Những đế chế 'tỷ đô' trên thị trường xe máy Việt
Người nước ngoài thường ấn tượng về Việt Nam bởi xe máy và trên thực tế với dân số 90 triệu người, cả nước hiện có khoảng 45 triệu xe máy. Theo số liệu của PewSearch Center, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe máy với 86%, chỉ thua 1% so với nước dẫn đầu là Thái Lan. Một số thống kê khác cũng cho thấy nếu tính tỷ lệ người dân sở hữu xe, Việt Nam cũng xếp ở vị trí tương tự, sau Đài Loan (Trung Quốc).
Chính sự phổ biến và nhu cầu này đã giúp các hãng sản xuất xe máy, đặc biệt là xe Nhật, ăn nên làm ra và hình thành những "đế chế" trên thị trường. Dẫu vậy, dù hoạt động tại Việt Nam từ hàng chục năm qua, những con số cụ thể về quy mô và lợi nhuận của những ông lớn này mới được hé lộ gần đây, thông qua báo cáo của các cổ đông góp vốn.
Số liệu của PewSearch Center cho thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu xe máy cao thứ 2 thế giới, sau Thái Lan. |
97% thị phần xe máy Việt thuộc về 5 đại gia (Honda, Piaggio, SYM, Suzuki và Yamaha) thì riêng Honda giữ tới 70%. Có mặt từ những năm 1996, đến nay, Honda đã cung cấp ra thị trường 20 triệu xe máy (cùng với 44.000 ôtô). Đây là liên doanh giữa 3 công ty: Honda Motor Nhật Bản (góp 42%), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, 30%) và Asian Honda Motor (28%).
Với 3 nhà máy (tổng vốn đầu tư 475 triệu USD), Honda có thể cho xuất xưởng 2,5 triệu xe máy mỗi năm và trong năm 2014, doanh nghiệp này tiêu thụ được 1,91 triệu xe. Honda Việt Nam ghi nhận doanh thu 55.000 tỷ đồng trong năm này (xe máy chiếm 95%) và là một trong 3 doanh nghiệp FDI có doanh thu lớn nhất Việt Nam (sau Samsung và Vietsovpetro). Con số này tương đương hơn 2 tỷ USD và đã đóng góp đáng kể vào doanh thu 16 tỷ USD từ xe máy của công ty mẹ tại Nhật Bản.
Tuy vậy từ nhiều năm qua, lợi nhuận và một số số liệu tài chính khác của Honda Việt Nam thường ít được công bố và chỉ được hé lộ phần nào trong báo cáo gần đây của VEAM - một trong 3 cổ đông chính. Cụ thể, VEAM từng góp 252 tỷ đồng, tương ứng 30% vốn vào Honda từ khi mới thành lập, song đến nay, giá trị khoản đầu tư này đã tăng lên 7.142 tỷ đồng.
Như vậy, Honda Việt Nam được định giá khoảng 22.140 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số xấp xỉ một tỷ USD này chỉ là trên sổ sách, còn trên thực tế, với thương hiệu và thị phần nắm giữ, giá trị của Honda Việt Nam có thể gấp nhiều lần.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy VEAM đã thu về gần 3.500 tỷ đồng lãi từ các công ty liên kết, trong đó giá trị của khoản đầu tư tại Honda tăng thêm 1.982 tỷ đồng. Theo tính toán, lợi nhuận của Honda trong năm đó cũng đạt hơn 6.600 tỷ đồng.
Một đại gia khác cũng được hé lộ số liệu kinh doanh thời gian gần đây là Yamaha, khi cổ đông lớn là Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam công bố cổ phần hoá.
Cụ thể năm 2012, doanh thu của Yamaha Việt Nam đạt 23.538 tỷ đồng (tương đương hơn một tỷ USD), năm 2013 giảm xuống 21.097 tỷ, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 695 và 647 tỷ đồng. Năm 2014, doanh số bán xe của Yamaha sụt giảm hai con số khiến doanh thu của đơn vị giảm xuống 18.545 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 647 tỷ.
Doanh thu của Yamaha có xu hướng giảm do thị trường xe có dấu hiệu chững lại. Dù vậy, họ vẫn giữ thị phần lớn thứ 2 trên thị trường xe máy (23,4% năm 2014) và thuộc nhóm các doanh nghiệp FDI có doanh thu lớn nhất Việt Nam. Tỷ lệ trả cổ tức của doanh nghiệp cũng luôn ở mức cao: gần 80% năm 2012-2013, năm 2014 là 91%.
Có mặt tại Việt muộn hơn các đại gia trên, song Piaggio cũng gây ấn tượng và phát triển nhanh chóng nhờ các dòng xe thời trang, phù hợp với thị hiếu tăng dùng xe ga của người Việt. Theo thống kê năm 2014 của tỉnh Vĩnh Phúc - nơi hãng xe đặt nhà máy, Piaggio sản xuất được 104.363 xe máy trong đó tiêu thụ trong nước hơn 56.000 xe, còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và châu Âu... Tổng doanh thu của đơn vị này đạt 265 triệu USD, đóng 369 tỷ đồng thuế cho Nhà nước.
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, tỷ lệ sở hữu xe máy của người Việt Nam sẽ có xu hướng tăng lên trong vài năm tới. Khi đó, thị trường sẽ đạt mức bão hoà khi mỗi người dân đều có khả năng tài chính mua được một chiếc xe.
Với xu hướng này, thực tế tiêu thụ xe của Việt Nam đã bắt đầu có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2011 với 3,3 triệu xe. Đến năm 2014, lượng tiêu thụ giảm xuống 2,8 triệu chiếc. Tuy vậy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm 4 quốc gia tiêu thụ xe máy lớn nhất thế giới cùng Trung Quốc. Đây vẫn là mảnh đất màu mỡ của các đại gia ngoại trước khi thị trường mở cửa với ôtô.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có thể trở thành công xưởng xe máy của thế giới, khi lượng xuất khẩu xe của Honda, Piaggio… đang tăng mạnh. Trong bối cảnh thị trường xe bão hoà, thu nhập người dân cao lên, các hãng xe cũng đang chuyển mình cho ra những mẫu xe chất lượng, mẫu mã đẹp, phân khúc cao cấp hơn.
Nguồn Vnexpress
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư