Hủy
Kinh Doanh

Gạch men thử lửa

Nguyễn Kim Thứ Tư | 23/07/2025 07:30

Theo Mordor Intelligence, thị trường gạch ốp lát Việt Nam đang có sự tăng trưởng đáng kể, dự kiến sẽ mở rộng đều đặn, đạt quy mô thị trường 3,91 tỉ USD vào năm 2029. Ảnh: TL

 
 
Doanh nghiệp gạch ốp lát đối mặt với khó khăn kép - sức ép cạnh tranh cũng như điểm rơi của thị trường.

Gạch men Thanh Thanh đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất với lợi nhuận liên tục suy giảm. Năm 2024 doanh thu của Công ty giảm 24,2% còn 172,5 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 59,7% chỉ còn 3,05 tỉ đồng. Tình hình còn tồi tệ hơn trong quý I/2025, khi doanh thu thuần chỉ đạt gần 28 tỉ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn gần 67 triệu đồng (giảm tới 89%). 

Đây sẽ là một thử thách lớn đối với một công ty có lịch sử hơn 50 năm trong bối cảnh nội tại yếu kém và môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt. Nhiều lãnh đạo của Gạch men Thanh Thanh cũng đồng loạt nộp đơn từ nhiệm, cho thấy sự bất ổn trong bộ máy quản lý. Sự sa sút của doanh nghiệp này phản ánh giai đoạn đỉnh điểm khó khăn của thị trường gạch ốp lát tại Việt Nam.

Theo Mordor Intelligence, thị trường gạch ốp lát Việt Nam đang có sự tăng trưởng đáng kể, dự kiến sẽ mở rộng đều đặn, đạt quy mô thị trường 3,91 tỉ USD vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng kép 4,52% trong giai đoạn 2024-2029. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu gạch ốp lát hàng đầu thế giới (đứng thứ 7 về sản lượng gạch ceramic năm 2024 và nằm trong Top 4 thế giới về sản xuất gạch ốp lát). Các doanh nghiệp lớn chiếm thị phần đáng kể bao gồm Prime, Viglacera, Vitto, Mikado, Tasa, Hoàn Mỹ, Catalan, Thanh Thanh, Taicera, Nice Ceramic, RedstarCera, Đồng Tâm...

Ngành gạch ốp lát Việt Nam có công suất sản xuất lớn nhưng sản lượng thực tế thường thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế. Tình trạng cung vượt cầu tạo ra áp lực cạnh tranh về giá và sản lượng tiêu thụ. Số lượng doanh nghiệp trong ngành lớn, sản phẩm thiếu sự khác biệt rõ nét, khiến cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra về giá. Chẳng hạn, với áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm của Ấn Độ và Trung Quốc, Vicostone đã phải giảm giá bán trung bình 20% trong giai đoạn 2019-2023. Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại vừa xác nhận, hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch ốp lát có xuất xứ từ Ấn Độ.

 

 Nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát nội địa đang chịu 2 sức ép: gạch nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ với giá rẻ đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gay gắt với hàng nội địa. Ở phân khúc cao cấp, các loại gạch nhập khẩu chất lượng cao từ Tây Ban Nha, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Ấn Độ... cũng khiến các hãng sản xuất gạch nội địa cảm thấy “khó thở”. 

Ngoài ra, ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, cho biết giá gạch ốp lát và sứ vệ sinh không tăng nhưng giá nguyên nhiên liệu tăng cao đang là sức ép của nhiều doanh nghiệp trong ngành.

Trong khi đó, không ít hãng gạch nội địa đang đối mặt với các vấn đề nội tại, như dây chuyền sản xuất lỗi thời là một ví dụ. Gạch men Thanh Thanh, chẳng hạn, hiện có 4 dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế 4,5 triệu m2/năm. Phần lớn thiết bị, máy móc đã hoạt động trên 20 năm, thường xuyên hư hỏng, nên sức cạnh tranh ngày càng giảm sút so với các đối thủ trong và ngoài nước. 

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, ngành gạch ốp lát có thể phục hồi trong thời gian tới, nhờ kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, đầu tư công là động lực lớn nhất cho thị trường vật liệu xây dựng nói chung và gạch ốp lát nói riêng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, sản lượng sản xuất gạch ốp lát trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 225 triệu m², tương đương 55% công suất thiết kế toàn ngành. Tiêu thụ nội địa đạt khoảng 220 triệu m², cho thấy thị trường trong nước đã hấp thụ phần lớn lượng sản xuất. Xuất khẩu đạt khoảng 23 triệu m², tương đương 115 triệu USD, trong khi nhập khẩu đạt 37 triệu USD.

Trong bối cảnh này, các công ty gạch ốp lát của Việt Nam buộc phải có những bước đi chiến lược nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh. Trong đó, các công ty có tiềm lực mạnh đang chuyển đổi tập trung cho nhóm sản phẩm gạch ốp lát cao cấp hoặc đầu tư cho phân khúc gạch ốp lát khổ lớn. Chẳng hạn, Vicostone vẫn duy trì chiến lược sản phẩm chất lượng cao, với mức giá gần gấp đôi so với các đối thủ. Để đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định, Vicostone chủ động tới hơn 95% nguyên vật liệu đầu vào. “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thị phần quan trọng, nhưng không phải là yếu tố sống còn. Thay vào đó, Công ty tập trung vào hiệu quả kinh doanh”, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vicostone, nói.

 Mở rộng thị trường xuất khẩu cũng được xem là một biện pháp để giảm thiểu tình trạng dư thừa công suất trong nước. Kim ngạch xuất khẩu gạch ốp lát dự kiến tiếp tục tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn tại những thị trường quốc tế như Mỹ, EU, đặc biệt là các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á và Trung Đông... Tại thị trường Mỹ, kể từ tháng 8/2025, hàng từ Thái Lan và Indonesia sẽ bị áp thuế lần lượt là 36% và 32%, trong khi Việt Nam giữ mức ổn định 20%. Điều này sẽ gia tăng cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ (tổng giá trị nhập khẩu gạch ốp lát đạt khoảng 1,6 tỉ USD trong năm 2023).

 Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp như Hoàng Gia, Đồng Tâm hay Viglacera đã có công nghệ nung khí sạch LNG, in kỹ thuật số và dây chuyền đóng gói tự động hóa để đáp ứng tiêu chuẩn ESG mà các nhà nhập khẩu Mỹ đang đặc biệt quan tâm. Ông Mai Xuân Đức, Tổng Giám đốc Viglacera, cho biết sản phẩm gạch ốp lát của Viglacera đã được lựa chọn để thi công tháp giải nhiệt nước cho hệ thống điều hòa của Tòa nhà Quốc hội Mỹ. 

Có thể bạn quan tâm 

Đầu tư công đua nước rút


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới