Hủy
Kinh Doanh

Kinh doanh tiệc cưới: Vẫn chưa hết nóng!

Thứ Tư | 11/11/2015 06:30

Tổng doanh thu về dịch vụ cưới tại các thành phố lớn của Việt Nam đã lên đến 5 tỉ USD, trong đó nhà hàng và trung tâm tiệc cưới chiếm 50%.
 

Giá một bàn tiệc cưới ở trung tâm The Adora (Quận 7, TPHCM) cho ngày 30.12 sắp tới có thể lên đến 13 triệu đồng. Còn muốn đặt tiệc tại Trung tâm White Palace (quận Phú Nhuận), cô dâu chú rể có thể phải trả 20 triệu đồng/bàn, tùy thực đơn. Với mức lợi nhuận từ 15-50%, theo Hiệp hội các nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới (ABC) tại Việt Nam, ngành kinh doanh này sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Ông Robert Trần, đại diện ABC, cho biết kinh doanh tiệc cưới không chỉ mang lại mức sinh lời hấp dẫn, mà đồng tiền của nhà đầu tư còn được xoay vòng nhanh, doanh nghiệp không bị chiếm đoạt vốn. Năm ngoái, khảo sát do ABC thực hiện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ cho thấy tổng doanh thu về dịch vụ cưới tại những khu vực này đã lên đến 5 tỉ USD. Và chi phí nhà hàng, trung tâm tiệc cưới chiếm 50% trong con số đó.

Tại TP.HCM, hiện có 130 trung tâm tiệc cưới lớn nhỏ đang hoạt động. Tuy cạnh tranh gay gắt, nhưng các nhà đầu tư vẫn không ngừng mở rộng quy mô hoạt động. Ví dụ ở phân khúc trung và cao cấp, ngoài White Place, Diamond Place và các khách sạn 4-5 sao, gần đây đã xuất hiện thêm 3 trung tâm Adora của Đông Phương Group. Ðây là những trung tâm tiệc cưới nhắm vào nhóm đối tượng có nhu cầu cao hơn so với hệ thống nhà hàng Đông Phương trước đó.

Miếng bánh hấp dẫn này cũng đã thu hút Bến Thành Land tham gia đầu tư, với Riverside Palace ra đời năm 2011 và Claris Palace vào năm 2013. Tháng 10 năm ngoái, nhà đầu tư này tiếp tục kết hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico) khai trương trung tâm hội nghị tiệc cưới Melisa ở phía Tây TP.HCM. Ðây là dự án trên khuôn viên rộng gần 13.000 m2, gồm 9 sảnh tiệc có thể phục vụ hơn 3.500 khách.

Theo ông Robert Trần, trong 2 năm trở lại đây, người Việt có xu hướng chi tiêu càng mạnh tay vào dịch vụ cưới hỏi. Ðại diện ABC lý giải do tình hình kinh tế trong nước ổn định và mức thu nhập trung bình cũng tăng lên, nên sẽ có nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ ra lượng tiền tương xứng để có đám cưới “để đời”. Mặt khác, cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam cũng là một yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào dịch vụ công nghệ cưới.

Dù sôi động, nhưng thị trường kinh doanh tiệc cưới vẫn chứng kiến những nhà đầu tư rời bỏ cuộc chơi. Giữa năm 2015, nhà hàng Sinh Đôi, trung tâm tiệc cưới chuyên nghiệp đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM, đã đóng cửa sau 18 năm hoạt động. Bên cạnh đó, một số nhà hàng vừa ra đời ít lâu nhưng cũng phải rút lui vì sai lầm khi chọn mặt bằng có giao thông không thuận tiện.

Khó khăn lớn nhất trong đầu tư nhà hàng tiệc cưới không phải là nguồn vốn đầu tư ban đầu, mà là việc tìm mặt bằng thích hợp. Theo tính toán của một nhà đầu tư, vị trí mặt bằng chiếm đến 50% thành công của trung tâm tổ chức tiệc cưới. Chính vì đặc thù này nên nhiều nhà đầu tư vẫn không thành công được ở lĩnh vực kinh doanh tiệc cưới, dù có nguồn vốn lớn. Lý do đơn giản bởi vì họ không tìm được một địa thế đẹp, đông dân cư, giao thông thuận tiện với quỹ đất lớn để xây nhà hàng

Kinh doanh tiệc cưới không chỉ mang lại mức sinh lời hấp dẫn, mà đồng tiền của nhà đầu tư còn được xoay vòng nhanh.

Nghĩa Trần


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới