Hủy
Kinh Doanh

Công nghiệp chế tạo lẹt đẹt theo 4.0

Hải Vân Thứ Tư | 03/10/2018 09:09

 
 
Công nghiệp hóa sẽ không thể phát triển nếu thiếu vắng sự đóng góp của ngành cơ khí, tự động hóa và năng lượng.

Một điểm đáng chú ý, doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 75% trong tổng số hơn 160 doanh nghiệp sẽ tham gia Triển lãm quốc tế lần thứ 6 về cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại khu vực miền Bắc (MTA Hanoi 2018) tại Hà Nội, từ ngày 16 đến 18.10.

Họ đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, với những thương hiệu công nghiệp tên tuổi của thế giới như: Cybertech, Nikon, Beijing Jingdiao, Carl Zeiss, Mitutoyo, Vạn Sự Lợi… Trong khi đó, hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam vẫn loanh quanh một vài sản phẩm máy nông nghiệp cỡ nhỏ cùng một số sản phẩm cơ khí chưa có thương hiệu.

Nhu cầu thực

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty TNHH Cybertech Việt Nam, cho biết, các đơn hàng của công ty tại MTA Hanoi 2015 đa số là doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, với 2 mảng chính: công nghệ và doanh nghiệp sản xuất và chế tạo cơ khí ô tô. Các doanh nghiệp này thường chuyển máy móc của họ từ Hàn Quốc sang Việt Nam.

Theo bà Phương, tình hình đã thay đổi những năm gần đây, khi ngày một nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị. Trước thềm MTA Hanoi 2018, đã có những doanh nghiệp đề nghị Cybertech giới thiệu danh mục thiết bị cũng như đưa ra những giải pháp tổng thể cho ngành cơ khí chế tạo.

Trên thực tế, sự chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn cơ khí thời gian gần đây đang khiến các nước phát triển lo ngại, bởi lẽ mỗi một đồng vốn cơ khí chế tạo bị chuyển ra nước ngoài, chính phủ phải kiếm thêm 3,5 USD để bù lại, theo tính toán của ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM VES.

“Mỗi 1 USD đầu tư vào cơ khí chế tạo, có thể làm sinh ra 40 USD Mỹ khác nhờ vào chuỗi giá trị, trong khi đầu tư 1 USD vào casino mang lại giá trị thấp hơn, từ 11 đến 12 lần”, số liệu ông Tee đưa ra cho thấy đầu tư vào ngành cơ khí chế tạo đặc biệt quan trọng với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo quan sát của Tổng giám đốc UBM VES, đầu tư vào Việt Nam đang ngày một rẻ hơn do hàng rào thuế quan thấp dần. Mỗi thời điểm Việt Nam ký thêm một FTA song phương hay đa phương, doanh nghiệp lại có thêm lợi thế giảm chi phí đầu tư cũng như kinh doanh tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam bắt đầu thực hiện chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn mới. Nhưng ông Tee nói rằng “Việt Nam không thể thu hút được nguồn đầu tư lớn hơn nữa nếu không có nguồn lực đầy đủ về kỹ thuật”.

Khó bắt kịp thế giới

Không khó hiểu khi Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn công nghiệp lớn trên thế giới. Nhu cầu máy móc, thiết bị công nghiệp, đặc biệt là cơ khí chính xác của Việt Nam rất lớn, xuất phát các mục tiêu phát triển và tái cơ cấu kinh tế.

Mục tiêu công nghiệp hóa và Chiến lược phát triển ngành cơ khí đến 2035, đang đặt ra những nhiệm vụ rất lớn, khi yêu cầu đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu phải đạt 35% đến năm 2030 đạt 40% và đến năm 2035 phải đạt 45% tổng sản lượng của ngành cơ khí.

Trong khi đó, tính đến nay, Việt Nam chỉ vỏn vẹn 21.000 doanh nghiệp và trên 53.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, chiếm khoảng 3% tổng số doanh nghiệp chế biến chế tạo, với hơn 1 triệu việc làm, theo TS. Phạm Đức Thiên, Trưởng bộ môn Kỹ thuật cơ khí, Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội.

Theo ông Thiên, doanh nghiệp cơ khí trong nước rất khó “chen chân” vào các ngành như thép, hóa chất, năng lượng do năng lực cạnh tranh hạn chế. Hiện, đầu tư hàng năm theo doanh thu của các doanh nghiệp cơ khí cho đổi mới công nghệ không vượt quá 2%.

“Việt Nam, với cơ chế chính sách công nghiệp hiện có, việc phát triển ngành cơ khí chế tạo, bắt kịp thế giới là không dễ”, TS. Thiên nói. Theo ông, chính sách phát triển công nghiệp chưa hướng đến doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo. Việt Nam đang thiếu một hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm cơ khí theo tiêu chuẩn quốc tế, trong khi trình độ khoa học hạn chế, tỷ lệ phát minh sáng chế khiêm tốn.

Cong nghiep che tao let det theo 4.0

Việc hầu hết các thiết bị đầu não, thiết bị phục vụ đều nhập khẩu đang trở thành một điểm yếu rất lớn đối với nền công nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo của Việt Nam mới dừng lại ở nhập khẩu thiết kế và lắp ghép, chưa chế tạo được máy CNC để phát triển cơ khí trong nước.

Thế giới đã phát triển rất mạnh các loại vật liệu gốm, thủy tinh, sinh học, nano…, nhưng vật liệu đầu vào cho ngành cơ khí Việt Nam vẫn rất yếu, trong khi đây là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm cơ khí. Hiện nay, hầu hết vật liệu chủ chốt Việt Nam vẫn nhập khẩu từ Nhật Bản và Trung Quốc.

Cong nghiep che tao let det theo 4.0

Một điểm yếu nữa cũng được TS. Thiên chỉ rõ, cơ khí nông nghiệp không phát triển được do hạn chế của chính sách đất đai, chưa tích tụ được ruộng đất. Điều này, làm hạn chế phát triển cơ khí nông nghiệp, công nghệ chế biến, cũng như áp dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Nam, dù có thế mạnh về máy nông nghiệp và chế biến, vẫn không phát triển được sản phẩm cơ khí. Những hạn chế của chính sách đất đai, ruộng đất chưa được tích tụ, đang là những nút thắt trong phát triển cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Cong nghiep che tao let det theo 4.0

Điểm TS. Thiên cho là “đặc biệt quan trọng” là công tác đào tạo nhân lực cơ khí đã trở thành một trong những lỗi hệ thống của nước ta. Khoảng cách giữa thực tế và đào tạo đang ngày một lớn. Trong khi đó, ở các nước phát triển luôn có sự giàng buộc về mặt pháp chế cho đào tạo nhân lực cơ khí.

Báo cáo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, với đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) ước đạt 40,23%. 

Nhìn vào mức tăng trưởng của Việt Nam, ông Tee cho đây là mức tăng trưởng đáng ngưỡng mộ. Nó cũng phản ánh tăng trưởng về xuất khẩu và mang lại lợi ích cao, trong đó có phần đóng góp của cơ khí chế tạo.

Từ 10 năm trở lại đây, ông Tee nói đã nhìn thấy những ảnh hưởng rất lớn của ứng dụng 4.0 với kinh tế thế giới. Song với nền tảng công nghệp chế tạo hiện nay, ông nói rằng, Việt Nam còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể tạo được những bước chuyển mình, bắt kịp xu thế công nghiệp mới này.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới