HoSE có thêm Bluechip
Ảnh: TL
Các nhà đầu tư nay đã có thêm sự lựa chọn dễ dàng hơn nếu muốn đầu tư vào cổ phiếu hàng không, khi mới đây hơn 1,4 tỉ cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) niêm yết trên sàn HoSE, sau 2 năm thử thách tại sàn UPCoM.
Trên thị trường hiện nay, chỉ có VietJet Air (mã VJC) là công ty vận tải hàng không duy nhất niêm yết, không tính đến vài công ty nhỏ thuộc lĩnh vực hỗ trợ ngành như dịch vụ hạ tầng cảng hay suất ăn hàng không. Trước đó, vào năm 2016, HVN bắt đầu giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều biến động, giá cổ phiếu hiện nay xoay quanh mức 41.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines đã tăng từ mức 1,5 tỉ USD (thời điểm IPO và có cổ đông chiến lược Nhật) lên khoảng gần 2,5 tỉ USD. “HVN sẽ nằm trong top 20 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn giao dịch chính. Chúng tôi hy vọng HVN có thể được đưa vào VN30 từ đầu năm sau”, Công ty Chứng khoán SSI mới đây nhận định.
Trên thực tế, với đặc trưng hoạt động của lĩnh vực hàng không, cấu trúc tài chính và những yêu cầu về quản lý vốn là đặc biệt quan trọng. Vì thế, việc niêm yết là chuyện gần như bắt buộc với các hãng hàng không nếu muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Điển hình như câu chuyện VietJet Air. Bắt đầu tham gia vào thị trường vận tải hàng không từ năm 2011, cổ phiếu VJC lên sàn vào cuối tháng 2.2017, với giá tham chiếu là 56.685 đồng/cổ phiếu. Tính đến nay, giá cổ phiếu giao dịch quanh mức 113.000 đồng, đưa giá trị vốn hóa tăng gấp gần 3 lần, lên mức 61.200 tỉ đồng.
Tăng trưởng ấn tượng của VJC liệu có được lặp lại ở HVN thì còn khó nói vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh doanh, nhưng việc niêm yết trên HoSE sẽ mang lại nhiều cơ hội tăng vốn cho Vietnam Airlines lẫn cơ hội thoái vốn của Nhà nước. Xét về quy mô, số lượng cổ phiếu HVN vượt trội so với VJC (gấp gần 3 lần) nhưng giá trị vốn hóa hiện tại thấp hơn. Đáng lưu ý, số lượng cổ phiếu chuyển nhượng tự do trên thị trường sẽ còn hạn chế do cổ đông nhà nước vẫn nắm hơn 86% cổ phần.
Tuy nhiên, kế hoạch của Nhà nước cũng sẽ là thoái vốn về dưới mức 51% vào năm 2020. Trong thời gian tới, cổ đông Nhà nước sẽ sớm bán cổ phần, hoặc Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phiếu để mở rộng kinh doanh. Thị trường giao dịch cổ phiếu hàng không vì vậy được kỳ vọng tiếp tục sôi động, không chỉ có mỗi VJC như trước.
Nhìn xa hơn, sàn giao dịch HoSE vẫn còn những cổ phiếu dự bị khác. Chẳng hạn, Bamboo Airways đã bay từ đầu năm 2019. Còn có Jetstar Pacific hay Vasco (hai công ty con của Vietnam Airlines). Với lịch sử niêm yết các công ty con của tập đoàn mẹ FLC, hãng bay này dự kiến sẽ là cổ phiếu hàng không nhiều khả năng sẽ niêm yết tiếp theo. Mới đây, AirAsia tuyên bố hủy thương vụ thành lập liên doanh tại Việt Nam với Gumin. Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng khu vực châu Á không từ bỏ thị trường Việt, thậm chí còn nhận định đầy tiềm năng và hấp dẫn.
2018 được xem là năm chững lại của hàng không Việt vì gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thị trường hàng không trong nước vẫn tăng trưởng đáng kể. Năm 2018, tổng thị trường vận chuyển đạt 63,4 triệu lượt khách, tăng trưởng 12%, trong đó khách nội địa tăng 6,9%, còn khách quốc tế tăng 19,4%.
Theo Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) giai đoạn 2014-2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Dự báo tới năm 2035, con số tăng trưởng bình quân của hàng không Việt Nam sẽ là 14%, là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Với mức tăng trưởng cao, cổ phiếu hàng không vì thế sẽ còn hấp dẫn.
Công ty Chứng khoán BSC nhận định tỉ lệ sinh lời của hàng không Việt Nam đều cao hơn so với các hãng hàng không cùng phân khúc trên khu vực. Trong khi đó, báo cáo SSI cho biết tỉ lệ P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) của HVN là khoảng 2,6 lần, VietJet Air là 4,3 lần, trong khi các hãng bay truyền thống trong khu vực châu Á bình quân đạt 1,5 lần.
Ngoài cổ phiếu HVN hay VJC là những bluechip hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hiện đã có những công ty khác niêm yết trên HoSE như Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (mã NCT), CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã SCS) hay Công ty CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (mã SGN). Bên cạnh đó, ngành hàng không vẫn còn rất nhiều công ty đang niêm yết trên UPCoM, chờ ngày chuyển sàn tương tự như HVN, trong số đó có cả bluechip như Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV). Cổ phiếu ngành hàng không nói chung dự kiến sẽ sôi động hơn đáng kể, khi các nhà đầu tư tư nhân được phép tham gia ngày càng nhiều hơn.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư