Loay hoay giảm phụ thuộc Trung Quốc
Ảnh: QH
Có vẻ như Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, năm 2018, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc là 41,27 tỉ USD, tăng 16,95% so với cùng kỳ năm 2017. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 65,44 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, tăng 11,68% so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều so với con số 27,6% cùng kỳ.
Dẫu vậy, chúng ta không thể lạc quan. Nhìn vào bảng số liệu năm 2018, tỉ trọng xuất - nhập khẩu của thị trường Trung Quốc chiếm lần lượt 16,95% và 27,65% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu, chứng tỏ đây là thị trường có sức chi phối rất lớn đến Việt Nam. Ở từng nhóm ngành, thực trạng này càng biểu hiện rõ rệt, đơn cử, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chiếm 35,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 28,5%... Nghịch lý hơn, xuất khẩu xơ, sợi sang Trung Quốc đạt hơn 2 tỉ USD, chiếm 55% tổng kim ngạch nhóm hàng, trong khi Việt Nam vẫn phải nhập các loại vải lên tới 7,1 tỉ USD từ nước láng giềng.
Điều này cho thấy cách thức chọn dễ bỏ khó đã tạo nên điệp khúc nhập siêu từ Trung Quốc. Ngoài ra, ở nhóm các sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, Trung Quốc xuất sang Việt Nam 12,02 tỉ USD, trong khi những thị trường lớn nhập khẩu nhóm hàng này từ Việt Nam không có tên Trung Quốc. Cảnh báo Việt Nam có thể trở thành bãi đỗ cho máy móc, thiết bị cũ từ bên kia biên giới tràn vào càng có thêm cơ sở.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 14,63 tỉ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 10 năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc sụt giảm trong 2 tháng đầu năm. Việc sụt giảm chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh. Dù kim ngạch giảm nhưng 2 tháng đầu năm nay Trung Quốc vẫn duy trì vị thế là đối tác cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam, chiếm tỉ trọng tới khoảng 28% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Có thể thấy, trong cuộc giao thương với Trung Quốc, ở cả 2 chiều xuất và nhập khẩu, Việt Nam đều đang ở vị trí phụ thuộc, dễ bị tổn thương, thiệt thòi. Thế nhưng, chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài cách phải đàng hoàng và tự tin so găng với bất cứ vấn đề nào. Đầu tiên, cần khẳng định rằng, hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ, chất lượng tốt cho các ngành sản xuất đã và vẫn sẽ là lợi thế của Trung Quốc.
Thay vì e ngại, từ chối, sẽ khôn ngoan hơn nếu Việt Nam chủ động tận dụng được ưu thế từ việc nhập khẩu các sản phẩm này. Lo ngại phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu nên đặt xuống thứ yếu, đơn giản bởi không khó tìm được nguồn cung hàng hóa khi Việt Nam được coi là quốc gia cởi mở nhất trong việc tham gia các thỏa thuận thương mại tự do.
Tiếp cận theo hướng này, vấn đề chỉ còn việc làm sao tăng được tối đa cho sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc mà sản xuất tại Việt Nam. Ở đây, chiếc chìa khóa vàng sẽ nằm ở khâu nghiên cứu phát triển (R&D) và thương hiệu, những khâu nơi chúng ta chứng minh tài năng, trí tuệ của người Việt không phải chỉ là lời nói xã giao.
Nhìn rộng hơn, không thể nói tới việc cạnh tranh khi vẫn vướng víu, trì trệ trong một nền kinh tế chủ yếu là gia công. Dù có thành công, Việt Nam cũng chỉ thành một công xưởng gia công nhỏ và chỉ có phép mầu mới giúp chúng ta đấu lại được với đại công xưởng Trung Quốc đã dạn dày kinh nghiệm... gia công.
Lời giải cho bài toán xuất khẩu đơn giản hơn rất nhiều. Ngoài những mặt hàng xuất khẩu hộ cho khối FDI, lựa chọn xuất khẩu nhiều, giành hợp đồng nhờ giá rẻ của Việt Nam dù gì cũng chứng tỏ, chúng ta có thế mạnh trong sản xuất gạo, nông sản, thủy sản... Chúng ta chỉ cần học cách làm của người Trung Quốc, tạo ra nhóm sản phẩm tương ứng với các phân khúc khách hàng từ bình dân tới trung và cao cấp của Trung Quốc. Đối với 2 nhóm sau, buộc nhà cung cấp phải áp tiêu chuẩn quốc tế trong quy trình sản xuất từ giống, chăm sóc tới công nghệ sau thu hoạch. Hiển nhiên, phải có sản phẩm tốt mới tính được việc chào mời những thượng đế khó tính nhưng chịu chi hơn.
Ở tầm chính sách, trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu gợi ý, Việt Nam nên tính tới việc xây dựng một chiến lược quốc gia nhằm mục tiêu giảm phụ thuộc và tạo lợi thế tối đa cho Việt Nam trong quan hệ ngoại thương và đầu tư với Trung Quốc. Đây là công việc cần sự tham gia của các thành phần kinh tế, các chuyên gia, trí thức với những kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất tiêu dùng tới đầu tư cơ sở hạ tầng, tài chính và cần phải đưa ra Quốc hội bàn thảo, thống nhất. Quan trọng nhất, nền kinh tế Việt Nam phải nỗ lực hết sức để mạnh lên.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
-
Minh Đức