Hủy
Kinh Doanh

Nhu cầu mua hàng online tăng 3 lần

Mai Hân Thứ Hai | 05/02/2018 16:35

 
 
Nếu người tiêu dùng năm 2017 chọn mua kênh online chỉ chiếm 0,9%, thì năm nay, con số này đã tăng lên gấp 3 lần ở nhiều mặt hàng.

 Đặc biệt thiết bị điện tử, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao,... đây là khảo sát mới của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao 2018. Ngoài ra, kết quả khảo sát còn cho thấy, tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được người tiêu dùng lựa chọn mua online, trong đó tập chọn mua online ngày càng nhiều các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị - đồ điện tử kỹ thuật cao; đồ chơi - dụng cụ thể thao; mỹ phẩm; chăn mền, drap, gối, rèm cửa; dụng cụ làm đẹp; văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang (chiếm tỷ lệ từ 10 - 30% người tiêu dùng chọn mua online).

Kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2018 cho thấy có tới 23% người tiêu dùng lựa chọn các kênh online để tham khảo thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm, tăng 5% so với kết quả khảo sát HVNCLC năm 2017 (18%) ở tất cả các kênh thông tin online, trong đó website công ty có tỷ lệ tham khảo tăng gấp đôi (từ 3,3% lên 6,7%), là kênh thông tin mà doanh nghiệp hoàn toàn chủ động tạo ra nội dung thông tin để tiếp cận, thu hút và chinh phục người tiêu dùng.

Tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ từ Thái, Nhật, Hàn cao hơn so với tỷ lệ mua dùng; tức là trong tương lai gần tỷ lệ mua dùng vẫn sẽ tăng lên khi người tiêu dùng có đủ các điều kiện tiếp cận sản phẩm. Bên cạnh việc tận dụng tốt tâm lý “sính hàng ngoại” của người tiêu dùng Việt, các doanh nghiệp Thái, Nhật, Hàn còn tận dụng được tâm lý thận trọng trong lựa chọn của khách khi “e dè/tẩy chay” hàng Trung Quốc (0,6%), bởi nhiều tai tiếng về chất lượng và sự an toàn.

Kết quả khảo sát HVNCLC 2018 cho thấy, sản phẩm trong nước dù vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng là 51% và 60%, nhưng đã giảm đáng kể (lần lượt giảm 27% và 32%) so với kết quả khảo sát năm 2017.

Trong khi đó, các sản phẩm ngoại nhập có xuất xứ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đang từng ngày cạnh tranh giành niềm tin, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt. Nếu như năm 2017, sản phẩm ngoại nhập từ Thái, Nhật, Hàn được người tiêu dùng mua dưới 3%, thì đến nay đã tăng lên 8-10%, thậm chí, có những sản phẩm như bánh kẹo, đồ uống chiếm tỷ lệ khá cao, từ 12-17%.

Các sản phẩm có xuất xứ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc còn có ưu thế từ mạng lưới bản lẻ rộng khắp từ các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam như, Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị, Big C có 32 siêu thị, Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven.  Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart, mới đây nhất là SG25…

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Thái, Hàn, Nhật đầu tư và mở rộng hệ thống siêu thị tại Việt Nam, cộng thêm các doanh nghiệp Thái, Nhật, Hàn còn chủ động thực hiện nhiều chương trình kích hoạt nhằm đánh động “xúc cảm” để thu hút và chinh phục người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, theo khảo sát người tiêu dùng vẫn còn ưa chuộng những mặt hàng do doanh nghiệp Việt sản xuất vì tẩy chay hàng Trung Quốc và tin tưởng chất lượng cũng như giá cả phù hợp hơn.

Theo khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố, có 640 doanh nghiệp Việt đạt chứng nhận HVNCLC 2018 do người tiêu dùng bình chọn. Thông tin 640 doanh nghiệp sẽ được thông tin tại Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2018, sẽ diễn ra vào ngày 07.02 tới đây.

Cuộc điều tra bình chọn HVNCLC 2018 là lần thứ 22, được tiến hành trong 3,5 tháng, với 17.300 phiếu đạt chuẩn, 380 cuộc phỏng vấn với 13.000 hộ gia đình và 3.000 điểm bán tại 12 tỉnh, thành phố là những trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ). Đặc biệt, cuộc điều tra năm nay còn ghi nhận ý kiến bình chọn đánh giá của người tiêu dùng từ các kênh trực tuyến, đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy của kết quả bình chọn. Cũng trong khảo sát này, có 39 doanh nghiệp đã đạt 22 năm liên tiếp.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội cho biết, đã có 62 doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm đạt danh hiệu HVNCLC – Chuẩn hội nhập. Bộ tiêu chí này sẽ là lợi thế, điểm tựa về chất lượng kỹ thuật, là lời cam kết vững chắc về chất lượng để cạnh tranh hàng Asean đang tràn ngập và cả cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.

Cũng theo bà Hạnh, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt bán lại cho đối tác ngoại, sau khi về tay doanh nghiệp ngoại thì không sử dụng và không tham gia HVNCLC. Cụ thể như Kinh Đô và Sabeco sau khi bán cho đối tác ngoại thì không tiếp tục sử dụng Logo HVNCLC. Nguyên nhân là do người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng ngoại nên những thương hiệu này muốn trở thành 100% hàng ngoại. Ngược lại, một số thương hiệu ngoại như Suntory, Honda, Unilever lại gửi hồ sơ muốn tham dự và sử dụng logo HVNCLC trên sản phẩm.

Với chủ đề “Hàng Việt hội nhập – Vươn lên”, Lễ công bố HVNCLC 2018 sẽ diễn ra lúc 18g ngày 7.2.2018 tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP.HCM. Sự kiện quy tụ hơn 600 doanh nhân, đội ngũ các chuyên gia kinh tế, các cấp quản lý, đại diện cấp cao Chính phủ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới