Hủy
Kinh Doanh

Giá dầu quay đầu giảm do hoài nghi về khả năng cắt giảm sản lượng

Thứ Năm | 14/04/2016 06:18

 
 
Tâm lý bi quan đang bao trùm lên triển vọng về thỏa thuận kiềm chế sản lượng của các nước sản xuất dầu thô chủ chốt.

Phiên 13/4, cả giá dầu Brent và dầu Mỹ đều giảm sau số liệu đáng thất vọng về nguồn cung dầu thô của Mỹ và thị trường lo ngại nhiều hơn về triển vọng các nước sản xuất chủ chốt đạt được thỏa thuận kiềm chế sản lượng.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 5/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 41 cent, tương ứng 1%, xuống 41,76 USD/thùng.

Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 51 cent, tương đương 1,1%, xuống 44,18 USD/thùng.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, lượng dầu lưu kho của nước này trong tuần kết thúc vào 8/4 tăng 6,6 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 1,8 triệu thùng của các nhà phân tích. Báo cáo cũng cho biết, nhập khẩu dầu thô của Mỹ tuần qua tăng trong khi nhu cầu lọc dầu giảm.  

Sau khi chạm mức thấp nhất nhiều năm qua hồi đầu năm nay, giá dầu thô đã tăng trở lại do đồn đóa các nước sản xuất sẽ bắt đầu kiềm chế sản lượng nhằm giải quyết tình trạng thừa cung toàn cầu và phục hồi giá. Bằng chứng rốt cuộc cũng đã xuất hiện tại châu Mỹ Latin, châu Á và thậm chí cả Mỹ với số liệu công bố hôm thứ Tư 13/3 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng dầu thô của nước này lần đầu tiên kể từ tháng 9/2014 giảm xuống dưới 9 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những yếu tố không mấy lạc quan. Lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua bất ngờ tăng mạnh lên 536 triệu thùng, lập kỷ lục mới và giới đầu tư cũng hoài nghi nhiều hơn về khả năng đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng trong phiên họp ngày 17/4 tại Doha của các nước sản xuất dầu thô chủ chốt cũng như tác động tích cực của thỏa thuận này đối với giá dầu.

Iran tuyên bố sẽ không tham gia thỏa thuận cho đến khi đạt được sản lượng bằng mức trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt trong khi sản lượng dầu thô của Iraq và Nga trong tháng 3 lập kỷ lục mới.

Morgan Stanley cho biết, phiên họp tại Doha vào ngày 17/4 tới đây đang chi phí tâm lý thị trường và sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tuần này. Nhưng ngay cả khi đạt được thỏa thuận, tác động đến giá dầu cũng rất hạn chế.

Trong khi đó, theo báo cáo hàng tháng của OPEC, sản lượng dầu thô của khối này trong tháng 3/2016 tăng 15.000 thùng lên 32,25 triệu thùng, chủ yếu do sản lượng của Iran tăng mạnh, trong khi sản lượng dầu thô toàn cầu dường như đang giảm nhanh hơn dự đoán do giá dầu lao dốc trong 2 năm qua.

Phan Nguyễn

Nguồn WSJ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới