Hủy
Kinh Doanh

Gương mặt mới ở Sacombank

Việt Dũng Thứ Hai | 03/07/2017 12:30

NCDT

 
 
Sau rất nhiều sóng gió và ồn ào, cuối cùng, chiếc ghế cao nhất ở Sacombank đã có chủ mới.

M&A không êm ả

Hành trình mua bán và sáp nhập (M&A) Sacombank chưa bao giờ êm ả, từ khi nhóm cổ đông khác bước chân vào ngân hàng này cách đây 5 năm. Với tâm điểm là một ngân hàng tư nhân có thương hiệu, có tài sản, Sacombank luôn là “đích nhắm” của các tập đoàn tư nhân. Cuộc đua vào Hội đồng Quản trị ở Sacombank gay cấn đến phút cuối cùng. Ứng viên nào cũng đều là những tay lão luyện và có tiềm lực trong ngành tài chính và bất động sản.

Cái tên đầu tiên có thể nói đến là Nova Group với cánh tay Novaland sở hữu nhiều dự án bất động sản, quỹ đất lớn và đa dạng. Dù không phải là một tổ chức tín dụng, nhưng khả năng huy động vốn cho các dự án của Novaland được đánh giá là khá tốt.

Nhóm cổ đông thứ hai là Công ty Cổ phần Him Lam với cấu trúc hoạt động chia nhiều lĩnh vực, nhưng phân bố trọng tâm ở bất động sản cùng tài chính (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Chứng khoán Liên Việt). Chưa tính đến các dự án chủ lực là bất động sản, những ông chủ ở Him Lam cũng có tư duy M&A ngay từ sớm. Điển hình là thương vụ Bưu điện Việt Nam góp vốn cổ phần vào Ngân hàng Liên Việt. Sau đó, ngân hàng này đổi tên và sở hữu hệ thống điểm bưu điện khắp Việt Nam.

Nhóm nhà đầu tư tiềm năng thứ 3 tuy mới mà cũ, là Tập đoàn Thành Thành Công với tên tuổi của một trong những nhà sáng lập Sacombank, ông Đặng Văn Thành. Sức mạnh của Thành Thành Công trước đây là mía đường, nhưng quy mô tập đoàn sau này phình to ra là nhờ vào các hoạt động M&A trong ngành, rồi lấn sân sang lĩnh vực năng lượng và gần đây là mua lại các bất động sản du lịch ở các tỉnh có tiềm năng và thuận lợi về du lịch. Chưa hết, một cánh tay khác của Thành Thành Công là Sacomreal hiện cũng đang kinh doanh bất động sản. Chính vì thế, nói Thành Thành Công có “thâm niên” M&A và phát triển bất động sản cũng không sai.

Có thể nhận thấy điểm chung của những ứng viên này, đó đều là những tập đoàn lớn, bén rễ sâu trong nền kinh tế bằng nhiều con đường, sử dụng phương thức M&A để nhanh chóng phình ra và phát triển. Hiểu được sức mạnh M&A của cả 3 ứng viên, mới biết được vì sao Sacombank là tâm điểm chú ý như vậy. Sacombank dù có nhiều nợ xấu, nhưng những khoản nợ này được cho rằng đảm bảo với lượng bất động sản thế chấp có giá trị và đầy tiềm năng. Cần nhớ rằng, muốn phát triển bất động sản thì yếu tố quan trọng nhất là quỹ đất.

Guong mat moi o Sacombank
 

Nova Group tuyên bố rút lui khỏi cuộc chơi, chỉ khoảng 4 tháng, tức trước kỳ đại hội cổ đông thường niên dự kiến được tổ chức lần đầu tiên. Sau đó, chiếc ghế của nhóm LienVietPostBank tưởng đã sắp xếp xong, bao gồm ông Nguyễn Đức Hưởng, khi đó giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị thường trực LienVietPostBank và bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Liên Việt. Tuy nhiên, đến trước kỳ đại hội thường niên dự kiến tổ chức lần thứ 2, cả hai ứng viên tiềm năng này đều xin rút tên.

Diễn biến tiếp theo đáng chú ý hơn. Ngân hàng LienVietPostBank ngay lập tức tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, bầu ông Hưởng vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tập đoàn Him Lam rút vốn khỏi LienVietPostBank. Kết quả cuối cùng là ông Dương Công Minh cũng đã ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất tại Sacombank.

Như dự kiến, cũng tại kỳ đại hội này, các cổ đông vẫn tiếp tục xôn xao tranh cãi vấn đề nhân sự. Có cổ đông còn lo ngại chuyện mở rộng sân bay sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Him Lam và gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của Sacombank. Tuy nhiên, ngược lại, cũng có những cổ đông ủng hộ Him Lam.

Vậy vai trò của nhóm nhà đầu tư Thành Thành Công đã kết thúc? Thực tế trao đổi trước báo giới, khi được hỏi liệu có quay trở về ngành ngân hàng, trong đó đặc biệt là sự trở lại với đứa con tinh thần Sacombank, ông Thành cũng đã úp mở. “5 năm vừa qua, M&A không chuyên nghiệp tạo ra sự tái cấu trúc hiện hữu bây giờ. Sacombank đang cần nhóm nào đó để tái cấu trúc lại. Nếu ai trong nước có đủ điều kiện tôi nghĩ đây là điều tốt cho Sacombank”, ông Thành nói.

Cũng đã có thời điểm nhiều người nghĩ đến chuyện chia sẻ lợi ích của hai cổ đông này, khi nhìn vào thương vụ ngân hàng LienVietPostBank mua trái phiếu 500 tỉ đồng do Sacomreal phát hành với lãi suất khá thấp trong tháng 5 vừa qua. Một điểm cần lưu ý thêm, trong đợt bầu cử Hội đồng Quản trị lần này chỉ bầu 6 người, trong khi danh sách dự kiến là 7 người. Trong đợt bầu bổ sung sắp tới, ai sẽ là người thứ 7?

Tái cấu trúc Sacombank

Giá cổ phiếu STB của Sacombank trong phiên giao dịch ngày diễn ra đại hội của Sacombank có mức sụt giảm đáng kể. Điều này cho thấy những dao động của thị trường trước Hội đồng Quản trị mới của Sacombank. Nhiệm vụ cho nhóm lãnh đạo mới này sẽ khá nặng nề, đó là xử lý nợ căn bản đặc biệt là sau thương vụ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Vị tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank có xác định các vấn đề quan trọng cần Sacombank xử lý ngay, bao gồm bố trí lại nhân sự ngân hàng cho phù hợp, thúc đẩy kinh doanh và đặc biệt là xử lý nợ xấu, quản trị tốt hơn vấn đề chi phí.

Guong mat moi o Sacombank
 

“Chúng tôi hứa sẽ sớm hoàn thành tái cấu trúc ngân hàng”, ông Minh nói. Trước đó, đề án tái cấu trúc của ngân hàng này được cơ quan quản lý đưa ra lộ trình là 10 năm, nhưng Hội đồng Quản trị xác định sẽ xử lý cơ bản trong vòng 3 năm và dứt điểm trong 5 năm tiếp theo.

Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2016 đã kiểm toán, Sacombank có 13.166 tỉ đồng nợ xấu, tương đương với 6,8% tổng dư nợ. Ngoài ra, số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) là 37.300 tỉ đồng. Đó là chưa tính đến phần lãi dự thu (báo cáo chưa kiểm toán chiếm 13,6% quy mô tổng tài sản).

Dù vậy, cơ chế xử lý nợ cũng được cơ quan quản lý tạo điều kiện ưu ái cho Sacombank. Các chính sách được hỗ trợ đáng kể là kéo dài thời gian trích lập. Chẳng hạn, nợ xấu được kéo giãn thành 10 năm để xử lý, phần lãi dự thu (lãi dự thu từ nợ xấu nhưng không có tiền) được ngân hàng Nhà nước cho khoanh lại để xử lý dần, kể cả trái phiếu đặc biệt của VAMC cũng kéo dài thời gian trích lập lên gấp đôi, thay vì 5 năm như bình thường, được phép phân bổ những khoản thua lỗ do bán tài sản với mức thấp.

Thách thức tiếp theo còn là tăng vốn. “Cần đến 1 tỉ USD để tái cấu trúc Sacombank”, ông Thành đã nói về kế hoạch tái cấu trúc Sacombank trong đề án gửi lên cơ quan quản lý. Rót tiền mặt vào cũng là ý muốn của Ngân hàng Nhà nước. Vốn mới không chỉ giúp Ngân hàng cải thiện lại tình hình và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về vốn đặc thù trong ngành, mà còn giúp Ngân hàng nhanh chóng cho vay trở lại bình thường.

Việt Dũng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới