Hủy
Kinh Doanh

Dòng tiền mới cho thị trường chứng khoán 2021

Thùy Phạm Thứ Hai | 16/11/2020 07:30

Đại dịch COVID-19 mang đến nhiều thử thách cho sức khỏe nền kinh tế nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán. Ảnh: Quý Hòa

 
 
Kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trong năm 2021 là yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư.

Đại dịch COVID-19 mang đến nhiều thử thách cho sức khỏe nền kinh tế nhưng cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán nhờ sự kiểm soát tốt dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam và sự gia nhập của nhiều “dòng tiền mới” hậu COVID-19. Trao đổi giữa ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành - Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital và bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thiên Việt, đã cung cấp nhiều thông tin mới về xu hướng đầu tư cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021. Bắt đầu từ những câu hỏi của bà Thảo.

Năm nay, chúng tôi nhận thấy những công ty đầu tư lớn nhất đang nắm giữ các loại tài sản như cổ phiếu, tài sản cố định, vốn cổ phần tư nhân, năng lượng, cơ sở hạ tầng và một số tài sản khác. Ông có thể chia sẻ quan điểm của  mình về các loại tài sản không? 

Tôi nghĩ khi xem xét các loại tài sản ở Việt Nam, chúng ta nên chia thành nhiều nhóm khác nhau, bắt đầu với những tài sản có tính thanh khoản cao như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu chính phủ, sau đó là vàng, cổ phiếu, cổ phần tư nhân, cơ sở hạ tầng, rồi tiếp đến là vốn đầu tư mạo hiểm. Mỗi loại tài sản sẽ có mức rủi ro và phản ứng khác nhau khi đại dịch được kiểm soát.

Hầu hết mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy giá cổ phiếu biến động trên thị trường chứng khoán hằng ngày, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, cũng có những loại tài sản khác như bất động sản, mức giá lại ổn định hơn nhiều trong giai đoạn đại dịch này.

Phải thừa nhận dịch COVID-19 đã tạo ra rất nhiều cơ hội để đầu tư, đặc biệt vào thị trường chứng khoán. Chỉ riêng trong năm nay, chúng ta có kỷ lục về số lượng tài khoản mở mới tại các công ty chứng khoán cùng với sự gia nhập thị trường mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư F0. Điều đó có nghĩa là rất nhiều nhà đầu tư trong nước sẵn sàng đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Vào năm 2016, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường diễn ra sự tăng trưởng 15 tháng trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sau đó thị trường đi xuống và đi ngang. Theo ông, kết quả cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam như thế nào?

Quá trình bầu cử Mỹ gây ra ảnh hưởng tâm lý và các biến động cho chứng khoán Mỹ: điều chỉnh vào cuối tháng 10 và phục hồi lại vào đầu tháng 11. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp với mức thanh khoản giảm trong đầu tháng 11 vì nhà đầu tư thận trọng trước kết quả bầu cử. Tuy nhiên, trong dài hạn, dù ứng viên nào đắc cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chứng khoán Mỹ. Do đó, chúng tôi kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi gián tiếp từ sự tăng trưởng của thị trường Mỹ.

Sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, một yếu tố thu hút sự chú ý của thị trường chứng khoán sẽ là gói kích thích tài khóa mà Chính phủ Mỹ đang đệ trình. Dù rằng vẫn còn nhiều tranh luận về quy mô thích hợp (2.000 tỉ USD đến 2.500 tỉ USD), gói kích cầu này sẽ có tác dụng tích cực cho kinh tế Mỹ, thị trường chứng khoán  Mỹ và thế giới. Từ đó sẽ gián tiếp kích thích kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Ngoài ra, môi trường lãi suất ở Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới hiện đang duy trì ở mức rất thấp. Vì vậy, các quỹ đầu tư ở Mỹ sẽ xem xét những thị trường tài chính mới nổi có tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam. Chúng tôi cho rằng bất kể điều gì xảy ra trong ngắn hạn và trung hạn, tiền sẽ đổ về những nơi như Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.

 
 

Chẳng hạn, ở Việt Nam, nhà đầu tư có thể hưởng lãi từ chia cổ tức ở mức 3-4%, lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức 3-4% và tiền gửi có kỳ hạn ở mức 6-7%. Đây thực sự là mức lợi nhuận cao khi so sánh với lợi suất tại các thị trường phát triển, nhất là trong bối cảnh tiền đồng Việt Nam đang ổn định. Hiện nay, ngân hàng trung ương các nước đang bơm một lượng vốn mới khoảng 6.000 tỉ USD (gấp 3 lần so với cuộc khủng hoảng trước) vào các thị trường trên thế giới để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19. Nhà đầu tư quốc tế luôn muốn tìm kiếm những quốc gia có sự ổn định về chính trị và mức tăng trưởng GDP bền vững để đầu tư tiền của mình.

Việt Nam sẽ sớm gia nhập nhóm thị trường mới nổi - MSCI Emerging Markets. Khi đó, chúng ta có thể tiếp cận nguồn vốn lớn gấp hàng trăm lần so với hiện nay. Nhà đầu tư quan tâm những gì trong xu hướng này?

Các quỹ thụ động đơn thuần đầu tư theo chỉ số, do đó họ sẽ quan tâm đến các cổ phiếu có market cap lớn, thanh khoản cao và còn room cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, đối với các quỹ đầu tư chủ động, trong dài hạn, họ còn quan tâm đến sức khỏe tài chính, tiềm năng tăng trưởng, tỉ suất cổ tức và mức độ minh bạch quản trị của các doanh nghiệp. 

Nhưng sẽ có khó khăn trong môi trường lạm phát cao, lãi suất cao, tỉ lệ nợ xấu cao...?

Chúng tôi cho rằng thị trường hiện nay có nền tảng tốt hơn và không rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như 10 năm trước đây. Từ năm 2008-2010, tín dụng ở Việt Nam tăng trưởng nóng ở mức 25-35%, lạm phát tăng cao trên 10-20%, Việt Nam nhập siêu và tiền đồng bị mất giá. Những điều này không xuất hiện trong hoàn cảnh hiện nay khi Việt Nam đang có nền kinh tế xuất siêu cao (khoảng 18-19 tỉ USD) cùng với dòng vốn FDI duy trì ở mức cao hỗ trợ tiền đồng ổn định và lạm phát ở mức thấp.

Một yếu tố khác là gói hỗ trợ lãi suất 1 tỉ USD được thực hiện vào năm 2009-2010 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp cho mục đích sản xuất kinh doanh. Đối với các khoản vay này, chính phủ sẽ hỗ trợ trả một phần lãi suất cho ngân hàng. Tuy nhiên, một phần của nguồn vốn này có thể đã được sử dụng không cho mục đích kinh doanh chính, mà thay vào đó, lại đổ vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

Hiện nay, Chính phủ không thực hiện hỗ trợ lãi suất do dịch COVID-19. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các giải pháp điều hành mang tính thị trường hơn: khuyến khích ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu vay yếu do dịch COVID-19. Đến khi nền kinh tế và sức cầu phục hồi, mặt bằng lãi suất sẽ dần phục hồi trở lại. Chúng tôi cho rằng cách làm này sẽ giảm rủi ro bong bóng giá tài sản như đã thấy trong quá khứ. 

Theo ông, nên lựa chọn đầu tư gì trong thời điểm này và phân bổ vốn ra sao? 

Chúng ta nên đầu tư gì cho năm 2021? Thật sự là thị trường đang biến đổi rất nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, các nhà đầu tư thường cố gắng bắt đáy và bán ở đỉnh, nhưng tôi không nghĩ đó là điều đúng. Nếu bạn không phải là một nhà đầu tư chuyên nghiệp, bạn có thể trích 5-10% thu nhập hằng tháng để đầu tư. Để đầu tư vào thị trường chứng khoán, bạn có thể bỏ tiền vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ ETF, quỹ mở, quỹ cân bằng... 

 

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh của các doanh nghiệp tỉ USD như Hòa Phát, Vinamilk, FPT... Chiến lược đầu tư của ông là gì?

Tại VinaCapital, chúng tôi đầu tư theo quan điểm trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi không đầu tư vào cổ phiếu, mà đầu tư chính vào công ty và đồng hành với công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình đầu tư, chúng tôi mong muốn hỗ trợ công ty về phát triển hạ tầng, con người, sản phẩm mới và hệ thống phân phối. Tâm lý của nhà đầu tư cá nhân thường mang tính ngắn hạn, bạn chỉ mong một ngày nó tăng giá rồi bán. Chúng tôi không làm vậy, chúng tôi đầu tư trong dài hạn, tối thiểu là khoảng 4-5 năm. Ví dụ như ở Hòa Phát, chúng tôi đầu tư 15-16 năm. Cách làm này giúp chúng tôi thành công khi đầu tư vào Y khoa Hoàn Mỹ, PNJ, Nhà Khang Điền, Dược Hậu Giang, Dược Domesco… 

 

Nhưng trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu đôi khi thay đổi theo hướng không tương ứng với kết quả hoạt động của doanh nghiệp?

Đúng. Vì vậy, hãy lựa chọn đầu tư vào các mã ngành mà bạn am hiểu hơn về mô hình kinh doanh cũng như về tiềm năng tăng trưởng. Cùng với xu hướng gia tăng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về các sản phẩm như nhà ở, ô tô, xe máy cũng tăng lên. Bên cạnh đó, các khối ngành ngân hàng, bất động sản, chăm sóc sức khỏe cũng ghi nhận sự tăng trưởng giá trị tốt.

Vốn FDI cũng là một dòng tiền quan trọng. Tuy nhiên, dòng tiền này sẽ không đến với bạn trừ khi doanh nghiệp của bạn trở thành khách hàng của họ. Tiếp theo là dòng tiền từ ngân hàng, từ ngân hàng thương mại đến các ngân hàng nhỏ. Cơ hội đến từ việc chính phủ hỗ trợ các ngân hàng, doanh nghiệp có khả năng tái cấu trúc.

Dòng tiền từ trái phiếu doanh nghiệp vài năm gần đây cũng có xu hướng tăng trưởng rất nhanh. Nhà đầu tư muốn tiếp cận những trái phiếu có tính thanh khoản tốt hoặc những trái phiếu doanh nghiệp đã được niêm yết. Nhưng nhìn chung, bạn cần phải có một danh mục đầu tư đa dạng. Chúng tôi đang huy động vốn từ cả thị trường trong nước và nước ngoài, hướng đến các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và muốn có một danh mục đầu tư cổ phiếu có tính đa dạng hóa cao.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới