Hủy
Kinh Doanh

Giải mã sóng cổ phiếu mía đường

Thứ Ba | 24/11/2015 10:28

 
 
Giá cổ phiếu mía đường đã tăng mạnh trong 6 tháng vừa qua và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. SBT, BHS và SLS là các mã tăng mạnh nhất.

Ngày 24/8, VN-Index có phiên giảm kỷ lục 29,37 điểm, thiết lập mức đáy của cả năm 2015. Tròn 3 tháng đã trôi qua, VN-Index đến nay đã hồi phục mạnh mẽ, lấy lại được mốc 600 điểm, tăng gần 14% so với phiên đáy của 3 tháng trước. Động lực tăng điểm lớn nhất của thị trường trong 3 tháng qua là việc Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán, bên cạnh đó là thông tin thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp hàng đầu và tin nới room cho khối ngoại.

Trong 3 tháng qua, có rất nhiều cổ phiếu đã tăng giá mạnh, trong đó, một trong số các nhóm cổ phiếu đáng chú ý nhất là nhóm mía đường, mà tiêu biểu là bộ ba SBT, BHS và SLS.

Tính trong vòng 3 tháng, giá SBT đã tăng 35%; BHS tăng 40% và SLS tăng 124%, mức tăng rất lớn chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu quan sát trong khoảng thời gian lớn hơn và so với các mức đáy trong năm 2015, SBT tính từ tháng 5 đã tăng 86%; BHS tính từ tháng 5 tăng 137%; SLS tính từ giữa tháng 4 đến nay tăng 163%. Điều gì đã khiến các cổ phiếu mía đường trở nên hấp dẫn đến vậy?

Kết quả kinh doanh khả quan

Quý II/2015 và quý III/2015 là giai đoạn giá cổ phiếu nhóm mía đường bắt đầu đi lên và kéo dài sang quý IV. Trong 2 quý giữa năm, các cổ phiếu mía đường đều đạt kết quả tích cực.

Quý II/2015, lợi nhuận của SBT đạt 76,6 tỷ đồng, tăng vọt hơn 330% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang quý III/2015 (quý I niên độ tài chính 2015-2016 của SBT), lợi nhuận của SBT là 53,15 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.

BHS doanh thu trong cả 2 quý đều tăng so với cùng kỳ. Lợi nhuận quý II tuy giảm nhẹ 20% so với cùng kỳ nhưng sang quý III đã tăng trở lại, mức tăng là 122%, lợi nhuận đạt 36,15 tỷ đồng.

SLS là doanh nghiệp có mức tăng lợi nhuận lớn nhất. Quý II doanh nghiệp lãi gấp 3,7 lần cùng kỳ và quý III lãi gấp 7,1 lần cùng kỳ. Lãi lũy kế 9 tháng của SLS đạt 72,9 tỷ đồng, EPS 10.726 đồng/cổ phiếu, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

Giá mía đường thế giới

Giai đoạn giá cổ phiếu mía đường tăng cao cũng là thời kỳ diễn biến giá đường thế giới tăng vọt. Từ mức đáy 332 USD/tấn ngày 17/8, giá đường trên sàn London đã tăng lên 412,55 USD trong phiên 23/11, liên tiếp xác lập các mức đỉnh mới cho năm 2015.

Giai ma song co phieu mia duong
 

Cùng với diễn biến giá đường thế giới hiện nay, cho dù VN-Index và HNX-Index đang trong xu hướng đi ngang, nhưng các cổ phiếu mía đường trên sàn chứng khoán những phiên gần đây vẫn tiếp tục tăng giá với mức tăng ấn tượng. Tính riêng phiên 23/11, cổ phiếu LSS tăng trần; BHS tăng 6%; KTS tăng 4%; SBT tăng gần 5%; SLS tăng 3%, trong khi VN-Index giảm 0,74% và để mất mốc 600 điểm.

Khó khăn trước TPP

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tham gia TPP về mặt tổng thể có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng lại khiến ngành đường gặp khó khăn. Theo một báo cáo của Công ty chứng khoán BSC, việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại sẽ buộc ngành mía đường của Việt Nam phải mở cửa với các đối thủ nước ngoài, gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu. Do đó, ngành mía đường sẽ gặp khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong các nước tham gia TPP có Australia - nước xuất khẩu mía đường lớn thứ 3 thế giới với chi phí sản xuất khoảng 20 USD/tấn, trong khi ở Việt Nam là khoảng 55-60 USD/tấn.

Trong báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) về ngành mía đường, VCSC cho rằng, trong điều kiện ngành mía đường hiện vẫn được bảo hộ thông qua hạn ngạch và thuế quan, lợi thế sẽ vẫn là các công ty có khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu, năng suất sản xuất cao hơn và có khả năng khai thác phụ phẩm sau đường tốt hơn.

Giai ma song co phieu mia duong
 

Tuy biến động giá cổ phiếu mía đường cùng chiều với giá đường thế giới, nhưng VCSC cho rằng ảnh hưởng của giá đường thế giới tăng trong thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu các nhà máy, do về cơ bản cung cầu trong nước không bị biến động. VCSC đánh giá triển vọng dài hạn của ngành mía đường trong nước kém khả quan do áp lực cạnh tranh trước Thái Lan (nước xuất khẩu đường thứ 3 thế giới), các nước ASEAN và TPP trong vài năm tới.

Ngoài ra, quá trình thâu tóm, sáp nhập, mở rộng quy mô hoạt động đang và sẽ tiếp tục diễn ra trong ngành mía đường như một xu thế tất yếu nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh trước hội nhập. Mới đây, SEC đã hủy niêm yết để sáp nhập vào SBT còn NHS hủy niêm yết để sáp nhập vào BHS. Các doanh nghiệp mía đường đang ngày càng to lớn để đón đầu TPP còn giá cổ phiếu vẫn chưa ngừng tăng.

Minh Quân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới