ lèo tèo vài trăm triệu đồng trên vốn vài trăm tỷ đồng, hoặc lãi không phải từ các hoạt động kinh doanh chính.

CTCK Thành Công (TCSC) là một ví dụ. Từ quý I/2014 trở về trước, TCSC lãi nhiều quý liền, nhưng lãi đó chủ yếu là từ tiền gửi ngân hàng và đầu tư trái phiếu. TCSC có vốn điều lệ 360 tỷ đồng nhưng lãi mỗi quý chỉ khoảng 3 tỷ đồng trở lại. Đến quý II/2014, CTCK này đã lỗ một phần do lãi suất giảm và một phần do TCSC bắt đầu "mở van" tự doanh và bị thua lỗ. Tính từ khi thành lập đến nay, lỗ luỹ kế của TCSC là 36,4 tỷ đồng.

Có người đặt vấn đề, liệu có phải một số CTCK đang hoạt động "tà tà" hết năm này sang năm khác được lập ra để làm "sân sau" phục vụ cho một hoặc một nhóm người có quyền lực chi phối? Nếu theo dõi báo cáo tài chính của các CTCK, có thể thấy, nhiều "khoản mờ" trước đây đến nay không còn mấy và mọi thứ đã rõ ràng hơn nhiều. Việc sử dụng CTCK làm sân sau cũng không còn dễ dàng do các quy định và mức độ giám sát ngày càng chặt chẽ hơn.

Nhưng vì sao chúng vẫn tồn tại? Đa số trường hợp cổ đông không còn tha thiết gì và HĐQT thì phó mặc cho ban điều hành trong khi ban điều hành hoặc thiếu năng lực hoặc thiếu cơ chế để có thể đưa ra những quyết định quan trọng. Cũng có trường hợp nội bộ bất đồng và không thể đưa ra định hướng chung cho công ty… Có thể có nhiều lý do khác, nhưng vấn đề cốt lõi là thiếu định hướng. Có lẽ đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa các CTCK "sống dở chết dở" với các CTCK thuộc tốp đầu.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới