Hạ nhiệt cuộc chiến giá rẻ
Việc các nhà bán lẻ đồng loạt hạ giá bán đã khiến thị trường bán lẻ điện tử, điện máy thiết lập một mặt bằng giá mới. Ảnh: TL
Cạnh tranh về giá bán sản phẩm vốn đã âm thầm diễn ra giữa các nhà bán lẻ hàng điện tử (ICT) và điện máy (CE) nhưng đến khi thị trường bán lẻ gặp khó do sức mua yếu, các ông lớn trong ngành mới thổi bùng “cuộc chiến giá rẻ” lên đỉnh điểm.
Tổn thất từ cuộc chiến giá
Bắt đầu từ quý II/2023, doanh nghiệp đầu ngành là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) chính thức “tuyên chiến” với thông điệp “Giá rẻ quá”. Theo đó, tivi, hàng điện gia dụng tại hệ thống này giảm sốc đến 50%, đồng thời cũng giảm giá mạnh các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là các dòng sản phẩm iPhone.
Tình thế này buộc những nhà bán lẻ lớn khác như FPT Shop, Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn, CellphoneS, Di Động Việt, 24hStore không thể đứng ngoài cuộc. Dù khẳng định “về bản chất, cuộc chiến về giá không phải là cuộc chiến hay trong giai đoạn này” nhưng lãnh đạo của FPT Retail cho biết sẽ phải “thích ứng” bằng chiến dịch “Rẻ hơn cả rẻ quá”.
Các chuỗi bán lẻ nhỏ hơn cũng nhanh chóng nhập cuộc với chiến dịch “Rẻ hơn các loại rẻ” (Di Động Việt) và “Rẻ hết cỡ” (Hoàng Hà Mobile). Trong khi đó, tại hệ thống CellphoneS, nhân viên bán hàng và quản lý cửa hàng sẽ tùy vào việc so sánh giá với hệ thống khác để có thể quyết định giảm giá thêm cho khách hàng. Giá bán tại CellphoneS được cập nhật theo ngày, giờ để đảm bảo sức cạnh tranh trên toàn hệ thống.
Việc các nhà bán lẻ đồng loạt hạ giá bán đã khiến thị trường bán lẻ điện tử, điện máy thiết lập một mặt bằng giá mới. Mặc dù việc này có thể tạo ra điều kiện tốt về giá và kích thích sức mua trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu nhưng cũng khiến các doanh nghiệp bán lẻ phải lao đao vì gánh lỗ.
Chiến lược cạnh tranh giá đang chứng minh có thể giúp doanh nghiệp giành thêm được thị phần nhưng cũng ăn mòn biên lợi nhuận của họ. Trong cuộc họp với các nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, thừa nhận: “Lợi nhuận năm 2023 đã kém đi rất nhiều”. Ông Tài cũng khẳng định với việc thực hiện chiến lược giá cạnh tranh, thị phần của MWG được phục hồi và chênh lệch doanh thu trong mảng ICT của MWG so với đối thủ đã tăng lên theo từng quý, khoảng cách doanh thu được giãn ra. “Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi đã thu hút được khách hàng quay trở lại với mình”, ông Tài nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo MWG cũng thừa nhận mặt trái của chiến lược này đã trực tiếp khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, MWG ghi nhận doanh thu thuần hơn 86.858 tỉ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022 và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 77,4 tỉ đồng, giảm tới 97,8%.
Với FPT Retail, tình hình cũng không khá hơn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này đạt 23.160 tỉ đồng doanh thu, tăng 7% so với cùng kỳ trong khi vẫn lỗ trước thuế 197 tỉ đồng. FPT Retail cho biết cạnh tranh gay gắt về giá giữa các nhà bán lẻ đã khiến lợi nhuận không đạt kỳ vọng. Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) cũng cho biết chỉ đạt 13.969 tỉ đồng doanh thu và 265 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2023, lần lượt giảm 22% và giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Tái bố trí đội hình 2024
Theo VNDIRECT Research, bước đầu MWG chưa đạt được kết quả gì nổi bật khi khởi động cuộc chiến này. Điều đó có khả năng sẽ khiến MWG kéo dài “cuộc chiến giá” để tiếp tục tận dụng lợi thế tài chính của mình, xét đến khó khăn trong việc tăng giá trở lại hoặc giảm khuyến mại sản phẩm. Ban lãnh đạo MWG khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ nhưng sẽ có điều chỉnh. Công ty sẽ phối hợp chặt với các hãng để đem đến những sản phẩm vượt trội hơn, độc quyền, giá cạnh tranh hơn và các sản phẩm vệ tinh như phụ kiện, gia dụng.
Lãnh đạo FPT Retail cũng cho rằng cạnh tranh khốc liệt về giá sẽ giảm bớt sau khi các công ty lớn giảm lượng hàng tồn kho. Nói về cuộc chiến giá rẻ đang diễn ra trong lĩnh vực bán lẻ, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Digiworld, nhận định: “Cuộc đua về giá không bao giờ là cuộc đua dài hạn, nó chỉ ngắn hạn vì không ai đi kinh doanh mà chịu lỗ mãi. Cuộc đua này có thể kéo dài đến cuối năm 2024 mới chấm dứt nhưng mức độ cạnh tranh đang giảm dần, không khốc liệt như hồi tháng 4 và tháng 5/2023”.
Tuy nhiên, không chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ nội địa, doanh nghiệp bán lẻ còn đối mặt với cuộc chiến thị phần gay gắt trước sự gia nhập dồn dập của các nhà bán lẻ ngoại. Tháng 1/2015, khi Việt Nam chính thức cho phép các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam, thì thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Theo đó, hàng loạt tên tuổi lớn như AEON (Nhật), Lotte (Hàn Quốc) và các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan, Singapore đã lần lượt đổ bộ vào Việt Nam. Các nhà đầu tư này có chiến lược đầu tư bài bản nhằm chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam.
Trước xu thế các nhà bán lẻ ngoại ồ ạt gia nhập thị trường, doanh nghiệp bán lẻ nội như Satra, FPT Retail, Vincommerce, Saigon Co.op... đang tích cực mở rộng hệ thống, tăng tốc chuyển đổi số để giữ thị phần. Hiện kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm 25% thị phần nên thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển và các bên sẽ phải có phép tính khác ngoài việc cùng nhau “đua đến đáy” về giá.
Chẳng hạn, trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, MWG cho biết sẽ tập trung giữ vững các hoạt động cốt lõi, ngừng những hoạt động chưa thực sự cần thiết, tạm hoãn đầu tư cho các dự án R&D trung và dài hạn, phân bổ lại nguồn lực và tái sáng tạo, thay đổi cách thức kinh doanh. FPT thì tập trung hơn vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm với một số dự án như chương trình khách hàng thân thiết FPT Loyalty, Trung tâm bảo hành ủy quyền Apple F.Care by FPT...
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ