IEA mở cửa đối với các nền kinh tế mới nổi
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đang tiến hành những bước đầu tiên cho phép các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc gia nhập. Các thành viên Mỹ, Nhật, Đức của IEA đã thảo luận với 7 quốc gia có nền kinh tế mới nổi. Đây là lần đầu tiên có các cuộc họp đa phương của Cơ quan này trong vòng gần 40 năm kể từ khi thành lập. IEA được thành lập ngay sau khủng hoảng dầu lửa đầu tiên năm 1973.
Bà Maria van der Hoeven, giám đốc điều hành IEA cho biết bản đồ phân phối nhu cầu tiêu thụ năng lượng đã thay đổi, trong đó trung tâm đang dần dịch chuyển về phía Đông, do đó IEA không thể làm ngơ. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh những thảo luận với 7 nền kinh tế mới nổi, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Nam Phi, Mexico và Indonesia hiện vẫn còn trong giai đoạn sơ bộ, cần phải mất vài năm để tiến hành bất cứ thỏa thuận nào.
Thành viên tham gia vào IEA sẽ chia sẻ các thông tin, hợp tác với tổ chức trong việc tham gia dự trữ dầu khẩn cấp. Tuy nhiên, các quốc gia này không bị buộc phải giữ lượng tương đương 90 ngày nhập khẩu dầu thô mà các nước công nghiệp phải giữ cho kho dự trữ khẩn cấp của IEA.
Thành viên mới phải là nước có nền sản xuất năng lượng quan trọng. IEA có tới 6 thành viên trong tổng số 10 nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. Các ứng cử viên hiện nay có Nga đứng đầu về sản xuất khí đốt thiên nhiên, Trung Quốc đứng đầu về than nhiệt và Brazil có lợi thế về nhiên liệu sinh học.
Chính IEA cũng nhận định rằng trong giai đoạn tháng 4 - tháng 6 năm nay, các quốc gia mới nổi sẽ lần đầu tiên tiêu thụ nhiều năng lượng hơn các nước công nghiệp phát triển.
7 quốc gia có nền kinh tế mới nổi sẽ tiếp tục được mời tham gia họp các Bộ trưởng IEA, tổ chức 2 năm 1 lần, lần gần nhất là vào tháng 11 tới.
Nguồn Dân Việt/FT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư