Hủy
Kinh Doanh

Dự kiến IPO nhà máy lọc dầu Dung Quất giữa năm 2017

Thứ Tư | 07/09/2016 17:52

 
 
Các đối tác đến từ Nga, Thái Lan và Kuwait đã bày tỏ mong muốn được trở thành nhà đầu tư chiến lược của nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo nguồn tin của Reuters, Việt Nam dự kiến sẽ cổ phần hóa nhà máy lọc dầu Dung Quất vào tháng 6/2017. Các công ty năng lượng của Nga, Thái Lan và Kuwait đã bày tỏ mong muốn được trở thành nhà đầu tư chiến lược của nhà máy lọc dầu này.

"Chúng tôi chưa quyết định sẽ tiến hành đấu giá bao nhiêu cổ phần trong lần đầu bán cổ phần ra công chúng (IPO) bởi còn tùy vào tình hình thị trường", ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất), cho biết trên Reuters.

Mặc dù vậy, ông cũng cho biết một nhà đầu tư chiến lược có thể được mua tới 49% cổ phần Bình Sơn.

Lãnh đạo Công ty Bình Sơn cũng cho biết Chính phủ đang xây dựng lộ trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này, dự kiến hoàn tất vào ngày 30/6/2017.

Bên cạnh đó, Rosneft (công ty năng lượng lớn nhất Nga), Gazprom Neft (lớn thứ 4 Nga), PTT (lớn nhất Thái Lan) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait (KPC) đã bày tỏ sự quan tâm đến việc cổ phần hóa tại Dung Quất, ông nói.

"Chúng tôi chưa chọn bất kỳ đối tác chiến lược nào. Chúng tôi cần một đối tác có thể đảm bảo nguồn cung dầu thô từ 50-100 năm nữa", ông Nguyên cho biết trên Reuters.

Được biết trước đây, Gazprom Neft đã ký văn kiện dự định mua 49% tỷ lệ sở hữu và quản lý nhà máy của công ty Bình Sơn với Petrovietnam.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất nằm ở tỉnh Quảng Ngãi có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, tương đương 130.500 thùng mỗi ngày. Nhà máy này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước kể từ khi bắt đầu vận hành vào năm 2011.

Trong quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, từ ngày 1-1-2017, lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính.

Theo đó, Nhà nước sẽ bãi bỏ thu điều tiết đối với các sản phẩm dầu, LPG, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước (hiện đang ở mức 13% đối với xăng); giảm thuế nhập khẩu dầu diesel và nguyên liệu bay Jet A1 từ 10% hiện tại về 0%; bãi bỏ các ưu đãi (hiện được cộng 3-7% thuế nhập khẩu vào giá bán)...

An Phong

Nguồn Reuters


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới