Hiệp hội Mía đường “phản pháo” Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú
Mọi chuyện bắt đầu từ việc mới đây, Hiệp hội Mía Đường có ý kiến phản đối kế hoạch nhập khẩu đường thô do Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) sản xuất tại Lào về cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) tinh chế và xuất khẩu qua cửa phụ biên giới.
Sau đó, trong một cuộc họp bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đã có một số phát biểu khá quyết liệt. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, có 7 vấn đề mà Hiệp hội muốn Thứ trưởng “làm rõ” và nhấn mạnh đó là những nội dung mà theo Hiệp hội, “lẽ ra Thứ trưởng có thể nhận biết và xử lý trước khi chúng tôi phản ứng”.
Theo công văn của Hiệp hội, họ bất bình trước các phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú ủng hộ việc nhập đường Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào về Việt Nam, vấn đề cách thức hoạt động của các doanh nghiệp ngành mía đường; vấn đề lợi ích nhóm; vấn đề bảo hộ…
Trước phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú rằng, “tất cả các đứa con cưng đều hư, tôi khẳng định như thế! Là con cái chúng ta, cưng chiều lắm thì sẽ hư, doanh nghiệp Nhà nước cũng vậy, chiều lắm cũng hư”, Hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp mía đường không phải là doanh nghiệp Nhà nước mà đã là doanh nghiệp cổ phần, gồm những người “nghe theo lời vận động của Chính phủ, đã kề vai gánh lấy khoảng nợ khổng lồ của các nhà máy đường thuộc doanh nghiệp Nhà nước 10 năm trước đây liên tục thua lỗ đang bên bờ vực phá sản”.
Hiện nay, Nhà nước chỉ là cổ đông hoặc thậm chí không còn là cổ đông trong các doanh nghiệp này; một số doanh nghiệp mía đường hiện nay là tư nhân hoàn toàn, hoặc FDI, liên doanh nước ngoài. “Chúng tôi biết thân phận mình nên không dám đòi hỏi gì ngoài việc xin một chính sách hợp lý, công bằng, và sự nghiêm túc của Nhà nước trong việc thực thi các chính sách đó”, công văn viết.
Hiệp hội cũng cho rằng dù ngành mía đường Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt do hàng nhập lậu, trốn thuế cũng như việc tạm nhập nhưng không tái xuất vẫn diễn ra ngày càng công khai với quy mô ngày càng lớn hơn, nhưng các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội vẫn bảo hộ vùng nguyên liệu, mua mía với giá tương đối ổn định để đảm bảo lợi ích cho người trồng mía Việt Nam.
“Trong khi các quốc gia đứng đầu về sản xuất đường như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan…, giá mía mua vào chỉ xoay quanh ở mức 30 - 35 USD/tấn với chất lượng mía 13 CCS trở lên, thì các nhà máy chế biến đường ở Việt Nam phải chấp nhận mua mía với giá từ 45 - 50 USD/ tấn với chất lượng mía 9 - 10 CCS. Với việc làm này, chúng tôi đã tiếp sức với Nhà nước trong việc xây dựng nông thôn mới do ổn định được đời sống cho người dân trồng mía ở vùng nông thôn. Sao lại nói chúng tôi hư và được nuông chiều?”, công văn viết tiếp.
Trong khi đó, trước phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú về “lợi ích nhóm” trong ngành mía đường, Hiệp hội cho rằng sản xuất mía đường luôn gắn kết mật thiết quyền lợi của các nhà máy đường cả nước với người trồng mía cả nước, quyền lợi giữa nhà máy đường và người trồng mía trong nước luôn luôn là một.
“Các nhà máy đường sản xuất kinh doanh có lãi thì mới có thể tồn tại để tiêu thụ mía cho dân; người dân trồng mía có lãi thì mới tiếp tục trồng mía cung cấp cho nhà máy. Chúng tôi dựa vào nhau để tồn tại. Thứ trưởng cho chúng tôi vì lợi ích nhóm nhưng nhóm của chúng tôi gồm các nhà máy đường cả nước và hàng triệu nông dân. Vậy có gọi là nhóm được không?”, công văn viết tiếp.
Thậm chí, Hiệp hội còn nêu vấn đề rằng, nếu Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú ủng hộ sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa và Hoàng Anh Gia Lai, tìm cách tháo gỡ cho Hoàng Anh Gia Lai được đưa đường về nước thì đấy “không phải vì lợi ích nhóm chứ?”
Với phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú “không có hiệp hội nào như Hiệp hội Mía đường” và “yêu cầu của Hiệp hội mang tính tư duy bảo hộ”, Hiệp hội Mía đường cho rằng nếu theo kinh tế thị trường thuần túy thì “chúng tôi chỉ mua mía với giá 600.000 đồng/tấn tại nhà máy tương đương với giá mía tại Thái Lan thì dân có sống được không?”
“Làm thế nào để năng suất mía, chất lượng mía của Việt Nam bằng với Thái Lan đòi hỏi một chính sách mang tính hệ thống chứ không chỉ từ nỗ lực của các nhà máy đường và của nông dân trồng mía”, công văn viết.
Hiệp hội cũng cho rằng “các nước tư bản phát triển giàu mạnh như Cộng đồng chung Châu Âu, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản vẫn đang bảo hộ cao và bảo hộ nghiêm ngặt ngành đường của họ, Trung Quốc là một nước nhập khẩu đường lớn cũng đang bảo hộ cao và nghiêm ngặt, Brazil và Thái Lan là nước xuất khẩu đường đứng nhất, nhì thế giới vẫn bảo hộ cao ngành đường của họ”.
Một số nội dung khác cũng được Hiệp hội Mía đường đề cập trong công văn. Tuy nhiên, cũng có thể thấy văn bản này mang lối hành văn khá… “cảm tính” và có xu hướng chỉ trích cá nhân Thứ trưởng, không thể hiện tinh thần của một văn bản phản đối một chính sách như thông thường.
Các tranh cãi xung quanh đề xuất nhập đường của Hoàng Anh Gia Lai hiện vẫn đang được các bộ ngành xem xét, và các bên liên quan đều đưa ra lý lẽ của mình. VnEconomy sẽ tiếp tục đưa tin về sự việc này.
Hoài Ngân
Vneconomy
Gửi tin bài cộng tác: info@vietstock.vn
Doanh nghiệp CBTT: congbothongtin@vietstock.vn
Chia sẻ tin nóng: 0938 046 488
Các tin trước
Đọc nhiều 7 ngày qua
Nguồn Vietstock
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư