Hủy
Kinh Doanh

Deutsche Bank: Sự liên kết giữa dầu thô và USD

Thứ Năm | 02/05/2013 18:51

Việc đồng USD mạnh lên trong dài hạn có thể khiến giá dầu giảm trong thời gian tới, theo Deutsche Bank.
 

Mối liên hệ giữa đồng USD và giá dầu rất phức tạp. Trong những năm 1990, nghiên cứu cho thấy nếu giá dầu tăng 10% thì sẽ khiến USD tăng khoảng 1,5%.

Điều này phản ánh một thực tế là khi giá dầu tăng làm tăng nhu cầu giao dịch USD để mua dầu thô. Ngoài ra, nó có nghĩa là một sự chuyển giao tài sản từ nước tiêu thụ sang nước sản xuất dầu mỏ, đặc biệt là ở Trung Đông. Sau đó, tiền từ dầu lại có tác động với chứng khoán Mỹ và đồng USD được hưởng lợi từ sự luân chuyển vốn.

Tuy nhiên kể từ năm 2001, mối liên hệ giữa giá dầu và USD đã sụp đổ khi giá dầu tăng cao trùng hợp với sự giảm giá của USD. Theo quan điểm của Deutsche Bank, điều này có liên quan đến thực tế là giá dầu tăng cao dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong thâm hụt thương mại của Mỹ.

Trên thực tế các sản phẩm xăng dầu chiếm khoảng 50% toàn bộ thâm hụt thương mại của Mỹ. Kết quả là, khi tỷ lệ lãi suất của Mỹ giảm và cân bằng cơ bản Mỹ xấu đi, giá dầu tăng cao có liên quan với một đồng USD yếu hơn.

Hiện nay, sự chú ý lại một lần nữa chuyển sang kịch bản xu hướng tăng dài hạn mới trong đồng USD có thể ảnh hưởng đến giá dầu như thế nào? Nếu có, quan hệ nhân quả giữa giá dầu và USD sẽ được đảo ngược.

Thực tế, việc USD tăng giá sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu dầu thô cho các quốc gia tiêu thụ, đặc biệt là ở châu Á, và do đó hạn chế nhu cầu dầu mỏ toàn cầu ở mức cận biên. Châu Á và đặc biệt là Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu, phản ánh không chỉ nhu cầu tăng trưởng tại các nước đó mà còn nhu cầu về thương mại cũng như mục đích dự trữ chiến lược.

Điều này là trái ngược với xu hướng giảm nhập khẩu dầu ở Mỹ do sự tăng trưởng nhanh trong nguồn cung trong nước, đặc biệt là đá phiến sét cung cấp dầu. Thực sự, khoảng cách giữa nhu cầu nhập khẩu dầu của Mỹ và Trung Quốc đã ở mức thấp trong năm qua và có vẻ như Trung Quốc đang có xu hướng vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất.

Về phía cung, USD tăng giá có thể cũng làm tăng sức hấp dẫn cho các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trong khai thác nguồn lực hiện có và tăng sản lượng dầu, kể từ khi dầu được định giá bằng USD.

Theo Deutsche Bank, cuối năm nay, giá dầu thô Brent sẽ giảm 16% so với giá cuối năm 2012. Điều này có nghĩa giá dầu Brent ở khoảng 93 USD/thùng vào cuối năm nay, tương ứng với giá dầu thấp hơn mức ngân hàng dự báo hiện hành. Do đó, dự báo đồng USD mạnh của Mỹ cũng có nghĩa là giá sàn phải được xác định lại.

Việc giá dầu giảm dưới 100 USD/thùng có khả năng sẽ khiến OPEC hành động để bảo vệ mức giá bằng cách giảm cung. Theo ngân hàng, mức giá hòa vốn trên cơ sở tài chính và ngân sách cho các thành viên chủ chốt của OPEC là khoảng 80 USD/thùng với giá dầu Brent.

Nguồn Commodityonline/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới