Dệt may bừng tỉnh
Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc. Ảnh: TL
Tham dự Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt và may - thiết bị, nguyên phụ liệu & vải 2024, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đưa ra những thông tin rất tích cực về 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU và Nhật. Trong đó, tâm lý tiêu dùng của người dân Mỹ tích cực hơn do chi phí vay thấp hơn, giảm tác động của lãi suất thẻ tín dụng, cũng như thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế. Còn thị trường Nhật cũng đang thay đổi tiếp cận chính sách, chấp nhận lạm phát, mất giá đồng yen để đạt được tăng trưởng kinh tế. Chỉ có EU là “vùng mờ” về khả năng phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ trong trung hạn…
H&M, Walmart tăng đơn hàng
Những thông tin trên khớp với kết quả kinh doanh trong quý III/2024. Cụ thể, ngành dệt may ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu vượt 12 tỉ USD (đạt 12,4 tỉ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ và tăng 22% so với quý trước).
Mức tăng trưởng mạnh mẽ so với quý trước là nhờ nửa cuối năm thường là mùa cao điểm và đơn đặt hàng giá trị cao hơn cho bộ sưu tập Thu - Đông. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 32 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ và tăng 9,6% so với 9 tháng đầu năm 2019. Nói cách khác, sản lượng tiêu thụ hiện nay đã vượt mức trước COVID-19.
Trong đà tăng trưởng chung của ngành, trong quý III, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng cao kỷ lục, lần lượt đạt 2.400 tỉ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ và tăng 8,5% so với quý trước) và 111 tỉ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ và tăng 26% so với quý trước). Kết quả này nhờ doanh thu tăng mạnh trong mùa cao điểm và các đơn hàng tại thị trường Mỹ và châu Âu phục hồi (chiếm 80% tổng doanh thu, trong đó mỗi thị trường đóng góp một nửa) và mở rộng vào các thị trường xuất khẩu mới. Ban lãnh đạo TNG tiết lộ các khách hàng có quy mô lớn như H&M, Walmart, Lidl… đã hoàn thành quá trình kiểm định tại các nhà máy của Công ty và kỳ vọng sẽ gia tăng lượng đơn hàng trong năm 2025. Công ty đã nhận đủ đơn hàng đến quý I/2025 với giá bán bình quân cải thiện 5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, May Sông Hồng công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 1.750 tỉ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ và 31% so với quý trước) và 130 tỉ đồng (tăng 154% so với cùng kỳ và 51% so với quý trước), doanh thu quý III đánh dấu mức cao kỷ lục, trong khi lợi nhuận ròng cũng đạt mức cao sau 10 quý tăng trưởng chậm. Kết quả tích cực đến từ các đơn hàng phục hồi tại thị trường Mỹ (chiếm 70% doanh thu) và các đơn hàng sản xuất trong quý II/2024 được giao trong quý III/2024. Ban lãnh đạo của May Sông Hồng dự kiến thành lập liên doanh với Giza Co. For Upper Egypt Development tại Ai Cập, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty phát triển sang thị trường Mỹ và EU.
Lợi thế từ giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc
Ông Trường của Vinatex nhìn nhận, thị trường xuất khẩu dệt may trong 9 tháng vừa qua có dấu hiệu khởi sắc do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã giúp nhu cầu đặt hàng từ các đối tác phục hồi.
“Dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào nhưng đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện”, ông Trường cho biết.
Vì vậy, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định mục tiêu xuất khẩu 44 tỉ USD của ngành dệt may năm 2024 rất khả thi bởi cuối năm là cao điểm cho đơn hàng sản xuất mùa lễ hội Giáng sinh, năm mới.
Trong dài hạn, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng các nhà bán lẻ lớn tiếp tục đa dạng hóa đơn hàng từ nhiều nước xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro. Đáng chú ý, các công ty thời trang Mỹ đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc “giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc”. Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ (USFIA), 80% số người tham gia khảo sát có kế hoạch cắt giảm nguồn cung hàng may mặc từ Trung Quốc trong 2 năm tới.
Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, nhờ chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc; mức thuế với Mỹ thấp hơn so với Trung Quốc (mức độ phụ thuộc vào chính sách của chính quyền mới của Mỹ); và lợi thế lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh. Việt Nam có chi phí vận chuyển đến Mỹ thấp hơn so với Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka, nhưng cao hơn Mexico. Tuy nhiên, Việt Nam vượt trội hơn Mexico nhờ nhân công rẻ hơn và kỹ năng sản xuất cao hơn.
Báo cáo của SSI lưu ý rằng Mỹ sẽ cần thời gian để đưa ra “thuế suất toàn diện”, dự kiến sẽ áp dụng vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ đẩy mạnh đơn hàng trước khi mức thuế quan mới được áp dụng, không chỉ tại Trung Quốc mà còn trên toàn cầu.
Dù đạt nhiều kết quả khả quan, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, cho rằng ngành dệt may trong nước vẫn đang chịu áp lực cạnh tranh lớn khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP. Đơn cử, so với Bangladesh, Việt Nam có chi phí lao động cao hơn. Bangladesh được hưởng ưu đãi thuế quan do là nước kém phát triển, trong khi Việt Nam phải thực hiện đồng bộ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, so sánh về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với Bangladesh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nổi trội hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư